Thứ sáu, 24/03/2023, 20:38 PM

Bộ Y tế đề xuất đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống

(CL&CS) - Bộ Y tế cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường theo hàm lượng đường, tuy nhiên loại trừ sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng cho mục đích dinh dưỡng

Ngày 23/3, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá. Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế cho biết, trong 10 năm qua, mức tăng trưởng tiêu dùng các dòng sản phẩm nước ép trái cây, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền rất cao. Dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% trong 5 năm nữa. Điều này có thể cho thấy, trong tương lai không xa, các sản phẩm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, mức tiêu thụ đồ uống có đường tăng nhanh là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam. Tại nước ta, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 lên 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

“Thừa cân, béo phì cũng làm tăng các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm, bao gồm: Ung thư, bệnh tim, trẻ hóa độ tuổi mắc nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và tử vong sớm liên quan”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên dẫn chứng.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Từ thực trạng trên, Bộ Y tế cho rằng, cần áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường. Tuy nhiên, nếu chỉ truyền thông thôi thì hiệu quả không cao và cần rất nhiều năm để có thể thay đổi được thói quen người tiêu dùng.

"Thuế và giá là biện pháp mạnh cùng với kiểm soát quảng cáo, giảm tính sẵn có của sản phẩm" - bà Trần Thị Trang nói và đề xuất cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường.

Do vậy, Bộ Y tế đề xuất áp dụng đánh thuế dựa trên hàm lượng đường, cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100ml đồ uống. Sẽ có quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế. Nếu hàm lượng đường trên ngưỡng này đánh theo mức đường càng nhiều, thuế càng cao.

Một số sản phẩm dinh dưỡng gồm sữa, các sản phẩm sữa, các sản phẩm từ sữa... có hàm lượng đường thấp (ví dụ như sữa ít đường) được đề xuất chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Tuy nhiên, tại hội thảo, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ CôngThương) cho biết cần cân nhắc kỹ lưỡng về việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thời điểm áp dụng vì ngành giải khát hiện cũng đang gặp không ít khó khăn.

"Thời điểm áp dụng việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt cần cân nhắc cho phù hợp; cần được xem xét theo đúng quy trình bao gồm cả việc lấy ý kiến các doanh nghiệp, đảm bảo đánh giá kỹ lưỡng đầy đủ và có sự thống nhất" - đại diện Bộ Công Thương nói.

Trước đó, dự thảo sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đưa “đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn” vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tờ trình của Bộ Tài chính, mục đích bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nói chung, giảm tỷ lệ béo phì và bệnh tiểu đường nói riêng.

Trúc Thi

Bình luận

Nổi bật

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế

WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:53

(CL&CS) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine thứ hai nhận được sự chấp thuận này.

Nâng cao chất lượng xét nghiệm cho các cơ sở y tế Hà Tĩnh

Nâng cao chất lượng xét nghiệm cho các cơ sở y tế Hà Tĩnh

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 18:57

(CL&CS)- Các cơ sở y tế Hà Tĩnh không ngừng nâng cao chất lượng xét nghiệm phát hiện sớm, đúng các bệnh lý, hỗ trợ đắc lực công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh.

Từ 1/1/2025 bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện

Từ 1/1/2025 bỏ quy định phân chia danh mục thuốc theo hạng bệnh viện

sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 15:29

(CL&CS) - Từ 1/1/2025, các cơ sở y tế sẽ được sử dụng toàn bộ thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế chi trả, không phân biệt hạng bệnh viện hay cấp chuyên môn kỹ thuật.