Thứ tư, 31/01/2024, 11:46 AM

Chiêm ngưỡng cầu dây văng hơn 850 tỷ đồng vượt sông Lô, có kiến trúc 5 ngọn tháp phát sáng trong đêm độc đáo nhất tại tỉnh được ví như 'bảo tàng cách mạng' của cả nước

Cây cầu có kiến trúc độc đáo và được xem là một trong những điểm nhấn về cảnh quan tại địa phương.

Tháng 10/2022, tỉnh Tuyên Quang tổ chức khánh thành cầu Tình Húc vượt sông Lô - công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Cầu Tình Húc bắc ngang sông Lô

Cầu Tình Húc bắc ngang sông Lô

Theo trang Thông tin đối ngoại tỉnh Tuyên Quang, cầu Tình Húc nổi tiếng trước hết bởi chính tên gọi. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, từ xa xưa Tuyên Quang đã có một làng Tình Húc quần tụ bên bờ sông Lô. Nơi đây, cứ vào buổi bình minh, người dân được đón nhận những tia nắng đầu tiên rọi xuống từ dãy núi Tràng Đà khiến cây cối quanh năm tốt tươi, con người cảm thấy thư thái, sảng khoái, khỏe mạnh.

Vì thế, các bậc cao niên trong làng đã thống nhất đặt tên làng là Tình Húc, có nghĩa là ánh sáng mặt trời trong trẻo chiếu xuống vùng đất này; là tình người, tình yêu lúc ban mai. Từ tên gọi ấn tượng đến lối kiến trúc hiện đại, cầu Tình Húc đã gợi không ít sự tò mò đối với người dân trong và ngoài tỉnh.

Cầu Tình Húc được thi công đầu tháng 12/2017, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, với quy mô cầu cấp 1, xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tổng mức đầu tư 852 tỷ đồng.

Cầu Tình Húc có chiều dài 908m, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết cấu nhịp chính dạng dầm cáp hỗn hợp Extradosed, hệ cáp dây văng liên kết dầm chủ với 5 trụ tháp hình ngọn đuốc cao 29,5m. Toàn cầu bố trí hệ thống chiếu sáng giao thông và chiếu sáng mỹ thuật bằng đèn LED đổi màu theo lập trình.

Cầu Tình Húc có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông, du lịch

Cầu Tình Húc có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông, du lịch

Mặt cầu tại các nhịp dẫn rộng 16,5m, tại các nhịp chính rộng 19,5m; riêng mặt cầu từ trụ T7-T8 mở rộng từ 19,5-30m để bố trí 2 nhánh cầu đi lên và đi xuống soi Tình Húc.

Dự án trọng điểm này kết nối giao thông giữa quốc lộ 2 với quốc lộ 37, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường cơ sở hạ tầng, tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc cho TP. Tuyên Quang; thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch của tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ban ngày, cầu Tình Húc hiện rõ vẻ uy nghi và bề thế với 5 trụ tháp, cáp dây văng. Đứng trên cầu có thể bao quát toàn cảnh đôi bờ sông Lô với sự nhộn nhịp của làng chài ven sông. Xa xa là hình ảnh người đánh cá bên chiếc thuyền độc mộc tạo nên khung cảnh đầy chất thơ. Đặc biệt, từ đây có thể nhìn thấy toàn bộ soi Tình Húc trù phú nổi tiếng có nhiều hoa thơm, quả ngọt đã trở thành nguồn thu nhập chính của bao người dân nơi đây.

Cầu Tình Húc về ban đêm. Ảnh: @sonoanhthao

Cầu Tình Húc về ban đêm. Ảnh: @sonoanhthao

Khi màn đêm buông xuống, cầu Tình Húc mới phô diễn đầy đủ vẻ lộng lẫy và hoành tráng bởi hệ thống điện chiếu sáng hiện đại. 5 trụ tháp như 5 ngọn đuốc không chỉ có giá trị thẩm mỹ mà còn thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây. Chính vẻ đẹp đầy quyến rũ và thơ mộng nên cầu Tình Húc không chỉ thu hút đông đảo người dân đến tham quan và còn trở thành đề tài sáng tác của không ít nhiếp ảnh gia. Những bức ảnh về cầu Tình Húc đã và đang trở thành quà tặng đến với nhiều vùng đất của Tổ quốc và là niềm tự hào của người dân xứ Tuyên.

Ngoài chiêm ngưỡng cây cầu vượt sông Lô dài nhất Tuyên Quang, khi đến địa phương này, du khách còn có thể tới tham quan một số địa danh lịch sử hay khu du lịch. Trong cách mạng tháng Tám, Tuyên Quang là Thủ đô khu giải phóng, được chọn làm trung tâm cách mạng của cả nước. Ngày nay, tỉnh này được coi là điểm đến du lịch phong phú, khi kết hợp tìm hiểu lịch sử và trải nghiệm thiên nhiên.

Thời gian đẹp nhất để đến Tuyên Quang thường từ tháng 9 cho tới khoảng sau Tết Nguyên đán vì thời tiết khô ráo, cảnh thiên nhiên đẹp với nhiều loài hoa nở rộ.

"Bảo tàng cách mạng" của cả nước

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào với vẻ đẹp bình yên, gần gũi thiên nhiên

Khu Di tích lịch sử Quốc gia Tân Trào với vẻ đẹp bình yên, gần gũi thiên nhiên

Tuyên Quang có 546 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử, được ví như "bảo tàng cách mạng" của cả nước.

Tân Trào là xã ở đông bắc huyện Sơn Dương, gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở xã có những di tích ghi lại các sự kiện lịch sử như lán Nà Lừa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái cùng với những nơi ghi dấu ấn cuộc kháng chiến suốt 9 năm.

Di tích thành nhà Mạc

Cổng thành phía Tây môn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Cổng thành phía Tây môn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Thành nhà Mạc nằm ở phường Tân Quang, TP. Tuyên Quang. Thành được xây dựng từ năm 1592, thời nhà Mạc và được sửa chữa vào thời đầu nhà Nguyễn (thế kỷ XIX). Thành có vị trí quân sự quan trọng, án ngữ bên bờ sông Lô và nằm trên trục giao thông thuỷ bộ, từng gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Thành nhà Mạc là di tích kiến trúc nghệ thuật, cũng là nơi đã diễn ra nhiều trận đánh của các cuộc khởi nghĩa nông dân, các trận đánh Pháp, Nhật, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân Tuyên Quang khi về thăm sau 6 năm xa cách.

Di tích hiện không còn nguyên vẹn nhưng vẫn giữ được những phần cơ bản, là biểu tượng của lịch sử Tuyên Quang. Gần đây, thành đã được phục dựng, tu bổ một số hạng mục như hai cổng thành và 140m tường còn lại.

Khu du lịch sinh thái Na Hang

Nơi đây được ví như "thần tiên nơi hạ giới", nằm cách TP. Tuyên Quang hơn 100km. Là hợp lưu của sông Lô và sông Gâm, xung quanh núi đá vôi, rừng nguyên sinh, Na Hang còn được mệnh danh là "Hạ Long giữa đại ngàn". Toàn khu có tổng diện tích 15.000ha, trong đó có hơn 8.000ha mặt nước hồ. Đường đi cũng rất đẹp, uốn lượn quanh núi đồi. Du khách sẽ có khoảng không gian rộng để khám phá và thư giãn, đặc biệt là du ngoạn trên lòng hồ.

Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Tuyên Quang

Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, cảnh sắc Na Hang luôn ngập trong sương mù, đặc biệt mùa đông từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Đây cũng là thời điểm đẹp để tới Na Hang.

Du khách được thăm thú nhiều địa điểm như: đền Pác Tạ, du thuyền ngoạn cảnh thác Mơ, thác Khuổi Nhi, khám phá hang động, rừng nguyên sinh gỗ quý, ngắm voọc nô đùa... Một trải nghiệm thú vị khác là trekking trong rừng già nguyên sinh thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình.

Suối khoáng Mỹ Lâm

Suối khoáng Mỹ Lâm nằm cách TP. Tuyên Quang 12km về phía tây nam, là khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm được các nhà địa chất học người Pháp phát hiện từ năm 1923, trong và nóng, luôn ổn định ở mức 67 độ C, lấy trực tiếp từ mạch nước ngầm sâu hơn 150m. Khu du lịch có đủ hệ thống khách sạn, nhà hàng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách khi tới trải nghiệm.

Đền Pác Tạ

Đền Pác Tạ là điểm đến tâm linh nằm dưới chân núi Pác Tạ, mang dấu tích của một ngôi đền cổ, nhiều cảnh đẹp xung quanh. Đền thờ phụng và tưởng nhớ vị hôn thê của tướng quân Trần Nhật Duật - vị tướng giỏi tài ba trấn thủ vùng đất Tuyên Quang lúc bấy giờ, là di tích lịch sử lưu lại dấu ấn nước ta chống quân Nguyên - Mông lần thứ 2 (1285). Với những giá trị về mặt văn hóa và lịch sử, đền Pác Tạ là điểm đến thu hút hấp dẫn du khách gần xa. Lưu ý đây là điểm đến chỉ có tính chất tham quan, không có dịch vụ và các trò vui chơi.

Động Song Long

Động Song Long, Tuyên Quang

Động Song Long, Tuyên Quang

Động Song Long thuộc địa phận tại xã Lâm Hà (huyện Lâm Bình), là địa điểm tham quan thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Động được bao bọc bởi 99 ngọn núi, mất khoảng hơn 2h di chuyển từ bến thủy Na Hang. Động có độ cao khoảng 200m so với mặt hồ, dài hơn 200m, độ cao trung bình bên trong là 40m, nơi rộng nhất trên 50m. Khám phá động Song Long, du khách sẽ có ấn tượng đầu tiên là "cọc đá chọc trời" ngay trước cửa hang mà người dân vẫn gọi là cọc Vài Phạ.

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Kỳ lạ khu đất nằm 'cửa ngõ' Thủ đô Hà Nội nhưng người dân phải 'xuống tiền' để mua điện và nước

Kỳ lạ khu đất nằm 'cửa ngõ' Thủ đô Hà Nội nhưng người dân phải 'xuống tiền' để mua điện và nước

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 23:06

Đây là tình trạng xảy ra trong vòng 4 năm qua, người dân vẫn đang khổ sở phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua điện và nước.

Aeon Mall Biên Hòa gặp khó, chính quyền phản ứng ra sao?

Aeon Mall Biên Hòa gặp khó, chính quyền phản ứng ra sao?

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 21:42

Theo quy hoạch, dự án Aeon Mall Biên Hòa được phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư.

Luật Đất đai 2024 được áp dụng, có bắt buộc phải đổi sổ đỏ, sổ hồng?

Luật Đất đai 2024 được áp dụng, có bắt buộc phải đổi sổ đỏ, sổ hồng?

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 21:42

Sau khi Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, không ít người dân thắc mắc liệu có bắt buộc phải đổi sổ đỏ, sổ hồng hay không, đặc biệt khi Bộ TN&MT đề xuất mẫu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới.