Dữ liệu cũ
Thứ tư, 23/10/2019, 05:06 AM

Bộ ba người Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế và Thủ tướng Ethiopia ẵm giải Nobel Hòa bình 2019

(NTD) - Hai giải Nobel Hòa bình và Kinh tế được trao cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel 2019 hào hứng và sôi động. Năm nào cũng thế, trong 6 giải, bao giờ người Mỹ cũng dẫn đầu về số người tài được vinh danh.

Với giải pháp chống đói nghèo trên toàn cầu, bộ ba người Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế

Chiều 14/10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAS) đã công bố giải Nobel Kinh tế vinh danh sự đóng góp to lớn của hai vợ chồng Abhijit Banerjee - Esther Duflo và Michael Kremer cho các giải pháp nỗ lực giảm nghèo.

Cặp đôi Abhijit Banerjee - Esther Duflo hiện giảng dạy tại Viện Công nghệ danh tiếng Massachusetts (MIT), còn Michael Kremer công tác tại Đại học Harvard. Nhà kinh tế học Esther Duflo, quốc tịch Mỹ - Pháp, là người trẻ nhất (47 tuổi), cũng là người phụ nữ thứ hai trong 50 năm qua được trao giải Nobel Kinh tế.

Không giống như các giải Nobel khác được trao từ năm 1901, Nobel Kinh tế là giải thưởng duy nhất không do nhà phát minh - nhà từ thiện Alfred Nobel sáng lập và đề cập trong bản di chúc năm 1895 của ông. Tên chính thức là Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển về Kinh tế học Tưởng nhớ Alfred Nobel, được lập ra năm 1968, nhằm kỷ niệm 300 năm thành lập ngân hàng này, và lần đầu tiên được trao vào năm 1969.

RSAS giải thích bằng thông báo: “Nghiên cứu của những người đoạt giải năm nay đã cải thiện khả năng chống đói nghèo toàn cầu. Chỉ trong hai thập niên, cách tiếp cận dựa trên thí nghiệm mới của họ đã thay đổi kinh tế học phát triển, hiện đang là một lĩnh vực nghiên cứu nở rộ”.

Bất chấp những cải thiện mạnh mẽ gần đây, loài người vẫn đang đối mặt với vấn nạn đói nghèo khi có hơn 700 triệu người vẫn sống bằng thu nhập cực kỳ thấp. Hằng năm, khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thiệt mạng do những căn bệnh có thể ngăn ngừa hoặc chữa được bằng những phương pháp không quá tốn kém.

Bộ ba Abhijit Banerjee - Esther Duflo - Michael Kremer đã đưa ra cách tiếp cận mới để chống đói nghèo, theo phương pháp chia nhỏ vấn đề lớn ra thành các vấn đề nhỏ hơn để dễ quản lý, chẳng hạn như các biện pháp can thiệp hiệu quả nhất trong việc cải thiện kết quả giáo dục hoặc sức khỏe trẻ em. Họ đã chỉ ra rằng những vấn đề nhỏ hơn, chính xác hơn này thường được giải quyết một cách tốt nhất.

Vào giữa những năm 1990, Michael Kremer và các đồng nghiệp đã chứng minh hiệu quả của cách tiếp cận này bằng việc thử nghiệm các biện pháp can thiệp để cải thiện kết quả giáo dục ở Tây Kenya và một số nước châu Phi. Abhijit Banerjee và Esther Duflo, thường đi cùng Michael Kremer, thực hiện các nghiên cứu tương tự đối với các vấn đề khác và ở những quốc gia khác.

Kết quả nghiên cứu này đã cải thiện đáng kể khả năng chống đói nghèo, trong đó hơn 5 triệu trẻ em Ấn Độ đã được hưởng lợi từ các chương trình dạy kèm hiệu quả trong trường học.

 

a1
Ba nhà khoa học Abhijit Banerjee (trái), Esther Duflo (giữa) và Michael Kremer đoạt giải Nobel Kinh tế 2019. (Ảnh: AFP).
a
Thủ tướng Abiy Ahmed (giữa) cùng với Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki. (Ảnh: Eduardo Soteras / AFP / Getty Images).

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed Ali đoạt giải Nobel Hòa bình 2019

Chiều 11/10/2019, Berit Reiss-Andersen - Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy - đơn vị bầu chọn giải Nobel Hòa bình, đã công bố giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho Thủ tướng Abiy Ahmed Ali nhờ những nỗ lực và đóng góp cho hòa bình - hòa giải trong việc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 năm với quốc gia láng giềng Eritrea.

Ông Abiy đã đánh bại sự cạnh tranh từ hàng trăm người được đề cử, nổi bật nhất là nhà hoạt động 16 tuổi Greta Thunberg người Thụy Điển với ánh hào quang chống biến đổi khí hậu toàn cầu và nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern.

Hiện Ủy ban trao giải đã liên lạc được với Thủ tướng Abiy. Sau khi hay tin ông Abiy Ahmed được vinh danh, văn phòng của Thủ tướng Ethiopia đã viết dòng trạng thái (tweet): “Chúng tôi tự hào là một quốc gia, vui mừng bày tỏ niềm tự hào của chúng tôi, Thủ tướng Abiy Ahmed đã cống hiến cho hòa bình với lòng đầy vị tha và hòa giải các thành phần chính phủ trong đối sách quan trọng của mình”.

Ethiopia là một đất nước của nhiều ngôn ngữ và dân tộc khác nhau. Gần đây, những cuộc ganh đua sắc tộc cũ đã bùng lên. Theo Chủ tịch Berit, Thủ tướng Abiy Ahmed đã mang đến cho người dân Ethiopia hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Awol Allo - một đồng hương người Ethiopia và là phó giáo sư luật tại Đại học Keele ở Vương quốc Anh, cho biết Abiy xứng đáng nhận giải thưởng cho vai trò của mình trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 20 năm giữa Ethiopia và Eritrea - một cuộc chiến tranh vô nghĩa đối với lãnh thổ biên giới đang tranh chấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chi phí tài chính và con người cho cả hai nước.

Ông Abiy Ahmed sinh ngày 15/8/1976, là nhà lãnh đạo người sắc tộc Oromo đầu tiên của Ethiopia. Việc ông lên nắm quyền nhận được sự hỗ trợ rất lớn trong giới trẻ Oromo cùng với các nhóm sắc tộc khác, đã bắt đầu thay đổi tình trạng bất công. Ông hiện là chủ tịch của cả hai đảng cánh tả cầm quyền EPRDF (Mặt trận Cách mạng Dân chủ Nhân dân Ethiopia) và ODP (Tổ chức Dân chủ Oromo), là một trong bốn đảng liên minh của EPRDF.

Thủ tướng Abiy Ahmed cũng đi tiên phong trong việc nâng cao vai trò của nữ giới trong đời sống chính trị và xã hội Ethiopia, đưa ra những quyết định chưa từng có tiền lệ khi bổ nhiệm nữ giới chiếm tới 50% số bộ trưởng trong Chính phủ. Ông đã tạo ra những cải cách ngoạn mục trong chính sách đối ngoại.

Việc hai nước cựu thù Ethiopia và Eritrea chính thức nối lại quan hệ từ tháng 7/2018 đã đưa hình ảnh của ông Abiy cùng Ethiopia lên một vị thế khác biệt, cũng như xác định quốc gia ở vùng Sừng châu Phi này là một nước mạnh trong khu vực...

Theo lệ thường, lễ trao các giải Nobel 2019 Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế sẽ được tổ chức tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển vào ngày 10/12/2019. Riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tặng tại Oslo, thủ đô Na Uy. Mỗi giải được 9 triệu kronor (khoảng 910.000 USD).

a2
Giải Nobel Hòa bình 2019 thuộc về Thủ tướng Abiy Ahmed. (Ảnh: Reuters).

Kim Thoa (Theo AFP, CNN)

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.