Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 07/03/2024, 17:12 PM

Chuyện ít biết về người lái máy bay đầu tiên cho không quân Việt Nam: Là hàng binh người Đức, được Bác Hồ đặt tên và có nhiều đóng góp cho ngành Hàng không dân dụng

Ông đã có những cống hiến, hy sinh quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của không quân Việt Nam.

Tình yêu đặc biệt với Việt Nam của phi công người Đức

Verner Schulze có tên tiếng Việt là Nguyễn Đức Việt (sinh năm 1920 - mất ngày 1/7/1968) là nam phi công quân sự người Đức từng phục vụ cho Quân đội nhân dân Việt Nam và là phi công quân sự đầu tiên của không quân Việt Nam. Ông cũng là một trong sáu lính Pháp theo hàng Việt Minh đã được Bác Hồ đặt tên lần lượt là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa.

Thời thanh niên, Verner Schultze học nghề trung cấp dệt, rồi học lái máy bay liên lạc cho Quân đội Đức. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, Verner Schultze bị Mỹ bắt làm tù binh và Mỹ giao lại cho Pháp. Verner Schultze phải chọn một trong hai con đường: Hoặc là bị cầm tù, hoặc là vào lính lê dương của Pháp. Không cách nào khác, Schultze đã phải đồng ý tham gia lính lê dương. Giữa năm 1946, ông được điều động sang Việt Nam đóng quân trong một đơn vị đồn trú ở Nam Trung Bộ. Vốn là người có học thức, phân định rõ chính nghĩa, phi nghĩa nên Verner Schultze luôn có cảm tình với phe Đồng Minh.

Hình ảnh hiếm hoi của phi công Nguyễn Đức Việt

Hình ảnh hiếm hoi của phi công Nguyễn Đức Việt

Trong đồn, vốn sẵn tư tưởng buồn chán, thấu hiểu được thực chất những gì người Pháp đã làm đối với Việt Nam, lại thường xuyên lấy được truyền đơn của Việt Minh, Schultze nuôi trong lòng ý định phản chiến. Sau khi móc nối được với người của Việt Minh, Schultze vận động được 5 lính Pháp trong đồn ra hàng.

Một đêm, cả 6 người tìm cách chuốc rượu cho bọn lính trong đồn say mềm, bỏ cát vào các nòng súng của chúng, rồi trốn theo Việt Minh. Sau đó, 6 hàng binh được Bác Hồ đặt tên lần lượt là: Việt, Nam, Dân, Chủ, Cộng, Hòa; trong đó Verner Schultze tên là Việt. Sau này, ông chọn họ Nguyễn và đổi tên thành Nguyễn Đức Việt - cái tên ngụ ý ông tuy là người Đức nhưng gắn bó với Việt Nam và xem Việt Nam là nơi sinh thứ hai của mình.

Người thầy dạy lái máy bay nghiêm khắc

Nguyễn Đức Việt là người tài hoa. Lúc đầu, ông được bố trí làm việc ở bộ phận địch vận thuộc Quân khu 2. Vốn có kiến thức khá sâu về cơ khí, ông được chuyển về Cục Quân giới. Tại đây, ông đã cùng nghiên cứu, phục hồi và chế tạo súng AT có thể bắn được xe tăng.

Năm 1949, khi Ban Nghiên cứu Không quân được thành lập, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị tổ chức hai lớp huấn luyện phi công. Giáo viên dạy về lái máy bay không ai khác là Nguyễn Đức Việt. Nguyễn Đức Việt có kiến thức rất sâu rộng về máy bay, đặc biệt ông là người rất nghiêm khắc.

Học viên trong lớp sau này vẫn kể lại một “kỷ niệm nhớ đời”: Một hôm, khi thầy Đức Việt đang giảng dạy rất say sưa, bỗng phía dưới lớp có tiếng xì xào, tiếng cười khúc khích. Thầy ngừng giảng, hỏi lý do tại sao. Học viên Nguyễn Tâm Trinh vội đứng lên thưa bằng tiếng Pháp lẫn tiếng bồi: "Monsieur, les singes “khẹc khẹc” (thưa thầy mấy con khỉ kêu khẹc khẹc)". Hóa ra có mấy con khỉ, thấy vắng người đã leo vào hai chiếc máy bay để trong rừng chơi thỏa thích làm mọi người nhìn thấy mất tập trung nghe giảng.

Phi công Nguyễn Đức Việt là một người thầy vô cùng nghiêm khắc. Ảnh minh họa

Phi công Nguyễn Đức Việt là một người thầy vô cùng nghiêm khắc. Ảnh minh họa

Thầy Đức Việt nghiêm nét mặt và nói một câu duy nhất: "Hãy nhớ, mỗi học viên ngồi đây là đại diện cho hàng triệu người Việt Nam". Cả lớp xấu hổ, nín lặng. Được biết, những năm sau đó, ông Nguyễn Đức Việt đã dạy thêm nhiều môn học khác liên quan đến hàng không như: Kỹ thuật, vật lý hàng không, lý thuyết phi hành, tổ chức phi trường…

Mối duyên đẹp với người vợ Tày

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, chàng phi công Nguyễn Đức Việt đã lên duyên với bà Hoàng Thị Thành - một phụ nữ người dân tộc Tày xinh đẹp quê tại tỉnh Hà Giang. Hai vợ chồng ông sinh được hai người con là Nguyễn Việt Hoa và Nguyễn Đức Hồng. Năm 1954, Nguyễn Đức Việt về tham gia trong đoàn tiếp quản sân bay Gia Lâm. Gia đình ông bà ở nhiều ngày tại ngôi nhà 8 mái nổi tiếng của sân bay Gia Lâm.

Trong ký ức của bà Hoa, người con của cựu phi công Đức Việt về người cha. “Cha tôi rất chiều con. Hàng ngày sau giờ làm việc, ông thường cõng tôi trên vai đi bộ từ nhà 8 mái ra phố chơi. Ông nói tiếng Việt rất sõi và cũng “ngấm” thói quen hút thuốc lào của người Việt. Tôi còn nhớ, chiếc điếu ông hút làm bằng ống luồng, to như bắp chân”, bà Hoa nhớ lại.

Được biết, năm 1956, cựu phi công Nguyễn Đức Việt trở về Đức nhưng chưa có điều kiện đem theo vợ và con đi cùng. Một thời gian sau khi về nước, Nguyễn Đức Việt được đề bạt lên chức Giám đốc sân bay Dresden. Tuy có địa vị và cuộc sống đầy đủ, nhưng lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng về người vợ, các con đang ở quê hương thứ hai của mình và tìm cách thu xếp để được đoàn tụ.

Ngày 31/6/1968, ông Nguyễn Đức Việt đã đột ngột qua đời trong chuyến công tác tại Bỉ khi đang giữ chức Thanh tra đường bay quân sự của CHDC Đức. Nguyện vọng tha thiết của ông Nguyễn Đức Việt trở lại Việt Nam dự kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1968 và đón các con sang Đức đã không được hoàn thành.

Trong cả sự nghiệp của mình, ông Nguyễn Đức Việt đã có những cống hiến, hy sinh quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của không quân Việt Nam và Hàng không dân dụng Việt Nam, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thùy Dung

Bình luận

Nổi bật

Vì sao cung nữ thời xưa bắt buộc phải nằm nghiêng, không được duỗi chân khi đi ngủ? Lý do đằng sau rất 'trái ngang'

Vì sao cung nữ thời xưa bắt buộc phải nằm nghiêng, không được duỗi chân khi đi ngủ? Lý do đằng sau rất 'trái ngang'

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 19:26

Cung nữ thời xưa luôn phải nằm nghiêng khi ngủ dù trong hoàn cảnh nào. Khi tìm hiểu lý do thực sự, nhiều người không khỏi phẫn nộ.

Núi đá vôi cao gần 100m nằm giữa cánh đồng cách TP.HCM 130km

Núi đá vôi cao gần 100m nằm giữa cánh đồng cách TP.HCM 130km

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 19:24

Ngoài việc leo núi, du khách cũng có thể trải nghiệm đạp xe quanh ruộng lúa.

Ngôi làng ngay cạnh Hà Nội nằm gọn trong lòng cảnh rừng biển trùng trùng điệp điệp, được mệnh danh là chốn ‘chữa lành’ đúng nghĩa

Ngôi làng ngay cạnh Hà Nội nằm gọn trong lòng cảnh rừng biển trùng trùng điệp điệp, được mệnh danh là chốn ‘chữa lành’ đúng nghĩa

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 19:23

Ngôi làng chỉ cách Hà Nội hơn 100km, là điểm đến phù hợp cho những những tín đồ đam mê khám phá thiên nhiên hoang sơ.