Dữ liệu cũ
Thứ sáu, 25/09/2020, 17:16 PM

Cho dùng điện thoại trong lớp học: Nên hay không?

(CL&CS) - Không khó để nhận thấy hiện nay nhiều ý kiến chưa đồng tình với việc trên hơn là đồng thuận, cả trên báo chí lẫn mạng xã hội

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép học sinh (HS) từ ngày 1/11/2020 được dùng điện thoại phục vụ cho học tập nếu giáo viên cho phép vẫn đang gây tranh cãi gay gắt. Bên ủng hộ và phía phản đối đều có lý lẽ riêng của mình và xem ra những ý kiến trái chiều khó có khả năng chấm dứt trước thời hạn trên!

Theo khoản 4 Điều 37 Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (ban hành theo Thông tư 32/2020, có hiệu lực từ ngày 1/11/2020), HS không được “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”.

Nếu so sánh với các quy định cũ thì Bộ GD&ĐT đã nới lỏng trong việc cấm HS sử dụng điện thoại trong giờ học. Từ 1/11, không còn cấm hoàn toàn như trước mà chỉ cấm dùng vào việc riêng, ngoài chuyện học hành, không được GV đồng ý. Như vậy sẽ không có chuyện HS được mang điện thoại vào lớp học rồi thoải mái sử dụng như nhiều phụ huynh lo ngại. Tuy nhiên đấy là trên lý thuyết, còn thực tế thì dù cấm việc HS mang điện thoại lén sử dụng trong lớp vẫn xảy ra khá phổ biến.

Không khó để nhận thấy hiện nay ý kiến chưa đồng tình với việc trên cao hơn là đồng thuận cả ở trên báo chí lẫn mạng xã hội. Một trong những điều mà phụ huynh lo ngại nhất là sĩ số lớp 40-50 em, GV không thể quản nổi và các em sẽ lợi dụng chơi game, lướt nét, lên face hay chát chít... lơ là học hành.

Ông Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Thông tư cần quy định cụ thể hơn như giờ học nào, loại kiến thức nào được dùng điện thoại di động, liều lượng sử dụng điện thoại...

Theo ông Thắng thì “Đây là thay đổi cần thiết và phù hợp với cách học tập hiện nay, khi ngành giáo dục có xu hướng tận dụng những lợi ích của công nghệ. Đặc biệt là khi dịch COVID-19 xảy ra, ngành giáo dục phải chuyển đổi từ mô hình dạy và học trực tiếp sang trực tuyến. Thông tư không hướng dẫn cụ thể mà hàm ý giao nhiệm vụ quản lý cho giáo viên. Giờ lại giao cho họ thêm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh dùng điện thoại di động để học tập thì hơi khó, vì họ sẽ khó có thể kiểm soát được học sinh có sử dụng điện thoại cho mục đích học tập hay không?”

Một GV ở Q.9, TP HCM đã có kinh nghiệm giảng dạy 20 năm nói với chúng tôi: “Hiện nay nhà trường không cho học sinh dùng điện thoại trên lớp, nhưng các em vẫn lén lướt mạng, chat chit dù thầy cô đang giảng bài. Tôi từng bị phụ huynh trách cứ: 'Sao cô biết con tôi dùng điện thoại mà không nhắc giúp, giờ cháu bị nghiện rồi'."

Còn một thầy giáo khác ở Nha Trang (Khánh Hòa) e ngại rằng “Thực tế, giáo viên cảm thấy rất áp lực trong việc quản lý học sinh bởi thực trạng ở trên giáo viên giảng bài, ở dưới học sinh lén lút dùng điện thoại diễn ra nhan nhản. Tôi tin chắc điện thoại đang làm thầy trò trở nên xa nhau, khoảng cách rộng hơn trước kia rất nhiều.

Trong một cuộc tọa đàm xung quanh chủ đề này diễn ra sáng nay 25/9/2020, Thầy Lê Quang Huy - Phó hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương TP HCM cho rằng: "Chúng ta cần làm rõ vấn đề: Thời gian các em học sinh dùng điện thoại để tra cứu tài liệu phục vụ học tập có phải chiếm đa số không hay chỉ chiếm một khoảng thời gian rất ngắn, còn phần lớn thời gian là các em sử dụng điện thoại vào các mục đích khác. Quan điểm của chúng tôi là đồng tình cho học sinh dùng điện thoại trong học tập nhưng các em phải chiến thắng chính mình, làm chủ được bản thân, không bị lôi cuốn vào game, vào Facebook...". 

Nhìn góc cạnh khác, ông Lê Thắng Lợi - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD&ĐT) nói rằng, Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT (trong đó có quy định về việc cho học sinh sử dụng điện thoại - PV) tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào là tùy vào các trường. 

Trong khi đó, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, nói: "Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phân biệt rõ: Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học khác với việc học sinh được sử dụng điện thoại trong trường. Nó cũng khác với việc học sinh được sử dụng điện thoại ở bất cứ nơi đâu". 

Những ý kiến hay phản đối, đồng tình trên đang căn cứ vào thực tế đã qua. Còn sử dụng thế nào khi thông tư có hiệu lực mới có thể nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn. Tuy nhiên, lo ngại HS lạm dụng, lười đọc sách và có thể nghiện điện thoại, ỷ hết vào tài liệu trên mạng hoàn toàn có cơ sở và ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn nữa rất đáng để lãnh đạo Bộ này quan tâm.

Phan Hùng

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.