Dữ liệu cũ
Chủ nhật, 02/08/2015, 11:00 AM

Bạo lực và nỗi đau

(NTD) - Thời gian gần đây, việc học sinh dùng hung khí đánh nhau trước cổng trường, trong trường học, học sinh nữ đánh hội đồng… xảy ra ngày càng dày đặc hơn, gây bức xúc lớn cho dư luận xã hội.

Người ta chưa hết hoảng sợ khi phanh phui chuyện học sinh trùm áo đánh hội đồng một nữ lớp trưởng ở Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu ở thành phố Châu Đốc, An Giang mới đây. Dư luận cũng chưa quên video quay cảnh hành hạ dã man một nữ sinh ở Trường Trần Nhân Tông, Hà Nội. Cảnh đánh hội đồng của các nữ sinh Trường PTTH Lục Nam, Bắc Giang. Cuộc ẩu đả bằng giày cao gót của một nhóm nữ sinh ở Phú Thọ. Cảnh loạn đả của nữ sinh trung học Hưng Yên. Vụ án mạng ở một trường trung học Đồng Nai mà nguyên nhân chỉ là một xích mích nhỏ trong lớp. Và chuyện học sinh đánh đấm, đâm chém nhau không ai giải quyết nổi ở một trường tại TP.HCM khiến hiệu trưởng bất lực phải xin từ chức năm ngoái…

Bao luc hoc duong
 

Vấn nạn trên không chỉ làm đau lòng các bậc phụ huynh mà còn là nỗi lo lắng không nguôi của những nhà quản lý giáo dục, quản lý xã hội. Dư luận và các cơ quan truyền thông đại chúng đã lên tiếng. Trách nhiệm ấy trước hết thuộc về nhà trường, đương nhiên. Ngành giáo dục của chúng ta trong khi mải mê chạy theo cuộc đua thành tích bất tận về kết quả học tập đã bỏ quên vai trò giáo dục đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân. Việc học chữ, học văn hóa vẫn được đặt lên trên nhiệm vụ trung tâm là hình thành nhân cách và lối sống trong sáng, lành mạnh. Chúng ta giáo dục cho học sinh yêu chế độ, yêu đất nước, nhưng lại quên không giáo dục các em tình yêu gia đình, cha mẹ, tình yêu giữa con người và con người... cái gốc của chủ nghĩa nhân văn. Thiếu cái gốc cơ bản ấy, trong bụng dù một bồ chữ nghĩa, các em rất dễ rơi vào tình trạng phi chuẩn, chạy theo chủ nghĩa cá nhân bản năng, dễ lạc hướng trong hành động. Đó là chưa kể tình trạng “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, thầy cô giáo chưa thực sự thành tấm gương hoặc là tấm gương xấu kiểu Sầm Đức Xương đang tàn phá môi trường giáo dục và làm đổ vỡ niềm tin của nhiều thế hệ học trò.

Nhưng gia đình phụ huynh chúng ta không vô can. Chúng ta vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm. Việc bỏ tiền, chạy vào trường chuyên, lớp chọn, đầu tư học thêm, quá coi trọng điểm cao văn hóa… coi nhẹ đạo đức, đã ảnh hưởng xấu đến tâm hồn trong trắng của các em. Nhiều gia đình bố mẹ chỉ lo làm ăn, khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường. Sự sụp đổ của cơ chế gia đình, những cuộc ly hôn xảy ra như cơm bữa và nạn bạo hành gia đình đang gia tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách các em. Đó là chưa kể con đường làm giàu đầy bất chính của nhiều bậc phụ huynh, thái độ ứng xử trọc phú với phương châm “hy sinh đời bố củng cố đời con”… đã nhuộm đen tâm hồn nhiều cậu ấm cô chiêu thời nay; dẫn đến những định hướng méo mó trong việc hình thành nhân cách.

Vậy còn vai trò của xã hội? Có thể nói không ngoa rằng xã hội cũng có trách nhiệm không nhỏ trong vấn nạn bạo lực học đường. Cái ác, cái xấu, cái sai, cái bất nghĩa, vô đạo đức… tràn lan hàng ngày một cách trắng trợn đã trở thành những con mọt đục rỗng tâm hồn trong trắng của các em. Chuyện tham nhũng xảy ra thường xuyên của các quan chức, các bậc đức cao vọng trọng đã khiến các em rơi vào cuộc khủng hoảng lòng tin, sụp đổ thần tượng. Chuẩn mực đạo đức cũ phong kiến đã sụp đổ. Chuẩn mực đạo đức mới chưa trở thành những tiêu chí có đủ độ vững chãi. Mà, cho dù có vững chãi đi chăng nữa thì nó cũng rất dễ bị đánh trốc gốc cùng với sự bất công về thu nhập trong xã hội, sự chênh lệch giàu nghèo giữa các bộ phận dân cư, nhất là đối với người thầy - những người đang đi đầu sự nghiệp trồng người.

Dư luận lên tiếng gay gắt nhưng hình như chưa bao giờ vấn đề được đặt ra trên bàn nghị sự của các cơ quan công quyền. Một nghị quyết của cơ quan lập pháp, hay hành pháp chẳng hạn. Chưa có một cơ quan nào đứng ra phân tích nghiêm túc vấn nạn trên và khắc phục nó như thế nào. Báo động nhưng không hành động nên câu khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn” vẫn chỉ là câu khẩu hiệu, không hơn. Có cảm giác học sinh vẫn bị bỏ rơi về an toàn thân thể khi cắp sách tới trường.

Nhưng cái hậu họa của nó liệu chỉ dừng ở học đường? Và, dư luận chợt giật mình: có gì liên quan giữa vụ thảm án giết 6 người ở Bình Phước, tàn sát 4 người ở Tương Dương, Nghệ An và chuyện bạo lực đang diễn ra như cơm bữa ở học đường hiện nay không?

 Dương Trọng Dật

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.