Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 20/03/2016, 14:17 PM

“Cát tặc” lộng hành - Vì đâu nên nỗi? Kỳ 1: Giang hồ "trộm" cát, "nuốt" trọn đất dân

(NTD) - Không hoạt động "lén lút" như nạn hút cát trộm ở những địa phương khác, các đối tượng "cát tặc" trên sông Đồng Nai (thuộc địa bàn quận 9) hoạt động một cách công khai, rầm rộ như một công trường.

so-do
Vùng đất tại P.Long Phước, Q.9 , TP.HCM bị “cát tặc” “gặm” nát.

Không chỉ dùng sà lan dìm ống đâm sâu xuống đáy sông, “cát tặc” còn sử dụng cả xe đào, xe múc “gặm” sạt đất bờ sông vào ruộng đất của dân để tận thu cát, chưa kể họ còn sử dụng máy khoan công suất lớn, khoan sâu hàng chục mét dưới đáy sông thọc ống hút vào ruộng vườn người dân để hút cát bất kể ngày đêm khiến dòng chảy bị thay đổi, ruộng vườn người dân sạt lở xuống sông bị "hà bá" nuốt chửng. Trong khi đó, hoạt động này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền và ngành chức năng địa phương vẫn "im hơi lặng tiếng"...

“Cát tặc” bu kín "nuốt sống" sông Đồng Nai

cat tac (6)
“Cát tặc” đang hút cát trên sông Đồng Nai, phía sau là cầu cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
IMG_20160309_110758
Miếu thờ cũng trôi vào miệng “hà bá”

Ngày 12/3, chúng tôi được anh H. một người dân tại địa phương dẫn đi xem thực địa về tình trạng lộng hành của nạn “cát tặc”. 12 giờ trưa, sông Đồng Nai - đoạn giáp ranh giữa các P.Long Phước (Q.9, TP.HCM), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) náo động bởi tiếng nổ của máy hút cát. Men theo con đường đất đỏ từ đường Long Phước ra bờ sông thuộc khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, chúng tôi thấy gần trăm chiếc ghe cập thành nhiều tụ, đậu dọc bờ sông. Trên mỗi ghe có chiều dài chừng 10m, nhiều đối tượng liên tục thay nhau điều khiển dây ga máy nổ, hì hục lay chuyển ống dẫn để hút cát lên ghe. Một giờ sau, khi thấy ghe đầy, đối tượng di chuyển ghe đi nơi khác để tập kết. Khoảng chục phút sau, các ghe quay trở lại vị trí cũ, tiếp tục hút cát. Cứ thế, đến hơn 2 giờ chiều, mỗi ghe đã hút và chuyển đi cả trăm khối cát.

14 giờ ngày 13/3, chúng tôi tiếp tục có mặt tại địa điểm hút cát trên. Khi cách địa điểm hút cát chừng 300m, chúng tôi gửi xe máy đi bộ ra bên ngoài. Chưa đầy 2 phút, 2 đối tượng đi trên 1 chiếc xe máy hiệu Wave đi sau đến cạnh chúng tôi, nhìn từ trên xuống dưới với ánh mắt dò xét, đối tượng cầm lái tiếp tục: "Dạo chơi hả đại ca, chỗ này dơ ình có gì vui đâu mà ra đây...?". Thoáng chút lo lắng, chúng tôi lấy lại bình tĩnh rồi nói: "Tụi này ở dưới Sài Gòn, nghe trên này có bán mấy miếng đất nên lên xem sao, được giá thì về báo lại cho sếp để sếp mua, ổng cần mua miếng đất xây nhà dưỡng già...". Anh H. cũng nhanh trí tiếp lời: "Cò" miếng đất kiếm ăn chơi ấy mà, tui dẫn mấy ổng đi coi đất, được giá thì mua kiếm bữa nhậu". Nói xong, anh H. vỗ vai chúng tôi đi ra cạnh mé sông. Như chưa tin hẳn, 2 đối tượng dựng xe máy cạnh đó rồi đi theo chúng tôi không rời nửa bước.

anh 1
Hàng trăm ghe cát đang bu kín sông Đồng Nai để tận thu cát.

Đến khoảng 14 giờ 30, một sà lan dài khoảng 100m, rộng 10m được kéo đến. Cập quanh sà lan này có hàng chục ghe hút cát, mỗi ghe có nhiều thanh niên liên tục dùng máy khoan có công suất lớn dìm ống dẫn đâm sâu vào bờ sông, hút cát chảy lên sà lan. Các ghe di chuyển đến đâu, bờ sông bị rã và tuột xuống nước đến đó. Đến 21 giờ thoáng thấy ánh đèn pin từ đường Long Phước lóa xuống sông, lập tức tiếng máy nổ từ các ghe tắt lịm. Sau khoảng 15 phút không thấy động tĩnh, khu vực lại náo động với âm thanh xập xình từ những ghe hút cát phát ra. Kiếm tiền dễ dàng, nên các chủ ghe đầu tư phương tiện hành nghề công suất lớn, thuê cả những người làm nghề câu cá, giăng lưới trên sông báo động khi có lực lượng chức năng tuần tra. Đặc biệt, các đối tượng “cát tặc” sẵn sàng đánh trả khi bị truy đuổi

IMG_20160309_113010_1
Một bãi cát không tên tại tỉnh Đồng Nai, nơi “cát tặc” tập trung cát.

Ngày 14/3, có mặt tại điểm khai thác cát lậu tại P.Long Phước chúng tôi thấy hai bên bờ sông, đất sản xuất của người dân bị sạt lở nặng, rất nhiều cây bị bật gốc, phơi rễ chết khô. Chỉ tính riêng đoạn qua khu phố Trường Khánh có cả trăm điểm sạt lở, mỗi vị trí bị sạt kéo dài hàng trăm mét, sâu hàng chục mét.

Ông Q. một người dân địa phương cho biết: Nạn khai thác cát trái phép ở sông Đồng Nai đoạn qua P.Long Phước diễn ra từ nhiều năm nay. Ban đầu lác đác một vài máy hút dưới sông. Về sau có cả “tập đoàn” ghe hút cát đổ về, xới tung đất ruộng, đất vườn lên đãi cát. “Bức xúc, bà con nhiều lần gọi điện báo phường, quận làm đơn kêu cứu nhiều nơi, nhưng lần nào cán bộ xuống cũng “cười cười, nói nói” chiếu lệ rồi ra về. Sau khi xe cán bộ đi khỏi thì mọi việc đâu vào đấy, không chỉ hoạt động về ban ngày, đám “cát tặc” còn lộng hành cả ban đêm.

"Cạp " luôn đất dân

IMG_20160309_111433
Người dân đóng cọc để giữ đất, nhưng vô hiệu do đất đã bị sụt lún vào sâu bên trong
IMG_20160309_110437
Xây tường bê tông để giữ đất.

Dư luận bức xúc như thế nhưng các cấp chính quyền, ngành chức năng ở địa phương lại không ngăn chặn, xử lý. Theo người dân địa phương, người đứng đầu các nhóm hút cát trái phép, làm tan nát sông Đồng Nai là một đối tượng tên Khôi và các đối tượng Minh, Sang, Lâu, Nghiêm ngụ tại P.Long Phước. Được biết, các đối tượng này rất dữ tợn và manh động, riêng Khôi không chỉ hút trộm cát mà y còn hay tổ chức đánh bạc quy mô lớn với hình thức đá gà.

Cũng theo người dân tại địa phương: Nhiều năm nay, mặt sông giờ đây đã bị sạt lở ăn sâu vào bờ gần 200m, lòng sông bị biến dạng mạnh, nhiều đoạn sạt lở tạo thành những vực sâu, sụt lún rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, tiếng máy móc gầm rú hút cát inh ỏi suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều người bức xúc phản đối thì bị các chủ tàu, nhân công làm thuê chửi bới, đe dọa, hành hung, uy hiếp, gây áp lực với các hộ dân sinh sống gần bờ sông. Bà con nhân dân rất bức xúc nhưng đành bất lực, không thể làm gì được bọn chúng các đối tượng khai thác cát trái phép “xẻ thịt”, lấy đi hàng ngàn khối cát, thu lợi hàng tỷ đồng, nạn khai thác cát trái phép ồ ạt từ nhiều năm qua khiến cho trữ lượng cát trên sông ngày càng cạn kiệt. Đổi lại, hàng trăm mét vuông ruộng vườn của người dân ven sông bị sạt lở; nhà cửa có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào.

Để hút cát, những đối tượng khai thác cát dùng hàng trăm máy khoan, hút với công suất lớn thọc sâu vào đáy sông từ 6-20m hoặc vào bờ đất của người dân mới hút được cát. Do đáy sông đã tan nát, trũng sâu khiến bờ sông Đồng Nai đoạn qua P.Long Phước bị sạt lở nghiêm trọng. Chỉ tại khu phố Trường Khánh, 4 năm qua có nhiều vị trí bờ sông bị sạt lở, mỗi vị trí bị sạt dài 100-700m, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét, lấy đi hết gần 62 héc ta đất của người dân.

Nhìn ra bờ sông bị sạt còn cách căn nhà 40m, ông Đ. thẫn thờ: “Mấy năm trước, gia đình còn trồng cỏ nuôi bò, giờ ruộng vườn đã thành sông. Nước sông ngày càng tràn vào vườn, cả cái nhà cũng dễ bị "hà bá" nuốt. Mất sạch rồi…”.

IMG_20160309_110544
Tường bao bằng bê tông của người dân xây dựng để ngăn sạt lở đất cũng bị ngã sập do sụt lún.
cat tac (2)
Đất vườn tan hoang, nứt nẻ.

 Còn ông A. nhà cách bờ sông chừng 50m buồn bã: "Có miếng đất dưỡng già, mấy năm trước người ta đến trả mua hơn tỷ bạc mà tui không bán. Giờ đang cần tiền để chữa bệnh gọi người bán thì chẳng ai mua, có người trả giá còn có hơn 150 triệu vì sợ đất bị trôi hết xuống sông. Tự dưng bị mất giá, chắc giờ cũng chẳng bán được mà nợ nần thì chồng chất do vay mượn để chữa bệnh". Ông còn cho biết, ruộng vườn của hàng chục hộ dân khác ven sông cũng vào cảnh sắp bị trôi sông do những người khai thác cát tạo nên, thậm chí có người mất trắng hàng chục hec ta đất, số bị ảnh hưởng thì bị khoét hàm ếch rộng ở phía dưới có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Nạn khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai đang đẩy cuộc sống của người dân địa phương vào cảnh bế tắc. Nhiều năm qua, người dân địa phương đã nhiều lần lên tiếng đề nghị chính quyền và các ngành chức năng can thiệp, ngăn chặn những kẻ "trộm" cát, phá đất của dân nhưng vẫn chẳng ăn thua gì, nỗi lo của người dân ngày càng chồng chất mà còn thêm bị đe dọa bởi những kẻ coi trời bằng vung. Để cứu sông, cứu vườn tược, những năm qua, người dân đã gửi hàng trăm lá đơn kêu cứu đến phường, quận nhưng kết quả vẫn bằng không. Trước sự lộng hành của “cát tặc”, không ít hộ dân đã liều mình chống trả và bị “cát tặc” đe dọa "xử", có người làm chòi canh để giữ đất nhưng cũng chẳng ăn thua do "cát tặc" quá đông mà người dân thì thân yếu, thế cô. Đường cùng, bà con đành bán đất, bán vườn đi nơi khác sinh sống. Cứ thế, sông Đồng Nai ngày càng bị sạt lở nặng hơn.

 

9
Hàng chục chiếc ghe hút cát cùng phương tiện bị Công an TP.HCM bắt giữ vào ngày 15/3

Trong sáng ngày 15/3 và tối cùng ngày, Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an Q.9, TP.HCM đã triển khai lực lượng, theo dõi và bắt giữ tịch thu 15 ghe hút cát cùng nhiều máy hút cát, giàn khoan, ống sục của các đối tượng “cát tặc” tại P.Long Phước, Q.9, TP.HCM. Thấy bóng dáng công an, các đối tượng đã nhảy sông tẩu thoát, số còn lại vội tắt máy hút cát rồi nổ ghe bỏ chạy. Sau khi lập biên bản sự việc, các phương tiện hành nghề của “cát tặc” đã được lực lượng chức năng đưa về khu vực cầu Trường Phước để tiếp tục xử lý.

  Cao Tuấn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.