Biến động tỷ giá “đè nén” lợi nhuận doanh nghiệp

(NTD) - Trên góc độ áp lực tài chính, không loại trừ khả năng các tập đoàn kinh tế lớn cố tình duy trì các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá nhằm điều tiết lợi nhuận.

23
Tuy thông báo lỗ vì tỷ giá nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra khá bình chân với việc này. Ảnh: Vinacomin

Vừa qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin, TKV) đều thông báo lỗ hàng ngàn tỷ đồng do biến động tỷ giá trong các tháng đầu năm 2016. Cụ thể, EVN báo lỗ do tỷ giá trên 6.300 tỷ đồng; Vinacomin báo lỗ 1.200 tỷ đồng.

Để xử lý các khoản lỗ này, cả EVN và Vinacomin đều kiến nghị Bộ Công thương xem xét cho phép tính vào giá thành điện. Một số ý kiến đã tán thành việc cân nhắc các đề xuất này. Tuy nhiên, câu chuyện chuyển lỗ vào giá vốn nhằm giảm bớt thu nhập chịu thuế khiến dư luận không khỏi băn khoăn.

Luôn có cách cân đối lỗ từ tỷ giá

Theo cách hạch toán tài chính trong hoạt động của các doanh nghiệp trực thuộc EVN và Vinacomin, các khoản lỗ phát sinh từ biến động tỷ giá được cân đối một cách khá linh hoạt.

Về lý thuyết, khi doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ biến động tỷ giá. Cụ thể, khi tỷ giá ngoại tệ tăng, các chi phí được tính theo ngoại tệ của doanh nghiệp tăng lên làm giá vốn sản xuất điện tăng theo. Khi đó, doanh nghiệp nếu bán điện theo tỷ giá cũ, sẽ bị mất phần doanh thu chênh lệch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ chịu áp lực trả nợ vay bằng ngoại tệ lớn hơn. Do đó, đơn vị sẽ hụt mạnh về doanh thu, dẫn tới lỗ.

Tuy nhiên, theo quy định của luật thuế hiện hành, các khoản lỗ do biến động tỷ giá của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, khi tỷ giá biến động, thực chất khoản lỗ do tỷ giá đã được hạch toán vào giá vốn. Các doanh nghiệp ngành điện chủ yếu vay ngoại tệ dài hạn, do vậy nhiều trường hợp nếu tính biến động tỷ giá vào ngay giá bán hàng năm thì họ sẽ được hưởng khoản lợi lớn do doanh thu (hoặc giá vốn) tăng lớn hơn tổng khoản lỗ tỷ giá mà doanh nghiệp phải chịu cho đến khi trả hết nợ.

CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có thể lấy làm ví dụ để minh họa trong trường hợp này. Bởi, hiện nay doanh nghiệp này đang có hợp đồng vay nợ hơn 25 tỷ JPY trong vòng 22 năm. Mỗi năm, PPC phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 400 tỷ đồng.

Trong quý 3/2016, do tỷ giá JPY tăng, PPC bị lỗ 84,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do PPC thu được lợi nhuận tương đương từ các hoạt động tài chính (chủ yếu là lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng vốn cũng bị đánh thuế 22%) nên 2 khoản này được cơ quan thuế khấu trừ cho nhau. Và kết quả là PPC giảm được một khoản thuế đáng kể và lần đầu tiên báo lãi sau thuế 673 triệu đồng vào quý 3/2016.

Ít áp lực với hiệu quả sử dụng vốn vay

Theo phân tích của một số chuyên gia kinh tế, với cách hạch toán lỗ do tỷ giá vào giá vốn bán hàng mà các doanh nghiệp trực thuộc EVN và Vinacomin thì nhiều trường hợp sau khi bù trừ vào các khoản thuế phải nộp, doanh nghiệp sẽ có lợi về dòng tiền thực tương ứng tại các thời điểm kinh doanh. Bởi khi con số lỗ ảo do tỷ giá ghi nhận vào sổ sách lớn hơn nhiều lần so với số lỗ thật phải thanh toán bằng tiền mặt thì các doanh nghiệp vừa được lợi trong việc cấn trừ thuế vừa không quá áp lực chi tiền thực để trả cho các khoản vay bằng ngoại tệ tức thời.

Nhận xét về khả năng liệu các doanh nghiệp ngành điện và than có thể sẽ cố tình duy trì các khoản lỗ do biến động tỷ giá để cân đối lợi nhuận của năm sau, TS.Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng không khẳng định 100% khả năng này nhưng không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp cố tình cân đối lỗ tỷ giá và các khoản thuế phải nộp để giảm phần thu nhập chịu thuế.

Theo ông Tín, tỷ giá biến động là tác động từ bên ngoài, các doanh nghiệp cũng sẽ lường trước được khi ký hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên, có thể do khả năng dự báo tỷ giá của doanh nghiệp chưa chuẩn xác, đồng thời mức độ biến động giá của một số ngoại tệ như JPY quá lớn nên doanh nghiệp phát sinh các khoản lỗ ngoài dự tính. Khi đã phát sinh lỗ rồi thì doanh nghiệp sẽ tìm cách tốt nhất để xử lý, giảm thiệt hại cho mình, đồng thời điều tiết kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận cho năm sau.

Quan sát ở góc độ pháp lý, hiện nay theo các quy định tại Thông tư 56/2014 của Bộ Công thương thì các doanh nghiệp khi bán điện cho EVN sẽ căn cứ vào các yếu tố như: Tổng vốn vay ngoại tệ, kế hoạch trả nợ, số liệu trả nợ gốc thực tế, tỷ giá quy đổi đã được hai bên thỏa thuận và tỷ giá quy đổi thực hiện năm liền kề trước... để tính toán mức chênh lệch tỷ giá. Khi 2 bên đã tính toán được mức chênh lệch tỷ giá này, Bộ Công thương sẽ xem xét phương án thanh toán.

Chính quy định trên khiến cho mỗi khi tỷ giá ngoại tệ biến động các tập đoàn lớn như EVN, Vinacomin, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) đều đưa ra đề nghị chuyển phần lỗ tỷ giá vào giá vốn và giá bán điện. Tuy nhiên, điều đáng nói là mỗi năm việc đánh giá chênh lệch tỷ giá ngoại tệ chỉ được EVN thực hiện 2 lần. Trong khi đó, các biến động tỷ giá diễn ra liên tục hàng ngày và các khoản lỗ hoặc lãi từ chênh lệch tỷ giá được các doanh nghiệp chủ động cân đối vào giá vốn và khấu trừ vào thuế trong từng tháng, từng quý. Điều này tạo ra khả năng rằng khi chịu lỗ do tỷ giá các doanh nghiệp lập tức đề xuất tăng giá điện, nhưng khi có lợi từ tỷ giá các doanh nghiệp sẽ không giảm giá điện tương ứng với các khoản lợi từ việc mua nguyên liệu rẻ hoặc áp lực trả nợ trong kỳ thấp hơn.

Như vậy có thể thấy rằng, việc chưa minh bạch trong công bố các con số cụ thể về lỗ và lãi do tỷ giá, cũng như cơ chế hạch toán lỗ tỷ giá vào thu nhập không chịu thuế của doanh nghiệp chính là bình phong để các tập đoàn kinh tế lớn như EVN, Vinacomin uyển chuyển linh hoạt trong việc tính toán lợi nhuận hàng năm. Họ ít chịu áp lực trong việc tìm kiếm phương án giảm lỗ do tỷ giá biến động nên cũng không quá chú trọng đến tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay ngoại tệ, ngay cả việc sử dụng nguồn vốn này ảnh hưởng trực tiếp đến nợ công của đất nước.

Vân Lam

NTD So 77 (284)_Page_15
 

 

Bình luận

Nổi bật

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

Giá nhà ở tại TP.HCM có nguy cơ tiếp tục tăng giá

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:08

Tình trạng mất cân đối cung – cầu khiến tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ tại TP.HCM ngày càn trầm trọng hơn. Dự báo trong tương lai gần, giá nhà ở tại TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao, người dân TP.HCM sẽ ngày càng khó tiếp cận nhà ở.

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

Nutifood tặng 1.000 phần quà dinh dưỡng cho hộ gia đình nghèo huyện Cần Giờ

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

(CL&CS)- Vừa qua, Nutifood thông qua Quỹ Phát triển Tài năng Việt kết hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 4 đã trao tặng 1.000 lon sữa FAMNA với tổng giá trị hơn 450 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và trẻ em khó khăn tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.

Chưa hết khó, ngày bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi vẫn còn xa?

Chưa hết khó, ngày bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi vẫn còn xa?

sự kiện🞄Thứ sáu, 17/05/2024, 13:07

Những khó khăn về điều kiện pháp lý, nguồn vốn, niềm tin của nhà đầu tư đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi những phân khúc khác đã phát đi những tín hiệu tích cực thì riêng phân khúc này vẫn “nằm im”.