Thứ năm, 17/03/2022, 16:03 PM

Bị siết trái phiếu, doanh nghiệp bất động sản loay hoay tìm nguồn vốn thay thế

(CL&CS) - Sau khi bị Ngân hàng Nhà nước siết van tín dụng, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ cuối năm 2021 đến nay giảm mạnh khiến doanh nghiệp bất động sản phải tìm phương án khác thay thế để huy động vốn.

Trước việc các ngân hàng "lách" quy định siết cho vay vào lĩnh vực nhiều rủi ro mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản để bơm vốn cho doanh nghiệp này. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, tổ chức tín dụng dụng liên quan đến doanh nghiệp bất động sản.

Doanh nghiệp bất động sản phải tìm phương án khác thay thế để huy động vốn sau khi Ngân hàng Nhà nước siết van tín dụng. Ảnh: Tấn Lợi

Doanh nghiệp bất động sản phải tìm phương án khác thay thế để huy động vốn sau khi Ngân hàng Nhà nước siết van tín dụng. Ảnh: Tấn Lợi

Các chuyên gia nhận định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ. Do đó, những cảnh báo rủi ro do sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, động thái siết các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết. Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Điểm nhấn của Thông tư này tập trung vào việc đưa ra quy định chi tiết về trường hợp tổ chức tín dụng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích để tái cơ cấu nợ, góp vốn/mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác cũng như tăng vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp phát hành. 

Thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 1/2022, toàn thị trường tổng cộng có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cùng 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổng giá trị phát hành đạt 25.923 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 80 đợt phát hành, giá trị 65.757 tỷ đồng của tháng 12/2021.

Điểm đáng lưu ý là lượng phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng vẫn dẫn đầu, lần lượt đạt 14.470 tỷ đồng và 7.130 tỷ đồng, chiếm tương ứng 55,8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng cho thấy nhóm này vẫn là nhóm doanh nghiệp “khát vốn” hàng đầu hiện nay, khi rất nhiều dự án mới cần đẩy vốn phát triển. 

Việc các doanh nghiệp giảm mạnh cả về số lượng lẫn giá trị phát hành trái phiếu trong tháng đầu năm nay được lý giải là do tác động của chính sách siết chặt lại hoạt động phát hành trái phiếu từ phía cơ quan quản lý. Hồi tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp theo đó, vào đầu năm 2022, Bộ Tài chính cũng phát đi thông báo đẩy nhanh tiến độ bổ sung, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo đại diện một doanh nghiệp phát hành thành công một lô trái phiếu trong tháng 1/2022, các khung chính sách mới về hoạt động phát hành trái phiếu khiến các doanh nghiệp phải cân nhắc lại việc huy động vốn từ kênh này, thay vào đó bắt đầu “xoay tua” từ các kênh khác như phát hành cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ...

Chẳng hạn, mới đây CTCP Tập đoàn TNT (mã TNT) vừa công bố đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 25,5 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi. Theo ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch HĐQT TNT, sau giai đoạn thuận lợi, kênh trái phiếu hiện không còn dễ dàng, trong khi thị trường chứng khoán đang sôi động nên huy động vốn từ kênh này có lợi hơn. Chưa kể, việc huy động vốn qua thị trường cổ phiếu giúp doanh nghiệp ổn định hơn trong dài hạn.

Tại Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã KBC), sau khi phát hành phát hành thành công lô trái phiếu giá trị 1.000 tỷ đồng hồi giữa tháng 1/2022, doanh nghiệp này đã thông qua phương án bán toàn bộ gần 6 triệu cổ phiếu quỹ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Giao dịch dự kiến thực hiện trên sàn chứng khoán trong quý 1/2022, sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Giá chào bán sẽ không thấp hơn 50.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu bán hết số cổ phiếu quỹ này, KBC có thể thu về tối thiểu gần 298 tỷ đồng.

Cũng vào trung tuần tháng 1/2022, CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (mã AGG) công bố chào bán cho cổ đông hiện hữu 20,7 triệu cổ phiếu và phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu là gần 207 tỷ đồng. Trước đó, An Gia đã lên kế hoạch huy động 300 tỷ đồng trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được bảo đảm bằng tài sản, kỳ hạn 12 tháng kể từ ngày phát hành.

Có thể thấy, trên thị trường hiện nay, trái phiếu luôn là kênh huy động quan trọng, đặc biệt với doanh nghiệp bất động sản. Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), trong năm 2021, giá trị trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp địa ốc đạt hơn 214.440 tỷ đồng, tương đương hơn 9 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2020, mức lãi suất trái phiếu dao động trong khoảng 8-13 %/năm.

Đáng chú ý, tổng giá trị phát hành của nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm 36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp các lĩnh vực. Trong đó, khoảng 29% trái phiếu không có tài sản đảm bảo, hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát lại hoạt động phát hành trái phiếu nhằm hạn chế rủi ro.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong 2 năm 2020 và 2021, số tiền đầu tư vào trái phiếu địa ốc là rất lớn, nếu doanh nghiệp phát hành không đủ nguồn lực trả nợ sẽ dễ dẫn đến vỡ nợ. Theo ông Hiếu, các trái phiếu địa ốc phát hành năm 2021 đến nay do thời gian còn ngắn nên sẽ chưa đối mặt với áp lực trả nợ, đơn vị phát hành vẫn có dòng tiền để trả cho nhà đầu tư, nhất là với các chủ đầu tư đang có dự án triển khai và tạo được dòng tiền. Tuy nhiên, nếu hoạt động kinh doanh kém hiệu quả trong năm 2022 thì những yếu kém sẽ bộc lộ rõ hơn và khi đó, nguy cơ mất khả năng thanh toán cũng trở nên rõ ràng hơn.

Theo ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS, chưa bao giờ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng như năm 2021 và tiềm ẩn nhiều rủi ro nên cần phải siết lại. Có thể nhìn nhận thế này, khi việc siết tín dụng địa ốc được đưa ra thì một số ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu của doanh nghiệp, sau đó cho thế chấp trái phiếu, cổ phiếu. Thực ra, đây là một hình thức đảo nợ, cho nên việc yêu cầu các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu địa ốc từ ngày 15/1/2022 sẽ khiến dòng vốn vào doanh nghiệp bị thắt lại. Và tất nhiên điều này cũng sẽ giúp thị trường sàng lọc bớt các doanh nghiệp yếu khả năng tài chính, đảm bảo tính ổn định, bền vững.

T.L

Bình luận

Nổi bật

Biểu tượng du lịch của Thủ đô Berlin bất ngờ bị chủ chuỗi siêu thị GO thâu tóm với giá 1 tỷ USD

Biểu tượng du lịch của Thủ đô Berlin bất ngờ bị chủ chuỗi siêu thị GO thâu tóm với giá 1 tỷ USD

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 00:09

Toà nhà này đã tồn tại hơn 100 năm, có diện tích 66.000m2, từng là 1 trong 5 trung tâm mua sắm lớn nhất thế giới.

Sáp nhập 1 thị trấn và 2 xã, thành phố được ca ngợi đẹp nhất Việt Nam tiến tới đô thị loại I

Sáp nhập 1 thị trấn và 2 xã, thành phố được ca ngợi đẹp nhất Việt Nam tiến tới đô thị loại I

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 23:00

Sau khi sát nhập 1 thị trấn 2 xã, thành phố biển này sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 305km2, quy mô dân số gần 335.000 người.

Chuyên gia kinh tế cũng 'kinh hãi' giá nhà: '100-120 triệu/m2 bản thân tôi cũng không thể nào mua nổi'

Chuyên gia kinh tế cũng 'kinh hãi' giá nhà: '100-120 triệu/m2 bản thân tôi cũng không thể nào mua nổi'

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 22:54

TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, tốc độ tăng giá của chung cư quá kinh khủng và bản thân ông cũng khó mà mua nổi.