Dữ liệu cũ
Thứ năm, 06/02/2014, 20:00 PM

Bi kịch trợ giá gạo tại Thái Lan

Tại một ngôi làng ở Đông Bắc Thái Lan, cả gia đình Thongma Kaisuan đang đau buồn vì cái chết của ông. Theo gia đình, người nông dân 64 tuổi tự tử vì đã nhiều tháng chưa nhận được tiền từ chính sách trợ giá gạo của Chính phủ.

Nỗ lực kiểm soát giá gạo toàn cầu đã khiến Thái Lan mất ngôi quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và đẩy hàng nghìn nông dân như ông Thongma vào hố sâu nợ nần. Bản thân Thủ tướng Thái Lan cũng đối mặt với một cuộc điều tra về việc điều hành chính sách này.

Hơn 2 năm trước, Thủ tướng Yingluck Shinawatra khởi động chiến dịch bơm tiền vào kinh tế nông thôn bằng cách mua gạo từ nông dân với giá 18.000 baht (550 USD) một tấn, cao gấp rưỡi giá thị trường. Bà Yingluck và các cố vấn cho rằng họ có thể đẩy giá thế giới lên cao nếu găm sản phẩm mua từ nông dân.

Kế hoạch trên dựa trên số liệu cho thấy chỉ có 7% sản lượng gạo thế giới được giao dịch xuyên biên giới. Điều đó có nghĩa nếu nguồn cung bị gián đoạn tại một địa điểm, giá thế giới sẽ chịu ảnh hưởng mạnh. Trên thực tế, năm 2008, một số quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam đã hạn chế xuất khẩu do lo ngại giá gạo trong nước tăng. Việc này đã đẩy giá gạo toàn cầu từ 300 USD một tấn lên hơn 900 USD, theo Ngân hàng Thế giới (WB).

Dù vậy, chương trình của bà Yingluck cũng thành công trên một cấp độ – bơm nguồn tiền dồi dào vào các ngôi làng Thái Lan. Khắp cả nước, người dân đua sắm TV và smartphone, đẩy nợ hộ gia đình lên 80% GDP. Theo Ngân hàng trung ương Thái Lan, đây là mức cao kỷ lục.

Ông Thongma đã vay 400.000 baht (12.000 USD) từ một hợp tác xã nông nghiệp để mua xe cho con rể mở công ty vận tải. “Chúng tôi rất yên tâm khi vay tiền, vì cho rằng chương trình của Chính phủ sẽ tạo ra nguồn thu nhập ổn định”, vợ ông – bà Thongbai Kaisuan cho biết trên Wall Street Journal.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan lại chọn sai thời điểm bắt đầu chương trình. Ngay khi họ rút gạo ra khỏi thị trường thế giới, Ấn Độ bắt đầu phục hồi xuất khẩu sau thời gian dài vắng bóng. Các nước nhập khẩu lớn, như Philippines, cũng bắt đầu tăng sản xuất gạo. Do đó, thay vì tăng, giá gạo toàn cầu lại giảm từ hơn 1.000 USD một tấn năm 2008 xuống 390 USD hiện tại.

Hậu quả là Thái Lan không thể giải phóng được núi gạo găm trong kho với giá gần giá mua. Khoản lỗ trên giấy trong hai vụ thu hoạch đầu tiên, năm 2011 và 2012, đã chạm 4 tỷ USD. Cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan – Pridiyathorn Devakula ước tính nước này đã lỗ tổng cộng 12 tỷ USD. Còn theo Công ty chứng khoán CIMB, Thái Lan mất 9,2 tỷ USD một năm – khoảng 2,5% GDP để chạy chương trình này. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF thì bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng trong dài hạn lên nền kinh tế.

Chiến dịch trợ giá gần đây đã cạn kiệt tiền mặt, khiến khoản chi trả cho các nông dân bị trì hoãn. Nó cũng đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc biểu tình chống Chính phủ tại Thái Lan hiện nay.

Cơ quan chống tham nhũng nước này đang thực hiện một cuộc điều tra có thể khiến bà Yingluck bị buộc tội lờ đi quy mô thất thoát của chương trình trợ giá gạo. Nếu việc đó xảy ra, bà sẽ bị xét xử ở Thượng viện và cách chức Thủ tướng.

Dù vậy, bà Yingluck vẫn bảo vệ chương trình của mình. Bà cho rằng nó đã giúp tăng thu nhập của người dân nông thôn và đổ lỗi cho những người biểu tình khiến chương trình này bị đình trệ.

Một số ngân hàng quốc doanh đang ngần ngại cấp vốn cho chương trình này, do áp lực chính trị lên bà Yingluck ngày càng tăng. Đợt phát hành trái phiếu ngay trước làn sóng biểu tình gần đây nhất chỉ giúp Chính phủ thu về gần một nửa trong số 75 tỷ baht dự kiến. Hôm 4/2, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết cuộc điều tra bà Yingluck đã khiến một cơ quan nhà nước Trung Quốc hủy kế hoạch mua 1,2 triệu tấn gạo từ Thái Lan.

Hiện nay, rất nhiều nông dân Thái Lan đang đòi lại gạo đã bán cho Chính phủ để bán lại trên thị trường tự do. Những người khác thì phong tỏa các đường phố để gây áp lực buộc Chính phủ trả tiền.

Sa-art Kaisuan – một người họ hàng của Thongma cho biết ông từng đợi Chính phủ 15-20 ngày mới nhận được tiền. Lần này, ông cho biết đã đợi 4 tháng và chẳng biết bao giờ tiền mới tới tay. “Chúng tôi cần thuê máy kéo và mua phân bón. Tôi đang phải vay tiền để sống sót. Chắc là phải tập quen với việc này thôi”, ông nói.

Tuy nhiên, với một số người, gánh nặng với họ là quá lớn. Ngày 27/1, một nông dân ở Sisaket đã treo cổ tự tử do không nhận được khoản tiền cho số gạo đã bán cho Chính phủ.

Thongma cũng không nhận được tiền suốt 4 tháng nay. Ông phải vay tiền mua xe cho con rể và khoản tiền tiết kiệm cũng hao hụt nhanh chóng. “Khi Chính phủ ngừng trả tiền, ông ấy chẳng ăn uống được gì, ngủ cũng không ngon giấc. Ông ấy không ngừng lo lắng về việc đó. Áp lực này quá lớn”, bà Thongbai cho biết.

Hà Thu

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.