Yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt theo quy chuẩn

(CL&CS) - Theo quy định, phương tiện giao thông đường sắt phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 15:2023/BGTVT.

Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, toa xe động lực, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt (sau đây gọi tắt là phương tiện). Trong đó, Phương tiện chuyên dùng là ô tô ray, goòng máy, cần trục, máy chèn đường, máy kiểm tra đường và phương tiện khác có thể di chuyển trên đường sắt.

Theo quy định ở Việt Nam, bất kỳ phương tiện tham gia giao thông nào cũng cần có những quy chuẩn nhất định nhằm kiểm soát, cho phép người dân tham gia giao thông một cách an toàn và tốt nhất, đặc biệt với đường sắt. Do đó, theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 15:2023/BGTVT về yêu cầu an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 30/2023/TT-BGTVT ngày 03 tháng 11 năm 2023 các yêu cầu kỹ thuật và việc kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường sắt khi kiểm tra định kỳ, hoán cải và nhập khẩu đã qua sử dụng có mã HS theo quy định tại Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, thể hiện ở Phụ lục A kèm theo Quy chuẩn này.

Quy chuẩn này không áp dụng đối với phương tiện đường sắt tốc độ cao, phương tiện giao thông đường sắt của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và toa xe đường sắt đô thị hoán cải, nhập khẩu đã qua sử dụng. Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng, nhập khẩu, hoán cải, khai thác, kiểm tra và chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt thuộc phạm vi điều chỉnh tại điểm 1.1 của Quy chuẩn này.

Phương tiện giao thông đường sắt phải đảm bảo theo quy chuẩn quy định để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Quy chuẩn quốc gia yêu cầu các cơ sở sửa chữa, chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện, nhà sản xuất cung cấp và chịu trách nhiệm về nội dung khai báo, tính hợp pháp của báo cáo kiểm tra phương tiện bản khai thông tin phương tiện được quy định tại Quy chuẩn này.

Về kích thước đường bao mặt cắt ngang lớn nhất của phương tiện thì đối với phương tiện vận hành trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia phải phù hợp với khổ giới hạn đầu máy toa xe tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khai thác đường sắt QCVN 08:2018/BGTVT.

Đối với phương tiện vận hành trên đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng không nối ray với đường sắt quốc gia có đi qua khu dân cư, giao cắt với đường bộ thì đường bao mặt cắt ngang lớn nhất tại mọi vị trí không vượt quá khổ giới hạn phương tiện của tuyến đường sắt. Số hiệu phương tiện phải phù hợp với báo cáo kiểm tra.

Quy chuẩn cũng yêu cầu đầu máy, toa xe khách sau khi sửa chữa định kỳ vận hành thử phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật phương tiện. Quãng đường vận hành thử tối thiểu 100 km đối với đường sắt quốc gia, 50 km đối với đường sắt chuyên dùng. Phương tiện hoán cải vận hành thử theo quy định của tài liệu kỹ thuật phương tiện.

Phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng vận hành thử trên hệ thống đường sắt dự kiến khai thác tối thiểu 100 km đối với đường sắt quốc gia, 50 km đối với đường sắt chuyên dùng, đảm bảo thông qua được độ dốc lớn nhất, bán kính đường cong thông qua nhỏ nhất, tốc độ phù hợp với tuyến đường khai thác.

Tải dùng để vận hành thử phải có khối lượng tương đương với trọng tải toa xe hoặc khối lượng kéo của đầu máy. Toa xe khách trong quá trình vận hành thử không được chở hành khách, trường hợp cần xếp tải để đánh giá độ bền kết cấu thép, hiệu quả hãm phải sử dụng tải có khối lượng tương đương với trọng tải toa xe. Đối với phương tiện hoán cải phải phù hợp với nội dung tương ứng quy định tại điều 2 của Quy chuẩn này.

Thiết bị chống ngủ gật, thiết bị ghi tốc độ và dữ liệu đoàn tàu (nếu có) và đồng hồ báo tốc độ phải hoạt động bình thường. Bình cứu hỏa phải còn hạn sử dụng.Thiết bị báo cháy (nếu có) phải hoạt động bình thường.

Quy định về quản lý, Quy chuẩn quy định việc kiểm tra, chứng nhận phương tiện giao thông đường sắt khi kiểm tra định kỳ, hoán cải, nhập khẩu đã qua sử dụng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT ngày 14/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về việc kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 29/2018/TT-BGTVT.

Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sửa chữa, bảo dưỡng, nhập khẩu, hoán cải, khai thác phương tiện phải đảm bảo các điều kiện kiểm tra phương tiện; thực hiện và chịu trách nhiệm về nội dung trong các báo cáo kiểm tra, bản khai thông tin phương tiện theo quy định tại Phụ lục F, đảm bảo tuân thủ các quy định của Quy chuẩn này; tổ chức kiểm soát chất lượng an toàn phương tiện trong quá trình vận hành.

Trong trường hợp các văn bản, tài liệu được viện dẫn trong Quy chuẩn này có thay đổi, bổ sung về các nội dung liên quan hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định trong văn bản mới.

Quy định mới về kiểm tra chất lượng phương tiện đường sắt

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 01/2024/TT-BGTVT quy định về việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt. Theo Thông tư, các loại hình kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Kiểm tra sản xuất, lắp ráp; kiểm tra nhập khẩu; kiểm tra hoán cải; kiểm tra định kỳ.

Cụ thể, kiểm tra sản xuất, lắp ráp được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện sản xuất, lắp ráp mới; kiểm tra nhập khẩu được thực hiện đối với thiết bị, phương tiện nhập khẩu mới, phương tiện nhập khẩu đã qua sử dụng; kiểm tra hoán cải được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng.

Kiểm tra định kỳ được thực hiện đối với phương tiện chạy trên đường sắt quốc gia, phương tiện chạy trên đường sắt chuyên dùng, phương tiện chạy trên đường sắt đô thị, thiết bị tín hiệu đuôi tàu. Chu kỳ kiểm tra định kỳ được quy định rõ theo loại phương tiện, thời gian khai thác. Đơn cử, với phương tiện nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp mới trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, chu kỳ kiểm tra đầu của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 28 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 36 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt quốc gia dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe khách là 14 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng.

Phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, thì chu kỳ kiểm tra định kỳ của đầu máy, phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe khách là 12 tháng, của toa xe hàng, phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Với phương tiện đã khai thác trên đường sắt đô thị dưới hoặc bằng 30 năm tính từ năm sản xuất, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 18 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 14 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 20 tháng. Với phương tiện khai thác trên 30 năm tính từ năm sản xuất và còn niên hạn sử dụng, chu kỳ kiểm tra định kỳ của phương tiện chuyên dùng tự hành là 15 tháng, của toa xe đường sắt đô thị là 12 tháng, của phương tiện chuyên dùng không tự hành là 15 tháng.

Thông tư cũng quy định chủ phương tiện, chủ khai thác phương tiện có trách nhiệm thực hiện kiểm tra tình trạng hoạt động của phương tiện để phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi tham gia giao thông; chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo dưỡng bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giữa hai kỳ kiểm tra của cơ quan kiểm tra...Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/3/2024.

TIN LIÊN QUAN