Dữ liệu cũ
Thứ bảy, 18/06/2016, 19:45 PM

Bài toán sở hữu chéo vẫn chưa có lời giải

(NTD) - Theo quy định của Thông tư 36 thì đến tháng 2/2016 các ngân hàng chỉ được sở hữu 2 tổ chức tín dụng (TCTD) với số cổ phần phải dưới 5%. Tuy thời hạn đã qua nhưng tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng vẫn diễn ra khá phức tạp.

Thông tư 36 chưa “cản” được sở hữu chéo

ngan hàn
Câu chuyện sở hữu chéo của ngành ngân hàng vẫn diễn ra khá phức tạp mặc dù thời gian quy định của Thông tư 36 đã hết hạn.

Một trong những nội dung quan trọng của Thông tư 36 được ban hành cách đây hơn một năm là nhằm giảm sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Thông tư 36 quy định: Một ngân hàng thương mại chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó, đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó, trừ trường hợp TCTD là công ty con của ngân hàng hoặc ngân hàng tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Theo lộ trình, các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác hoặc nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của các TCTD đó phải tính đến việc thoái vốn trong vòng 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015). Tuy nhiên, tính đến nay đã quá thời hạn trên 3 tháng nhưng ma trận sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng vẫn còn rất phức tạp.

Bốn ngân hàng lớn có sở hữu nhà nước chiếm đa số là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đều đang sở hữu vốn tại các ngân hàng TMCP khác.

Trong đó, Vietcombank hiện đang nắm giữ vốn cổ phần tại nhiều TCTD nhất với 4 ngân hàng TMCP và 1 công ty tài chính: 8,24% tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank); 7,04% tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB); 4,72% tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB); 4,37% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) và 10,91% tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC). Như vậy, Vietcombank phải lựa chọn chỉ giữ lại 2 TCTD và phải thoái vốn về dưới 5%. Tuy nhiên, thời hạn đã hết mà động thái của ngân hàng này vẫn đang dừng ở mức “nghiên cứu” và trình phương án.

BIDV hiện sở hữu 10,39% tại Saigonbank, 65% tại Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LVB), 50% tại Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB).

Mới đây nhất, cũng nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36, VietinBank đã đăng ký bán đấu giá gần 17 triệu cổ phiếu Saigonbank (tương đương 5,48% vốn điều lệ) để giảm sở hữu xuống 15,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với 4,91% vốn của ngân hàng này. Thời gian dự kiến thực hiện là quý 2/2016 với giá khởi điểm là 10.800 đồng/cổ phần.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng TMCP cũng đang nắm giữ khá nhiều cổ phần tại các TCTD khác. Ví dụ, Eximbank có vốn cổ phần của Vietcombank nhưng lại đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank)...

Kể từ đầu năm 2016 đến nay, thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu ngân hàng nhằm giảm sở hữu chéo được đánh giá thành công nhất thuộc về Maritime Bank khi bán thành công 64,2 triệu cổ phiếu MB (tương đương 4% vốn điều lệ của ngân hàng này) cho nhóm nhà đầu tư nước ngoài thuộc quỹ Dragon Capital vào ngày 19/2/2016. Nhờ thương vụ này, Maritime Bank thu về gần 1.000 tỷ đồng, đồng thời giảm tỷ lệ nắm giữ MB xuống mức 4,96% (dưới quy định 5% theo Thông tư 36).

Hạn chế việc “lũng đoạn” ngân hàng

Trên bình diện hệ thống chung, giảm sở hữu chéo chính là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao năng lực tài chính cũng như tính minh bạch của toàn hệ thống. Theo mục tiêu của NHNN, đến năm 2020 toàn hệ thống sẽ thu hẹp chỉ còn từ 15-17 ngân hàng TMCP với năng lực tài chính đủ mạnh, có thể cạnh tranh với ngân hàng các nước trong khu vực.

TS. Nguyễn Minh Phong cho biết, sở hữu chéo luôn có tác động hai mặt đối với nền kinh tế và với bản thân chủ thể các ngân hàng, doanh nghiệp. Nó có thể góp phần cải thiện năng lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, thúc đẩy quản trị kinh doanh tốt hơn, mở rộng quy mô thị trường. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sở hữu chéo gây nhiều hệ lụy khôn lường về cả vi mô lẫn vĩ mô, nhất là khi sở hữu chéo bị lạm dụng để phục vụ lợi ích nhóm hay để che giấu tình trạng “ọp ẹp” về tài chính của ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan.

Với những tác động như thế, trong nhiều năm qua, NHNN đã ban hành nhiều văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý các hình thức sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu vốn giữa các TCTD. Như trên đã nói, các công việc này đến nay vẫn còn ngổn ngang tứ bề bởi nguyên nhân đến từ bản thân các TCTD cũng như chính cơ quan quản lý.

Một số ý kiến cho rằng, để có thể kiểm soát tốt tình trạng sở hữu chéo thì cần kiểm soát tốt dòng tiền trong và ngoài hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì một mình NHNN khó có thể làm được mà phải tìm được sự đồng thuận của cả xã hội. Trong đó, TCTD phải kiểm soát tốt dòng tiền mình cấp ra cho ai, đúng mục đích, đối tượng hay không và hiệu quả cụ thể như thế nào để sẵn sàng điều chỉnh ngay.

Các bộ ngành, đặc biệt là công an cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thanh tra giám sát trong vấn đề điều tra, nghiên cứu, phản ánh, trao đổi thông tin để có được bức tranh hoạt động tín dụng theo đúng như quy định của NHNN.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để biết được nhà đầu tư mua, nắm giữ cổ phần cũng như việc họ lấy tiền ở đâu. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu của họ tại các ngân hàng như thế nào, để từ đó hạn chế câu chuyện người liên quan lũng đoạn ngân hàng.

Vân Lam

NTD So 55 (236)_Page_19
 

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.