Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 21/11/2015, 06:48 AM

BĐS 2016: M&A sẽ là tâm điểm

(NTD) - Từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS không những chứng kiến sự quay trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại, mà các doanh nghiệp nội có tiềm lực tài chính và uy tín cũng đang nổi lên như những tay chơi mới khi “thâu tóm” hàng loạt các dự án “trùm mền” nhiều năm khiến thị trường càng trở nên sôi động.

Nhộn nhịp M&A

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) và hợp tác đầu tư dự án diễn ra khá nhộn nhịp, một phần là do chu kỳ phát triển tất yếu và tốt của thị trường. TP.HCM được coi là "mỏ vàng" cho hoạt động M&A bất động sản (BĐS) bùng nổ và dòng vốn đổ vào đây mạnh nhất hầu hết đều đến từ châu Á.

Mở đầu các thương vụ M&A trong năm 2015 là Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã thâu tóm 70% cổ phần của tòa nhà Diamond Plaza 22 tầng được khánh thành vào tháng 8/2000.

Tháng 6/2015, Gaw Capital Partners (Hồng Kông) đã bỏ ra 110 triệu USD mua lại 4 dự án từ Indochina Plaza. Trước đó, hai nhà đầu tư Nhật Bản là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad đã chi 500 tỷ đồng để sở hữu dự án Flora Anh Đào của Nam Long.

Sau quá trình tìm hiểu thị trường, tháng 7/2015, Quỹ Creed Group (Nhật Bản) cũng đã quyết định rót 200 triệu USD đầu tư vào An Gia Investment. Mới đây nhất, cuối tháng 10 Quỹ đầu tư Singapore Genesis Global Capital cam kết đầu tư 300 triệu USD vào Phúc Khang Group. Hay Gamuda Land, một nhà phát triển bất động sản lớn của Malaysia cũng mạnh tay chi tới 1.400 tỷ đồng để mua Celadon City của Saomreal và Thành Thành Công…

BĐS 2016 M&A sẽ là tâm điểm
Thị trường BĐS TP.HCM đang hấp dẫn vốn ngoại.

Sống dậy những dự án chết

Nhanh tay hơn cả các tay chơi ngoại chỉ vừa mới bắt đầu trở lại, một số đại gia địa ốc trong nước như Vingroup, Novaland, Hưng Thịnh, Đất Xanh đã âm thầm “thâu tóm” dự án ngay từ khi thị trường còn đóng băng.

Điển hình là Novaland, nhà phát triển BĐS hàng đầu ở TP.HCM hiện nay, đã và đang tiếp tục gia tăng lượng hàng mang thương hiệu đơn vị này với 25 dự án BĐS. Tiếp đó là CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt cũng đã mua lại khu đất “bất động” trị giá hơn 500 tỷ đồng ở Q.5 của Công ty Đức Khải nhằm phát triển dòng căn hộ cao cấp mang thương hiệu The Everrich.

Tương tự, Hưng Thịnh Corp cũng chi tới 2.000 tỷ đồng để thâu tóm hàng loạt các dự án chết để phát triển dòng sản phẩm mang thương hiệu 8X. Họ cũng đã M&A thành công các dự án như Sky Center tại Tân Bình, Melody Residences tại Tân Phú, Florita tại Q.7. Trong khi đó An Gia Investment cũng công bố đã mua được 2 dự án ở khu Nam TP.HCM, chuẩn bị phát triển căn hộ và bung hàng trong năm nay…

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn CBRE Việt Nam cho biết: “Thị trường M&A đã góp phần đem lại nguồn vốn đầu tư cho những dự án đi chậm trước đây. Bên cạnh đó, nhằm mục đích tái cơ cấu vốn và sản phẩm, các chủ đầu tư có dự án tồn đọng đã quyết đoán “đẩy hàng”. Chính vì vậy, những dự án đang bị “đắp chiếu” đang và sẽ sớm được thâu tóm hoặc tái triển khai nhờ dòng vốn đầu tư mới đang chảy vào thị trường. Các yếu tố như chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường, kinh tế vĩ mô tích cực, hạ tầng phát triển cùng các hiệp định thương mại quốc tế sẽ là động lực cho các dự án hồi sinh”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Công ty Savills Việt Nam, cho rằng: “Để hồi sinh dự án chết, một số doanh nghiệp phát triển dự án cũng đã chủ động tìm kiếm những cơ hội hợp tác dưới những hình thức khác nhau với cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài. Dự kiến trong thời gian tới, những cải cách chính sách liên quan và các yếu tố tích cực về môi trường đầu tư cùng với hiệp định TPP được ký kết sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa”.

Hiện nay, TP.HCM có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, 189 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công (nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18%). Đây cũng là một nguồn dự án tiềm năng cho hoạt động M&A trong thời gian tới.

Có thể nói, sự sôi động trở lại của thị trường BĐS là một trong những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư, các nhà đầu tư nội lẫn ngoại “truy lùng” mua dự án. Những nhà đầu tư ôm hàng tồn kho lâu, thiếu vốn… cũng xem đây là cơ hội để vớt vát, thoái vốn, tái cơ cấu danh mục đầu tư và có nguồn lực để rót vào các dự án mới.

Hiệp hội BĐS TP.HCM nhận định sự “vùng lên” của các doanh nghiệp nội phần nào thể hiện nổi bật vai trò thống lĩnh của các doanh nghiệp trong nước và đang dần dần hình thành những tập đoàn phát triển BĐS lớn cả về quy mô hoạt động, năng lực tài chính lẫn sản phẩm đa dạng. Thông qua M&A, các doanh nghiệp BĐS cũng đã giải quyết được một phần hàng tồn kho, nợ xấu trên thị trường.

Tấn Lợi

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.