Dữ liệu cũ
Thứ hai, 28/10/2019, 14:46 PM

Châu Á đương đầu với dịch tả heo châu Phi

(NTD) - Dịch tả heo châu Phi bùng phát và càn quét khiến ngành chăn nuôi heo của Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước khác lao đao. Liên Hợp Quốc khẳng định việc chăn nuôi ở quy mô trang trại lớn sẽ bảo đảm an toàn sinh học, nhưng vẫn khuyến cáo chính phủ các nước quan tâm hỗ trợ sinh kế cho các hộ nuôi heo nhỏ lẻ.

Câu chuyện heo ngủ mùng

Trước khi dịch tả heo châu Phi (ASF) bùng phát, Kim Long có đàn heo lớn nhất trong làng. Giờ đây, giống như hàng ngàn hộ chăn nuôi nhỏ khắp châu Á, sinh kế của gia đình đang vỡ vụn.

Tháng 6 vừa qua, nhà chức trách Campuchia đã tiêu hủy 80 con heo 48 tuần tuổi sau khi có xét nghiệm dương tính với tả. Kim Long nói rằng bà cũng như các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác đã cố hết sức để cứu đàn heo nhà mình khi biết rằng cơn đại dịch đã xâm nhập Campuchia. Các nhà khoa học nói phải mất nhiều năm nữa mới hy vọng có một loại vắc xin hay cách chữa trị hữu hiệu. Những chủ hộ chăn nuôi như bà đang lâm thế khó.

“Chúng tôi đã sử dụng màn chống muỗi để vây quanh khu vực chăn nuôi” - Kim Long nói với Nikkei Asian Review. Nhà của bà cách Phnom Penh 30km về phía nam và nhà chức trách đang cố gắng ngăn chặn dịch tả lan rộng ra.

Hàng triệu con heo đã bị tiêu hủy do dịch tả lan tràn, đàn nhỏ vài chục con như của bà Kim Long thật nhỏ bé. Nhưng đối với gia đình của một người từng làm công nhân may mặc thì đó là tài sản lớn mà tất cả thành viên trong gia đình cùng cố gắng gây dựng trong hơn 10 năm qua.

“Chúng tôi đã bắt đầu với 10 con heo giống, không có trang trại, chúng tôi chỉ có một căn nhà nhỏ. Đôi lúc mấy đứa con của tôi ngủ chung với heo con. Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ và cố gắng suốt nhiều năm qua để có được thành quả như hôm nay, nhưng giờ thì chúng tôi đã mất tất cả” - người phụ nữ có gương mặt khắc khổ nói.

Những câu chuyện tương tự như của bà Kim Long xảy ra trong toàn khu vực. Dịch tả vẫn đang hoành hành và chính quyền nhiều nước đang tích cực ngăn chặn.

a3
Ông Han Yi, chủ một trại nuôi heo tỉnh Liêu Ninh, gạt nước mắt khi đàn heo chỉ còn vài con sống sót. (Ảnh: Reuters).

Đại dịch hoành hành

Một năm sau khi được phát hiện trường hợp đầu tiên ở Trung Quốc, vi rút tả heo châu Phi vẫn đang lây lan mạnh. Những báo cáo cho thấy vào tháng 9, một số ổ bệnh đã được phát hiện ở Hàn Quốc, Philippines và Timor Leste. Dịch tả đã có mặt ở ít nhất 10 quốc gia châu Á. Thống kê tháng 8/2019 của Liên Hợp Quốc nói dịch tả đã quét sạch ít nhất 5 triệu con heo châu Á. Mặc dù không gây hại cho con người, nhưng tả heo gần như quét sạch 100% đàn heo nhà.

Với số liệu mới nhất do Trung Quốc cung cấp, mức độ thiệt hại của dịch tả heo lớn hơn tưởng tượng nhiều. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đàn heo 400 triệu con trước khi bùng phát dịch hiện đã giảm 38%. Tại Việt Nam, hãng tin Reuters trích số liệu của chính phủ cho thấy: Dịch tả bùng phát ở 63 tỉnh, thành và khoảng 4,7 triệu con heo đã bị tiêu hủy trong cố gắng ngăn chặn sự lây lan của dịch. Ở Lào và Myanmar, các nhà chức trách của hai quốc gia này cũng đang tìm mọi cách để ngăn chặn virus tả.

Đầu tháng 10/2019, chính phủ Myanmar đã chuẩn bị sẵn các kế hoạch ứng phó với dịch tả. Thậm chí một lực lượng tiên phong đã đến khu vực sát biên giới Trung Quốc, thiết lập các phòng thí nghiệm để có thể phát hiện và ngăn chặn virus tả nhanh nhất có thể.

Tại các buổi hội đàm với chính phủ Myanmar, chuyên gia độc lập Allen Bryce cho biết 95% đàn heo Myanmar được nuôi trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vì thế, việc kiểm soát sẽ “khó khăn hơn nhiều”.

Tháng 8 vừa rồi, Asean cùng với Trung Quốc và Mông Cổ - vốn mất 10% đàn heo của mình, đã họp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan để thảo luận phương cách hữu hiệu ngăn chặn tả. Sau cuộc họp này, Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) đã bắt đầu đề ra chiến lược kiểm soát sự lây lan của dịch tả heo ở châu Á.

Filip Claes, điều phối viên phòng thí nghiệm khu vực cho Trung tâm cấp cứu các bệnh động vật xuyên biên giới của FAO, cho biết bản chất của vi rút tả heo châu Phi là ổn định trong môi trường và không gây ra cái chết hàng loạt ngay lập tức. Vì thế, căn bệnh “luôn hiện hữu”.

“Chúng ta đang xem làm thế nào để có thể cải thiện an toàn sinh học ở mức độ trang trại và theo chuỗi trang trại lớn theo chuỗi từ nguyên liệu, thực phẩm, trang trại cho đến các lò giết mổ. Chúng ta có thể tạo ra những thay đổi hiệu quả, an toàn và sạch trong lĩnh vực chăn nuôi heo khi chúng ta biết rõ các trang trại bảo đảm hai chuyện: an toàn thực phẩm và an ninh thực phẩm” - ông Claes nhận định.

a
Bà Bun Kim Long trong trang trại trống rỗng sau khi đàn heo 80 con bị tiêu hủy hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Shaun Turton).

Hỗ trợ trang trại nhỏ

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của FAO là Damian Tago Pacheco nhận định rằng việc thương mại hóa - nuôi ở quy mô trang trại lớn - giúp tăng cường an toàn sinh học và khống chế vi rút. Tuy nhiên, chính phủ các nước cần hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhỏ và không chỉ ngành nông nghiệp mà các ngành khác cũng cần sẵn sàng trợ giúp người nuôi.

Nếu như ở Trung Quốc - nơi có khoảng 26 triệu người chăn nuôi heo với một nửa tổng sản lượng thịt được cung cấp bởi các trang trại nhỏ - trợ cấp cho hộ chăn nuôi nhỏ khoảng 1.200 nhân dân tệ, khoảng 4 triệu đồng, cho mỗi con heo bị tiêu hủy theo lệnh chính phủ. Philippines có chính sách tương tự với số tiền hỗ trợ là 5.000 peso, gần 2,3 triệu đồng, mỗi con heo bị tiêu hủy.

Thế nhưng ở Campuchia, nơi ước có khoảng 1,9 triệu con heo nuôi ở trại quy mô nhỏ và hơn 800.000 con ở trang trại lớn, chính phủ hoàn toàn không có chế độ bồi thường.

Trong khi đó ở Thái Lan, các công ty chăn nuôi của Thái vốn thu mua heo từ các hộ gia đình đã chủ động bằng cách tổ chức các hội thảo về đối phó với dịch tả cũng như cung cấp thuốc khử trùng giúp người dân bảo vệ đàn heo của mình.

Trong một phát biểu gần đây, ông Ly Laville, Tổng Giám đốc của M's Pig ACMC ở Campuchia cũng là người đứng đầu Hiệp hội Chăn nuôi heo Campuchia, khẳng định rằng những hỗ trợ như vậy từ các công ty chăn nuôi là rất quan trọng.

a1
Heo nhà và heo rừng bị nhiễm bệnh như thế nào?
a4
Nếu sản xuất thành công vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi, ngành chăn nuôi của Trung Quốc sẽ được phục hồi. Ảnh: I.T.

Bom nổ chậm

Ly Laville gọi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như là các trang trại sân sau của các công ty chăn nuôi. “Trang trại sân sau giống như một quả bom nổ chậm. Nếu không có bảo đảm về an toàn sinh học, khi dịch bệnh nổ ra thì dịch tả sẽ lây lan sang các trang trại thương mại và hậu quả sẽ lớn hơn nhiều” - Laville phát biểu.

Tuy đánh giá cao các nỗ lực của các công ty chăn nuôi, nhưng Laville cho biết hầu hết vẫn chưa có biện pháp đối phó triệt để đối với dịch tả và mọi người đều phải đang gồng mình để chống chọi.

Liên Hợp Quốc cho biết dịch tả heo châu Phi đã gây ra những tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Các báo cáo ước lượng ngành chăn nuôi heo ở Trung Quốc trị giá 128 tỷ USD. Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi heo chiếm khoảng 10% tổng sản lượng nông nghiệp. Hiện tại thì cả hai nước đang phải đối mặt với tình trạng nguồn heo hơi thiếu hụt trầm trọng và giá cả tăng cao.

Riêng tại Thái Lan, ngành chăn nuôi heo trị giá 3 tỷ USD cũng đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Các nhà chức trách nước này hồi tháng báo cáo đã tiêu hủy 200 con trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở khu vực biên giới.

Hiện tại, FAO đang xây dựng mô hình giúp ước tính thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra. Chắc chắn, FAO sẽ có những biện pháp để ngăn chặn vi rút tả nhưng vấn đề là chi phí lại quá lớn với các hộ nuôi nhỏ.

Trở lại với trang trại của mình, Kim Long thừa nhận rằng ngay cả khi tả heo bị xóa sổ, bà vẫn không có vốn để gầy dựng trở lại. Là một người chăn nuôi và buôn bán thức ăn gia súc, Kim Long cho biết bà đã nợ đến 25.000 USD và tiếp tục vay mượn để xoay xở. “Tôi tiếp tục hỏi mượn tiền mọi người xung quanh. Thật sự, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai” - bà nói.

a5
Chuyên viên chăn nuôi và thú y tiến hành tẩy trùng một trang trại thuộc hạt Thanh Hoa ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Internet)

Xây dựng hàng rào sinh học, hỗ trợ tốt hộ chăn nuôi

Cả nước có trên 2,5 triệu hộ nuôi heo nhỏ lẻ. Hầu hết đều không có biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước và không khí. Một nhà nuôi heo, cả xóm lãnh đủ mùi hôi thối vì chất thải từ trang trại xả ra đường thoát nước chung xuống thẳng kênh rạch, ao hồ. Đó là chưa kể phòng dịch và an toàn sinh học mà cơ quan chức năng luôn khuyến cáo.

“Khi dịch bệnh ập đến, chúng ta mới nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng dịch hay hàng rào sinh học. Nông dân Việt Nam thường có thói quen chọn cái dễ ăn, dễ làm và thường bỏ qua các khuyến cáo của cơ quan chức năng về thời vụ, con giống và chuồng trại” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Vi rút tả heo châu Phi có tính đề kháng mạnh, tồn lưu lâu trong tự nhiên, chưa có thuốc điều trị và phòng ngừa, tỷ lệ chết là 100% đối với các trang trại.

Phòng dịch là giải pháp tốt giúp ngành chăn nuôi đứng vững trước dịch bệnh và gầy dựng lại đàn heo khi dịch đi qua. Không chỉ hỗ trợ tài chính cho các hộ có heo bị chết vì dịch hoặc bị tiêu hủy khi ổ dịch bùng phát, chính quyền cần hỗ trợ kinh phí phòng dịch vì tương lai phát triển của ngành chăn nuôi.

“Việc chi tiền hỗ trợ người nuôi theo mức giá tối ưu - sát với giá thị trường - là giải pháp để khuyến khích dân thông báo về dịch bệnh, không tìm cách bán tháo heo bệnh hoặc vứt xác bừa bãi ra môi trường” - tiến sĩ Hoàng Khánh Hưng thuộc Trạm chăn nuôi thú y Vĩnh Cữu, Đồng Nai phát biểu.

Ông cho biết mức hỗ trợ ở các huyện thuộc tỉnh Đồng Nai có thể là 38.000 đồng/kg hay tính đổ đồng là 250.000 đồng đến tối đa là 4 triệu đồng mỗi con heo. Đây là mức tương đối cao so với quy định 25.000-30.000 đồng/kg heo hơi của Thủ tướng Chính phủ đưa ra vào tháng 6 vừa qua.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ cần thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tiền trực tiếp đến tay hộ nuôi. “Không thể để xảy ra trường hợp làm giả giấy tờ để tiền đền bù hay hỗ trợ chạy về nhà cán bộ không có nuôi con bò, con dê nào như đã xảy ra trước đây” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

R.H. thực hiện

Phan Huấn - Ricky Hồ

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.