Thứ tư, 30/10/2024, 09:54 AM

Cảnh giác trước sự “đổ bộ” của các sàn thương mại điện tử chưa chính thống

(CL&CS) - Vừa xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 9 nhưng nền tảng bán lẻ trực tuyến Temu đã hấp dẫn người mua bằng chiến lược bán siêu giảm giá và miễn phí ship hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay thông tin chưa rõ ràng về pháp lý của Temu và cách thức bảo mật thông tin chưa được chứng thực kéo theo những rủi ro tiềm ẩn.

1

Cơn sốt sàn mới, giá rẻ

Vừa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng nhiều chuyên gia đã lo ngại về tính hợp pháp của Temu, khi người dùng có thể vào các kho ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.

Lượt nền tảng mạng xã hội, chị Nguyễn Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị thu hút bởi nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các đường link liên kết, kêu gọi người thân, bạn bè cùng tải ứng dụng Temu về để nhận hoa hồng, cùng với đó là các chương trình siêu giảm giá thậm chí đến 90%.

Truy cập vào ứng dụng Temu, khách hàng chỉ cần gõ sản phẩm mình cần mua sẽ hiện ra danh sách và chính sách giảm giá khuyến mại.

Tuy nhiên, khi tham khảo giá sản phẩm trên Temu với các sàn thương mại điện tử đã hoạt động một thời gian dài tại Việt Nam thì chị Hà nhận thấy dù có giảm giá thì một số sản phẩm giá vẫn cao hơn các sàn đã hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

Một vấn đề nữa khiến chị Hà băn khoăn là mua hàng phải thanh toán chuyển khoản trước, nếu mua đồ sai, lỗi thì khi khiếu nại sẽ lâu hơn, còn với các sàn thương mại điện tử hiện nay thì khi nhận hàng mới phải thanh toán và nếu sản phẩm không đúng với đơn đặt hàng được trả lại luôn.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử thuộc tốp đầu khu vực Đông Nam Á, trung bình đạt 25%/năm.

Thị trường bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023 và tiếp tục tăng trong những năm tới. Lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến đã vượt 61 triệu người, cùng giá trị mua sắm khoảng 336 USD/người. Đây là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến mới của nhiều nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Ông Phạm Đình Thưởng, Thành viên hội đồng tư vấn cấp cao Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới là mối quan tâm của nhiều nước, không chỉ Việt Nam.

Trước sự xuất hiện ồ ạt của nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Phạm Đình Thưởng cho rằng, Việt Nam cần có sự đánh giá về hoạt động của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới vì nó ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh.

Đầu tiên là ảnh hưởng đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử đang hoạt động hợp pháp ở Việt Nam.

Tiếp đó là hàng hóa giá rẻ ở nước ngoài, đặc biệt là hàng Trung Quốc cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước thông qua môi trường thương mại điện tử.

Thứ ba, có thể thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Chúng ta có thể tải app Temu và có thể đặt mua hàng từ Temu rồi như vậy có nghĩa là họ đã hoạt động tại thị trường Việt Nam rồi, tuy nhiên theo tôi biết thì họ chưa được cấp phép, về mặt quản lý nhà nước chúng ta cần xem lại vì sao các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới chưa được cấp phép vẫn được hoạt động tại Việt Nam”, ông Phạm Đình Thưởng nhấn mạnh.

Cần có hành lang pháp lý phù hợp

Quy định hiện nay đang khá thoáng với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó không yêu cầu điều kiện phải lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Theo ông Phạm Đình Thưởng, đây là vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi.

“Về mặt nhược điểm, nếu họ không đăng ký dưới hình thức doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam thì chịu mức thuế thấp hơn so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Thứ nữa yêu cầu quản lý với các sàn thương mại điện tử này sẽ khó khăn hơn.

Hiện nay có rất nhiều cơ hội cho các sàn thương mại điện tử có thể vào Việt Nam, từ đó khiến môi trường thương mại điện tử ở Việt Nam cạnh tranh khốc liệt ở quy mô lớn. Hệ lụy là nhiều doanh nghiệp đã hoạt động tốt có nhiều đóng góp cho Việt Nam đứng trước nguy cơ ra đi”.

Tại họp báo thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Đối với sàn Temu đang bán hàng tại Việt Nam, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát đến vấn đề này. Đồng thời, giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

Trước những lo ngại về sức ép hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc thông qua con đường thương mại điện tử, cũng như các kênh truyền thống có thể đe dọa nền sản xuất trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, hàng hóa nói chung khi vào Việt Nam đều phải có đánh giá tác động để có phương án bảo vệ hàng sản xuất trong nước.

“Riêng kênh thương mại điện tử đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn xử lý. Hiện hàng hóa trên thương mại điện tử có giá rất thấp, ít tiền.

Tuy nhiên, cùng với mức giá thì các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng trên cùng một phân khúc. Từ đó, xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý”, Thứ trưởng cho hay.

Trước việc các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo các đơn vị thuộc bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.

Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trái phép...

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Đa dạng các mặt hàng đặc sản vùng miền được quy tụ tại hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024

Đa dạng các mặt hàng đặc sản vùng miền được quy tụ tại hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam 2024

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 15:30

(CL&CS)- Đa dạng sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, có nhiều sản phẩm mới với chất lượng và mẫu mã bao bì hướng tới xuất khẩu.

Khám phá xu hướng mới và công nghệ tiên tiến trong ngành gỗ xuất khẩu

Khám phá xu hướng mới và công nghệ tiên tiến trong ngành gỗ xuất khẩu

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 14:18

(CL&CS) - Chiều 11/11, tại TP. Thuận An, một buổi tọa đàm thú vị về ngành gỗ và nội thất đã được tổ chức, mang đến những xu hướng đột phá và các giải pháp nội thất thông minh hiện đại. Sự kiện này là sự hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TP.HCM, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ B.I.F.A và Pablo Publishing & Exhibition.

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2024

Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2024

sự kiện🞄Thứ ba, 12/11/2024, 12:00

(CL&CS)- Bộ Công Thương vừa ban hành Văn bản số 8791/BCT-TTTN ngày 1/11/2024 về việc hưởng ứng Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên toàn quốc năm 2024.