Thứ bảy, 29/04/2017, 09:04 AM

Chuyên gia nói gì về việc đòi thu phí bản quyền karaoke?

(NTD) - Gần đây, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được thông báo là: Sắp thu tiền bản quyền đối với bản ghi karaoke, nếu các cơ sở không thực hiện việc đóng phí, họ sẽ bị xử phạt về hành vi xâm phạm bản quyền. Chúng tôi liên hệ thạc sĩ luật học Võ Trung Tín đến từ Trường Đại học Jean Moulin (Lyon 3), một chuyên gia về sở hữu trí tuệ có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cấp phép bản quyền âm nhạc quốc tế, để trao đổi thêm về vấn đề này.

Thưa ông Tín,  là một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ông có thể cho biết việc thu tiền bản quyền này được dựa trên cơ sở pháp lý nào?

- ThS. Võ Trung Tín: Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung 2009, thì “Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thỏa thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.”

Như vậy đối với các cơ sở karaoke, khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động kinh doanh karaoke của mình không phải xin phép nhưng phải trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Do đó, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình hoàn toàn có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho cá nhân, tổ chức khác để yêu cầu các đơn vị kinh doanh karaoke trả thù lao cho mình.

Pháp luật có quy định cụ thể mức phí bản quyền mà các cơ sở karaoke phải trả là bao nhiêu không, thưa ông?

- ThS. Võ Trung Tín: Không, số tiền này để trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền đối với bản ghi mà cơ sở đang sử dụng để kinh doanh chứ không phải trả cho Nhà nước. Do đó vấn đề mức tiền bản quyền này sẽ do tác giả, chủ sở hữu quyền và cơ sở karaoke sử dụng tác phẩm của họ thỏa thuận trên cơ sở thống nhất giữa các chủ sở hữu quyền. Pháp luật không ấn định mức phí cụ thể mà để cho các bên tự định đoạt. Nói cách khác, đây là một thỏa thuận dân sự. Tuy nhiên, trong những trường hợp các bên không tự thỏa thuận được, có thể áp dụng các mức tiền bản quyền tương ứng trong các lĩnh vực tương tự để làm cơ sở tham khảo.

Bên cạnh đó, để các bên có cơ sở để thỏa thuận, Nhà nước có quy định về nguyên tắc và phương thức thanh toán mức thù lao cho chủ sở hữu quyền. Theo đó, tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, Nhà nước quy định một số nguyên tắc tính thù lao như sau:

        - Việc trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

      -  Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm.

      -  Các đồng tác giả, tập thể tác giả thỏa thuận về tỷ lệ phân chia nhuận bút, thù lao theo mức độ sáng tạo thể hiện trong tác phẩm, phù hợp với hình thức sử dụng.

    -  Tác giả của tác phẩm, tổ chức, cá nhân thực hiện cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số; người Việt Nam thực hiện sáng tạo tác phẩm trực tiếp bằng tiếng nước ngoài, người Kinh thực hiện trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số, người dân tộc thiểu số này thực hiện trực tiếp bằng tiếng dân tộc thiểu số khác; thực hiện trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm và những trường hợp đặc biệt khác được hưởng thêm nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khuyến khích.

       - Việc sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan và trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải có hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật.

Như vậy, khi các bên thỏa thuận, có thể căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm để làm cơ sở thu phí.

Là một người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực cấp phép bản quyền âm nhạc Quốc tế, ông có thể chia sẻ một chút về cách tính phí bản quyền thông thường như thế nào không?

- ThS. Võ Trung Tín: Thường khi tính phí quyền tác giả, quyền liên quan đối với bản ghi karaoke được sử dụng nhằm mục đích kinh doanh, thương mại, chúng ta sẽ dựa vào số lần bản ghi đó được sử dụng. Rõ ràng chúng ta chỉ trả tiền cho những gì chúng ta sử dụng, chuyện đó rất bình thường. Ở đây cũng vậy, chúng ta chỉ trả tiền cho những bản ghi nào được sử dụng, bản ghi nào được sử dụng nhiều lần thì phí trả cho nó sẽ càng nhiều theo tương ứng. Không có cách nộp tiền bản quyền lại cào bằng và tính trên số lượt bài mình có cả. Cách tính thông dụng là trên số lượt bài của mình được sử dụng.

Gần đây Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) có đưa ra mức giá 2.000 đồng/bản ghi/đầu máy/năm. Ông có suy nghĩ gì về mức phí này?

- ThS. Võ Trung Tín: Mức phí RIAV đưa ra chỉ áp dụng đối với bản ghi karaoke được chủ sở hữu quyền ủy quyền cho RIAV đi thu. Tôi cũng đọc được nhiều tranh cãi về mức phí này bởi RIAV chưa xác định rõ ràng phí này trả cho quyền gì, chỉ nói chung chung là “phí bản quyền liên quan đến bản ghi, bao gồm quyền sản xuất bản ghi và quyền ca sĩ” - nguyên văn trong bảng giá của họ. Trong khi đó, một bản ghi âm, ghi hình karaoke có bao gồm 3 quyền sau:

1.      Quyền tác giả đối với bài hát được sử dụng trong bản ghi âm, ghi hình

2.       Quyền liên quan của tổ chức sản xuất bản ghi âm, ghi hình đối với bản ghi âm, ghi hình đang được sử dụng.

3.      Quyền liên quan của người biểu diễn đối với phần biểu diễn thể hiện trong bản ghi âm, ghi hình đang được sử dụng.

Tôi không rõ 2.000 đồng của RIAV là phí trả cho cả 3 quyền này hay thế nào. Quyền tác giả đã có VCPMC (Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) thu rồi. Nếu mức phí RIAV đưa ra cũng bao gồm cả phí quyền này thì sẽ bị trùng với VCPMC. RIAV nên nói rõ hơn tiền phí 2.000 đồng thu cho quyền gì. Thậm chí nếu không vướng phải vấn đề này thì tôi vẫn không nghĩ số tiền này là ổn, bởi có bài được dùng nhiều, có bài dùng ít, nhưng mà tất cả đều có giá 2.000 đồng thì không công bằng.

Khi các cơ sở này thực hiện việc trả phí bản quyền cho những bản ghi karaoke, ông có vấn đề gì cần lưu ý dành cho họ không?

- ThS. Võ Trung Tín: Tôi muốn nhấn mạnh rằng phí quyền tác giả, quyền liên quan do các bên tự thỏa thuận. Nếu các cơ sở karaoke và chủ sở hữu quyền không thể đi đến thống nhất về mức phí thì cơ sở karaoke có thể gỡ bản ghi đó ra khỏi đầu máy. Đơn cử như trường hợp của RIAV, tôi được biết nhiều cơ sở karaoke không đồng tình cách thu phí của hiệp hội, nếu họ không muốn đóng phí cho hiệp hội thì cũng được nhưng phải gỡ tất cả bản ghi được ủy quyền cho hiệp hội thu phí.

Mà những bản ghi nào được ủy quyền cho hiệp hội thu phí, lại là một câu chuyện khác.

Nói chung, các quy định về luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan còn khá mới và khó khăn để cho các đơn vị kinh doanh karaoke hiểu và áp dụng. Vì vậy có nhiều khả năng có các đơn vị, tổ chức đến thu tiền không đúng hoặc không có thẩm quyền gây thiệt hại cho các đơn vị karaoke.

Ông có thể nói cụ thể và chi tiết hơn những gì các cơ sở karaoke cần làm để tránh gặp phải những tình trạng ông vừa nêu, thưa ông?

- ThS. Võ Trung Tín: Khi có cá nhân, tổ chức đến thu phí quyền liên quan, các cơ sở trước hết cần xác định họ đến thu phí quyền gì. Như tôi đã đề cập, một bản ghi karaoke gồm 3 quyền.

Do đó, khi có đơn vị tiến hành thu phí quyền tác giả và quyền liên quan, các cơ sở kinh doanh karaoke cần phải xác định rõ các đơn vị này là đang tiến hành thu phí đối với quyền nào.

Việc thứ hai các cơ sở cần làm xác định thẩm quyền:

Đối với các quyền tác giả và quyền liên quan nói trên, đối tượng được phép tiến hành thu phí các loại quyền này chính là các chủ sở hữu quyền hoặc đơn vị được chủ sở hữu quyền ủy quyền.

Do đó khi có đơn vị đến thu phí, các cơ sở karaoke phải xác định các vấn đề sau:

     - Thông tin về đơn vị trực tiếp thu phí:

Nếu là cá nhân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân;

Nếu là tổ chức: Bản sao giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh (nếu là doanh nghiệp), hoặc quyết định thành lập (đối với tổ chức);

      - Thông tin về phạm vi quyền:

Thông thường các đơn vị tiến hành thu phí trực tiếp là các đơn vị được chủ sở hữu quyền ủy quyền lại. Do đó khi các đơn vị này là đại diện cho các chủ sở hữu thực hiện việc thu phí quyền tác giả, quyền liên quan, thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần kiểm tra các thông tin sau:

     - Giấy ủy quyền giữa chủ sở hữu quyền và đơn vị thu phí. Giấy ủy quyền phải được công chứng chứng thực theo quy định pháp luật

      -  Phạm vi ủy quyền của chủ sở hữu cho đơn vị thu phí: Bao gồm phạm vi ủy quyền có cho đơn vị đó được phép thu phí quyền này không, mức phí (hoặc cho phép đơn vị được ủy quyền được toàn quyền quyết định mức phí), thời hạn ủy quyền, danh mục và thông tin chi tiết của các bản ghi cùng bản ghi vật lý tương ứng.

Các cơ sở karaoke căn cứ trên nội dung giấy ủy quyền để xác định quyền hạn của các đơn vị thu phí nhằm có các phản ứng phù hợp.

Thứ ba là xác định bản ghi được thu phí:

Khác với tác phẩm âm nhạc, có thể dễ dàng nhận biết thông qua phần nhạc và lời bài hát, các bản ghi thường sẽ khó nhận biết hơn. Bởi lẽ, một tác phẩm âm nhạc có thể dùng để tạo ra nhiều bản ghi khác nhau. Do đó, cần phải đối chiếu bản ghi mà cơ sở karaoke đang sử dụng với bản ghi mà các chủ thể tiến hành thu phí để chắc chắn rằng bản ghi được thu là chính xác.

Kinh nghiệm cho thấy rằng, các tổ chức quản lý tập thể thường nhầm lẫn giữa các bản ghi âm nhạc được ủy quyền với các bản ghi karaoke được ủy quyền. Đôi khi họ chỉ sử dụng danh sách bản ghi âm nhạc để đi cấp phép cho karaoke. Đây là sai lầm rất nghiêm trọng về mặt pháp lý, bởi chủ sở hữu bản ghi âm chưa chắc là chủ sở hữu bản karaoke.

Thứ tư là tính hợp pháp của bản ghi

Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng của các bản ghi karaoke là bản ghi karaoke muốn được lưu hành phải có được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước. Do đó, bản ghi karaoke đó cần phải có quyết định phát hành (ghi rõ dưới hình thức karaoke) của Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc Sở Văn hóa Thể Thao địa phương. Đây là yêu cầu rất quan trọng, không những đảm bảo tuân thủ nghiêm túc quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật SHTT mà còn là quy định bắt buộc cho các cơ sở kinh doanh karaoke.

Nếu đủ 4 yếu tố trên, có thể đóng phí phải không, thưa ông?

- ThS. Võ Trung Tín: Bốn điều tôi vừa chia sẻ là các thông tin cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần chú ý kiểm tra khi có đơn vị đến thu phí quyền sở hữu trí tuệ đối với các bản ghi karaoke. Khi xác định đầy đủ các thông tin trên, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có thể yên tâm và phối hợp đóng phí để được sử dụng các bản ghi âm, ghi hình tại cơ sở kinh doanh của mình. Sau khi tiến hành đóng phí, các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có quyền yêu cầu các đơn vị thu phí ban hành các văn bản nhằm xác định việc đóng phí của mình.

Trong trường hợp sau khi lọc được tất cả các bản ghi theo các tiêu chí nói trên, chủ cơ sở hoàn toàn có thể loại bỏ những bản ghi không còn hợp thời, không đúng thị hiếu ra khỏi danh sách để đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

Trong trường hợp hợp nếu các đơn vị thu phí không cung cấp được các thông tin trên, các cơ sở karaoke hoàn toàn có quyền từ chối đóng phí cho đến khi các đơn vị này cung cấp đầy đủ các thông tin trên. 

Vậy mức phí 2.000 đồng theo ông là hợp lý?

Ths. Võ Trung Tín: Hợp lý hay không là ở đơn vị sử dụng họ có thấy xứng đáng hay không? Như tôi đã chia sẻ, người tiêu dùng không thể bỏ tkền ra mua hàng hóa, dịch vụ mà họ không biết nội dung và bản chất là gì. Họ càng không bỏ tiền ra mua sản phẩm dịch vụ mà tiềm năng tiêu thụ không có. Mức giá này đối với họ có thể là thấp, nếu như bản ghi đó được sử dụng hàng ngày, hàng giờ. Nhưng sẽ là cao nếu tần suất sử dụng thấp và là vô lý nếu không được sử dụng. Do đó, vấn đề nêu ra không phải là 2.000 đồng có hợp lý không, mà phải xem xét cách thu như vậy có hợp lý hay không. Nếu đơn vị thu có thể thu theo số lượng sử dụng thực tế trên các bản ghi karaoke thực tế, theo nhu cầu thực tế, tôi nghĩ, lúc đó mới có thể bàn về giá có hợp lý hay không! Không ai ra chợ mà nhắm mắt mua rau cả!

Thưa ông, trong trường hợp các cơ sở karaoke không đóng tiền bản quyền cho những bản ghi họ đang sử dụng thì họ có thể chịu hậu quả pháp lý gì?

- ThS. Võ Trung Tín: Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi không trả tiền liên quan có thể bị xử phạt theo Điều 29 của Nghị định này về hành vi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại. Theo đó, cơ sở có thể chịu mức phạt lên tới 25 triệu đồng, ngoài ra còn phải dỡ bỏ các bản ghi karaoke bị vi phạm.

Vậy khi ấy cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt họ? 

- ThS. Võ Trung Tín: Cũng theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP, chỉ có các cơ quan sau đây mới có thẩm quyền xử phạt hành chính liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan:

-            Chủ tịch UBND các cấp;

-            Cơ quan thanh tra;

-            Công an nhân dân;

-            Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan và Quản lý thị trường;

Cám ơn ông đã dành thời gian chia sẻ.

Nhóm PV

Bình luận

Nổi bật

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

Lần đầu tiên tại Đông Nam Á, Việt Nam có ‘siêu máy’ CT 1975 lát cắt tích hợp AI, giúp đánh giá nhanh đột quỵ chỉ trong 5 phút

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 16:31

Hệ thống CT 1975 lát cắt có tốc độ chụp 0,23 giây/độ phân giải thời gian 19,5 mili giây, phát hiện được các tổn thương nhỏ chỉ 0,23mm.

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

Cách chống đọng nước gương hậu ô tô: Bí quyết an toàn khi lái xe dưới trời mưa

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Giữ cho gương chiếu hậu ô tô không bị đọng nước trong quá trình lái xe dưới trời mưa là một phần rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông.

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Đưa ngành khoa học và công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:09

(CL&CS) - Hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong những năm qua đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới, KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ là một trong những trụ cột, động lực kiến tạo, đưa Đồng Nai phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.