Dữ liệu cũ
Thứ năm, 31/03/2016, 17:38 PM

Cát tặc "lộng hành" - Hiểm họa sập cầu cao tốc và tiết lộ choáng váng về trùm cát tặc

(NTD) - Theo phát hiện chấn động của PV Báo Người Tiêu Dùng, tại khu phố Trường Khánh, P.Long Phước, Q.9, TP.HCM cách chân cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây khoảng 200m, mỗi ngày có hàng chục chiếc thuyền thọc vòi hút cát, với tiếng máy nổ ầm ầm. Chỉ khoảng 15 phút sau, là có một thuyền đầy cát được chở đi, tập kết thành từng bãi dọc hai bờ bên kia chân cầu thuộc địa bàn huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai. Tại đây, những “núi cát” được tập kết buôn bán công khai nhiều năm qua đã lấn ra cả lòng sông, và hàng chục xà lan cùng tàu chở cát lớn chực chờ sẵn để chở đi. Hiểm họa sập cầu cao tốc đang gần kề.

Hiểm họa sập cầu đường cao tốc

Untitled
 

Những người dân sống ở khu phố Trường Khánh cho biết, mỗi ngày trung bình có khoảng hàng chục xà lan và ghe bầu khối lượng hơn 200m3 vận chuyển cát. Ngoài ra, theo lời của một cát tặc kể lại, mỗi ngày kiếm được 2-3 tỷ đồng, với giá bán ra 500 nghìn đồng/m3 cát. Như vậy, mỗi ngày dòng sông này mất đi 4.000-5.000 khối cát. Vậy mỗi năm, khối lượng cát bị lấy đi khoảng 1.825.000 khối, tương đương 1 tòa nhà Bitexco 68 tầng. Và được biết, cát tặc đã tồn tại xây dựng cơ sở trên khu vực này hơn 10 năm. Vậy con số về khối lượng cát bị trộm trước mũi chính quyền địa phương lúc này không cần phải viết ra đây.

Điều đáng nói ở đây là cảnh báo về sự an toàn của phần móng chân cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nằm cách đó chỉ khoảng 200m. Mặc dù kết cấu chân cầu đã được các kỹ sư tính toán an toàn cho vĩnh cửu, nhưng có lẽ chuyện tính lượng cát chân cầu tương đương vài tòa nhà 68 tầng mất đi thì chưa bao giờ được đề cập đến trong dự án thiết kế.

Bởi “nước chảy chỗ trũng”, các lòng chảo ở đáy sông này sẽ mặc nhiên được bồi đắp bởi cát xung quanh, trong đó có cát ở chân cầu cao tốc. Hiện tại theo ghi nhận của phóng viên, nhiều bờ kè ở đây đã bị sụt, thậm chí trước đây là bờ rào thì giờ đây là những cọc nổi ngoài sông, bởi bị xói lở. Người dân ở đây cho biết, hiện tại đất vườn của họ đã bị sụt mất 62 hécta do xói lở, tương đương 5 lần diện tích của Dinh Độc Lập.

cat tac 4
Hàng chục ghe hút cát hoạt động suốt ngày đêm gần chân cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sông Đồng Nai là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng khu vực phía Nam, nối kết các hệ thống cảng và các đầu mối giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trước tình trạng này, người dân thành phố có quyền hỏi: chẳng lẽ chính quyền địa phương không làm gì được nạn cát tặc suốt 10 năm nay?

Phải có ô dù?

IMG_20160309_110921
Đất vườn của người dân bị “hà bá” lấn ăn sâu vào bên trong do cát tặc.

Từng là “trợ lý” của một “ông trùm" tên K. chuyên khai thác, mua bán cát trái phép ở phường Long Phước, L. - Một đối tượng chuyên hút cát thuê cho biết: "Nghề nào cũng phải có mối mang của nó, hút cát cũng vậy phải có “ô dù”, còn không thì sớm hay muộn cũng chết như chơi. Thường lịch đi tuần tra ở phường do công an, hay chính quyền tổ chức nên ông “trùm” chỉ cần chơi thân, chơi đẹp với một trong số người làm trong ấy là xong. Chừng nào có lịch kiểm tra, hay dân phản ánh là có người báo chúng tôi lo “dọt” đi chỗ khác liền. Với lại đường xá ở đây vắng vẻ, có người lạ vào là tụi này được báo ngay. Trường hợp bị đánh sát quá, tụi tui tháo van để ghe chìm, rồi nhảy sông lặn vào bờ, nhưng hiếm khi nào như vậy lắm. Làm nghề này, chơi đẹp mới trụ được! Không những vậy, muốn làm ăn “ngon lành” ông trùm liên kết với một số sếp tại địa phương, trong đó các sếp này có “cổ phần” đầu tư tăng thêm đầu ghe, máy hút, máy khoan để tham gia... hút. Chính vì vậy, khi có lệnh kiểm tra, xử lý thì chính các sếp này “tuồn” thông tin ra ngoài để tụi này lo tránh mặt".

IMG_20160309_111433
Người dân đóng cọc giữ đất nhưng vô hiệu, do đất đã bị cát tặc hút sạt lở vào bên trong.
IMG_20160309_110544
Bờ kè bằng bê tông bị sụp đổ do chân tường bị sạt lở.

Không chỉ có “tai mắt” bọn “cát tặc” hiện đang có rất nhiều “chiêu” đối phó với ngành chức năng. Thậm chí, chúng còn trả lương thường xuyên cho một số đối tượng chỉ làm một việc duy nhất là ngồi canh trước các trạm, cửa trụ sở cơ quan chức năng. Thấy ngành chức năng có động tĩnh… tập hợp lực lượng là chúng dùng điện thoại báo ngay cho đồng bọn. Kết quả, đoàn kiểm tra đến nơi chúng đã cao chạy xa bay.

Bị bắt chỉ là do “thí chốt”?

IMG_20160309_120036_1
Người dân vẽ ra phần đất bị sụp hết xuống sông (phần trong khung đỏ) trong tờ bản đồ số 21.

Rồi L. kể tiếp: “Ở đây là vậy, ông “trùm” có cả trăm ghe hút cát lậu và tổ chức mua cát của các nhóm hút cát chui, ngoài ra còn có mối quan hệ thân thiết với sếp tại địa phương nên ít sợ. Vì vậy mà hầu hết các trường hợp hút cát chui trên sông phải tham gia vô nhóm của ông “trùm” nếu không sẽ rất khó làm ăn, hoặc lần nào cũng bị công an bắt. Còn nhóm tụi tui thì khỏe re. Mấy đứa bị bắt là do “thí chốt”, “họ” bắt cho “có” vài ghe nhỏ nhỏ để trấn an vậy thôi, sau hôm bị bắt thì tụi này còn làm mạnh hơn. Ngoài ra, để đối phó với mấy ổng thì tụi này được mách nước trước bằng cách không mang theo giấy tờ tùy thân, thậm chí giả “điên” bằng cách hỏi cái gì cũng không biết. Phường mang về nhốt mấy tiếng thì gia đình đến bảo lãnh cho về, thế là thoát nạn!”

IMG_20160309_113007_1
Nhiều bãi cát không tên tại Nhơn Trạch, Đồng Nai là nơi tập kết cát của cát tặc.

Cũng theo lời L. hàng ngày, cả trăm chiếc ghe của nhóm cát tặc tập trung ở khu vực Cầu Đình, sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng thì nổ máy “làm việc”. Khu vực làm “sướng” nhất là khu phố Trường Khánh và khai thác dần lên cạnh chân cầu cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vì chỗ đây cát rất đẹp, mịn. Điều quan trọng nhất là tai mắt của cát tặc được "giăng" khắp nơi, khi có bóng dáng lực lượng chức năng thì nơi đây tẩu thoát lẹ nhất. L. cho biết thêm, cát trên sông Đồng Nai là cát loại 1, mịn nên dùng tô, trát tường với giá khoảng 500 nghìn đồng/m3. Một số ghe chơi chiêu dùng cát sông Đồng Nai trộn lẫn với cát ở khu vực khác thì lấy giá rẻ hơn chút ít. Với số lượng ghe lớn đến cả trăm chiếc mỗi đêm thu nhập của cát tặc lên đến hàng tỷ đồng.

 Cao Tuấn

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.