Dữ liệu cũ
Thứ ba, 21/08/2018, 16:10 PM

Chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung: “Mèo” nào cắn “mỉu” nào?

(NTD) - “Trung Quốc nên giảm thiểu thiệt hại trong cuộc chiến thương mại bằng cách chấp nhận thua cuộc trước Tổng thống Donald Trump” - nhà nghiên cứu độc lập Xu Yimiao viết trên tờ South China Morning Post. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại từ giáo sư David A. Andelman, cho rằng ông Trump đã đánh giá thấp sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Vậy trong cuộc chiến tranh cân não này, ai sẽ thắng?

Ông Xu cho rằng chiến lược của Bắc Kinh không hiệu quả và sắp đến giới hạn trả đũa thuế quan.

Trung Quốc nên nhận thua cuộc?

Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang tìm cách liên kết với Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác như Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ (nước vừa dọa sẽ làm ăn với Nga, Trung Quốc, Iran, Ukraine sau khi ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế nhôm 20% và thép 50% lên hàng nhập của Thổ Nhĩ Kỳ)… để trả đũa lại đe dọa thuế quan của Hoa Kỳ, nhưng chiến lược này có vẻ chưa hiệu quả. Ông Xu lập luận rằng EU và Mỹ vừa đạt một thỏa thuận thương mại ngày 26/7 và Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk còn viết trên Twitter rằng “Nước Mỹ và EU là bằng hữu thân thiết”.

Trong khi Phó Chủ tịch Ủy ban EU Frans Timmermans viết trên Twitter rằng: “Người châu Âu và châu Mỹ gắn kết bởi lịch sử và những giá trị chung”. Thêm vào đó, EU và Nhật Bản cũng vừa ký kết bản thỏa thuận thương mại lớn nhất từ trước đến nay vào hôm 16/7. Để khẳng định mức độ gắn bó, Washington và Tokyo cũng dự định sẽ gặp gỡ vào tuần này.

Các quan chức Mexico cũng đang bày tỏ sự lạc quan vào Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement - NAFTA). Theo ông Xu, có vẻ Trung Quốc là cường quốc duy nhất đang không có bất cứ tiến triển nào về thương mại khi chiến tranh mậu dịch Mỹ - Trung bùng nổ.

Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng cho một cuộc đối đầu kinh tế với Hoa Kỳ vì vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Hoa Kỳ hơn là ngược lại. Chiến tranh mậu dịch này chỉ khiến Trung Quốc tự tổn thương bản thân nếu quyết tâm tỏ ra cứng rắn.

Ông Xu lập luận rằng thay vào đó, Bắc Kinh nên tập trung vào việc phát triển và cải cách nền kinh tế nội địa, khuyên nên tìm cách thỏa thuận trực tiếp với Tổng thống Trump.

ChinaUSA7a
Giá máy giặt ở Mỹ đã tăng 16,4% từ tháng 6/2018 khi Mỹ bắt đầu áp mức thuế 25% lên 36 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. (Ảnh: AP).

Đồng yuan yếu: “Con dao hai lưỡi”

Sau các biện pháp trả đũa qua lại, trong khi đồng USD mạnh lên, sự sụt giảm của đồng nhân dân tệ (yuan) đã hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc khi họ phải đối mặt chiến tranh mậu dịch với Mỹ, nhưng nó cũng mang đến những rủi ro tài chính cho Trung Quốc và khiến chính phủ Bắc Kinh phải thực hiện các biện pháp nâng giá đồng yuan.

Rõ ràng đồng yuan yếu sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, qua đó phần nào giảm thiểu ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan của Tổng thống Trump áp lên lượng hàng hóa nhập khẩu nhiều tỷ USD từ Trung Quốc. Đồng yuan đã giảm 7% kể từ tháng 6 tới nay. Hồi đầu tuần, đồng yuan rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017: 6,85 yuan ăn 1 USD, và tính đến thời điểm 14/8, vẫn đang ở quanh mức này.

Nhà phân tích Julian Evans - Pritchard tại công ty tư vấn đầu tư Capital Economics, cho biết sự suy giảm của đồng yuan sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc khi tính theo đồng USD, thậm chí rẻ hơn mức trung bình trước khi các căng thẳng mậu dịch leo thang.

Nhà cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Olivier Blanchard đã đăng trên Twitter cá nhân rằng sự yếu đi của đồng yuan có thể đủ để bù đắp cho 500 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ dự kiến sẽ áp mức thuế 25%. Nhưng khi một đồng yuan yếu hơn có lợi cho những nhà xuất khẩu và các nhà nhập khẩu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những hóa đơn đắt đỏ hơn khi mua những sản phẩm kinh doanh được định giá bằng đồng USD.

Điều này cũng tạo thêm gánh nặng cho các công ty Trung Quốc phải thanh toán nợ bằng đồng USD. Trong chiến tranh mậu dịch với Mỹ, ngày 13/8, Trung Quốc bơm 1.450 tỷ yuan vào nền kinh tế để hỗ trợ đồng yuan đang mất giá.

ChinaUSA7b
Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk còn viết trên Twitter rằng: “Nước Mỹ và EU là bằng hữu thân thiết”. (Ảnh: Twitter).

Ai sẽ chiếm thế thượng phong?

Vào ngày 23/8, Mỹ sẽ áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, cộng gộp ba lần, thành 50 tỷ USD. Theo các phân tích gia, thị trường có thể dao động nếu ông Trump đi xa hơn nữa trong quyết định áp thuế 25% lên 500 tỷ USD hàng Trung Quốc.

Tới nay, ông Trump bắt đầu quá trình áp thuế với gần như mọi hàng hóa Trung Quốc, có lẽ vì cho rằng một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ dao động và đưa ra những nhượng bộ mà Mỹ cần. Theo CNN, Trung Quốc có thể không nhượng bộ, đặc biệt là khi bầu cử giữa kỳ ở Mỹ đang sắp diễn ra vào tháng 11. Nếu phe Cộng hòa mất kiểm soát một hoặc hai viện Quốc hội, sức mạnh của Tổng thống Trump sẽ giảm dần, còn Trung Quốc sẽ mạnh hơn.

Còn hiện tại, thị trường chứng khoán Trung Quốc đang chịu thiệt hại nhiều hơn là thị trường chứng khoán Mỹ. Điều đó khiến Tổng thống Trump cho rằng Mỹ có thể chịu đựng chiến tranh mậu dịch lâu hơn Trung Quốc và các đòn đánh thuế liên tiếp có thể buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán.

Thuế mà Mỹ áp đặt với hàng Trung Quốc, phần lớn sẽ do công ty và người tiêu dùng Mỹ chi trả.

Khoảng 60% sản phẩm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ do các nhà máy không phải của người Trung Quốc sản xuất, ví dụ như thiết bị định tuyến máy tính, đèn LED, động cơ thuyền… Điều đó có nghĩa là thuế mà Mỹ áp cho hàng Trung Quốc để nhằm vào Trung Quốc lại ảnh hưởng tới nhiều công ty Mỹ có nhà máy ở Trung Quốc - tất cả không thể ngay lập tức phản ứng với mức thuế mới bằng cách nhanh chóng chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc, tất yếu họ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu hoặc buộc người tiêu dùng Mỹ phải trả khi bán hàng với giá cao hơn.

Trong thực tế, điều này đang xảy ra. Mức thuế 20% với máy giặt áp từ tháng 6 đã khiến giá tiêu dùng tăng 16,4%. Vì thế, phần lớn nguồn thu thuế sẽ chảy từ túi người tiêu dùng Mỹ ra, chứ không phải từ công ty Trung Quốc! Trong bối cảnh đó, từ 14/8, mặt hàng thịt của Mỹ mất dần chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc.

Thuế quan sẽ làm tăng giá cả. Giá tăng làm giảm mức cầu, dẫn tới nhà sản xuất bán ít hàng hơn. Trong chiến tranh mậu dịch, mọi người đều thiệt hại. Khi vòng áp thuế tiếp theo bắt đầu, người Mỹ sẽ phải trả tiền nhiều hơn khi mua máy tính, quần áo và hàng ngàn sản phẩm khác…

Vậy, “mèo” Trung Quốc hay “mỉu” Mỹ sẽ nâng cao vị thế trên thế giới với tư cách là nước tạo dựng và xây đắp tương lai? Lời giải sẽ có trong thời gian tới.

Kim Thoa

_NTD_So 160_In_Page_27
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.