Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 02/03/2014, 11:30 AM

Chiêu thu mua nông sản lạ của thương lái Trung Quốc

Nửa tháng nay, thương lái Trung Quốc tiến hành thu mua lá khoai lang non tại Vĩnh Long với giá ngất ngưỡng. Đây không phải lần đầu tình trạng này diễn ra.

Cách đây 10 năm, thương lái Trung Quốc bắt đầu sang Việt Nam thu mua móng trâu, móng bò… Vài năm trở lại đây họ gom đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, gần đây nhất là lá khoai mì, lá khoai lang. Trong số này, có mặt hàng xác định được nhu cầu tiêu thụ, nhưng không rõ ràng về thị trường như đọt khoai mì, lá khoai lang (thực phẩm rau xanh), đọt sắn muối (đặc sản),  rễ sim, cây chua ke (làm thuốc)…

Loại thứ hai là nông sản “dị biệt”, mục đích thương mại không rõ ràng, không thể xác định được giá trị sử dụng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thì mơ hồ khó xác định. Như lá điều khô, rễ tiêu hay đỉa, móng trâu, móng bò… Những nông sản này thuộc loại cá biệt, bất thường. Chiêu bài quen thuộc của những thương lái Trung Quốc vẫn là mua giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm nông dân ôm hận.

GS Võ Tòng Xuân đánh giá hành động thu mua nông sản dị biệt của thương lái Trung Quốc là những chiêu bài làm giá thu lợi, chẳng hạn như với lá điều khô.

Ở giai đoạn một, các thương lái Trung Quốc sẽ đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn lá điều khô với giá 500 đồng/kg và chỉ vài ngày (giai đoạn 2) giá thu mua được đẩy lên 1.000 đồng/kg. Sau vài tuần (giai đoạn 3) tiếp tục đẩy lên gần 2.000 đồng/kg. Lá điều khô lâu nay người nông dân để vậy để giữ ẩm và tăng độ mùn cho đất, nếu không thì chỉ là rác…

Khi thấy được thu gom giá cao, nông dân sẽ gom hết lá điều khô trong vườn, thậm chí có người hái lá điều xanh đem phơi khô rồi bán hay phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt bất chấp sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của cây điều trong năm sau.

Thương lái nước ngoài sẽ thu mua lá điều vào giai đoạn 1, 2 và tiếp tục thổi giá nhưng không mua vào ở giai đoạn 3. Khi đó người dân lẫn thương lái Việt Nam sẽ đổ xô đi thu mua về chất đống để chờ bán lại. Đây cũng chính là thời điểm thương lái Trung Quốc mang chính lá điều khô đã mua với giá thấp ở giai đoạn 1, 2 để bán ra với giá ngất ngưởng, ăn chênh lệch rồi biến mất.

Ông Xuân phân tích, hậu quả là nền nông nghiệp và cả nền kinh tế bị thiệt hại nặng. Thu gom lá điều khô khiến vụ điều giảm năng suất, móng trâu khiến nông dân mất “đầu cơ nghiệp”, mất sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì củ còn bao nhiêu hay chỉ còn rễ? Thị trường bị lũng đoạn, quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi bị phá vỡ, xuất khẩu bị ảnh hưởng.

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản cảnh báo người dân về tình trạng thu mua lá khoai lang. Theo ông Xuân, đây là động thái tích cực của chính quyền địa phương nhưng chưa đủ. Cần phải kiểm tra chặt chẽ về giấy tờ, giám sát thương lái nước ngoài có các hành động bất thường. Truy tận nơi nguồn mua hàng, nếu có sai phạm phải xử phạt nặng.

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại – Bộ Công Thương cho rằng thương lái Trung Quốc đã cố tình tạo nguồn cung cầu ảo. Theo thông tin từ các cơ quan hải quan cửa khẩu, số lượng thực tế các loại nông sản “dị biệt” mà họ thu mua không hề được xuất qua biên giới. Chỉ có rất ít các mặt hàng như rễ sim, cây ngâu… được xuất sang nhưng nếu so với số lượng thu mua thì chênh lệch lớn.

Trường hợp lá khoai lang sẽ giống với đọt và lá khoai mì năm 2013. Sau khi thương lái nước ngoài thu mua với giá cao, nông dân đổ xô mở rộng diện tích trồng khoai mì, dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ.

Khi nông sản vào chính vụ, nông dân dồn hàng đưa lên biên giới để xuất sang Trung Quốc. Tại đây các thương lái sẽ bày ra trò kiểm dịch nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả. Khi đã thống lĩnh thị trường, thương lái Trung Quốc có thể xây nhà máy, cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam để thu mua nguyên liệu giá rẻ và xuất về.

Ông Bích cho hay, một tháng qua, từng có thương lái Trung Quốc do người Việt làm phiên dịch đến HTX Thành Lợi hỏi mua đậu bắp với giá cao hơn thị trường từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg mà không cần hợp đồng và cũng không đặt cọc nhưng đã bị từ chối.

Chuyên gia này khuyến cáo nông dân làm ăn với doanh nghiệp trong hay ngoài nước kể cả thương lái cần thay đổi thói quen, bán hàng phải có hợp đồng, tránh trường hợp chịu thiệt không biết kêu ai.

Theo PLTPHCM

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.