Xuất khẩu tôm sang Anh dự báo phục hồi sớm hơn các thị trường khác

(CL&CS) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới tháng 10/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 159 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm.

Anh là thị trường đơn lẻ lớn thứ 6 về nhập khẩu tôm của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 5,6% trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường.

Theo VASEP, tính từ đầu năm tới nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh không ổn định, tăng giảm thất thường tuy nhiên Anh vẫn được đánh giá là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam với nhiều ưu đãi trong quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Từ năm 2020 đến 2022, xuất khẩu tôm sang Anh dao động trong khoảng từ 222 triệu USD - 243 triệu USD. Xuất khẩu trong năm 2020 ghi nhận tăng trưởng 20%, sau đó số liệu xuất khẩu trong năm 2021 và 2022 ghi nhận giảm nhẹ 3-5%.

Nằm trong khu vực EU, Anh cũng phải đối mặt với tác động của lạm phát tăng cao và bất ổn kinh tế giai đoạn từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, cũng theo VASEP, mức giảm 18% trong xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh trong 10 tháng đầu năm nay cũng không mạnh như xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tôm chiếm khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ thủy sản tại thị trường Anh. Đối với khu vực nhà hàng hay dịch vụ ăn uống, tôm cũng là nguyên liệu khá phổ biến, với khoảng 61% các cơ sở kinh doanh này tại Anh. Ngoài ra, tôm cũng được ưa chuộng trong các nhà hàng Ấn Độ, Trung Quốc, với các món cuốn, súp, há cảo, màn thầu…

Tại thị trường Anh, Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất, nhưng phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ấn Độ và Ecuador.

Theo số liệu của ITC, 3 quý đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Anh từ Ấn Độ và Ecuador giảm nhẹ lần lượt 12% và 3% so với cùng kỳ trong khi nhập khẩu tôm từ Việt Nam giảm 18%. Anh tăng 10% nhập khẩu tôm nước lạnh từ Greenland. 3 quý đầu năm nay, nhập khẩu tôm của Anh đạt 563 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng tôm nói riêng đã dần thích nghi với những cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, người tiêu dùng Anh luôn lựa chọn những sản phẩm có những tiêu chuẩn cao do các cơ quan chức năng ở Anh và EU cấp về chất lượng sản phẩm, về nguồn gốc, tính bền vững của sản phẩm, thân thiện với môi trường và tiện dụng. Vì vậy, để có thể tăng mạnh thị phần thủy sản nói chung và tôm nói riêng ở thị trường Anh, các sản phẩm Việt Nam cần phải đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, hình thức và khẩu vị.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong thời gian tới, thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa tại Vương quốc Anh không thể tránh khỏi ảnh hưởng của các yếu tố tác động từ diễn biến thương mại hàng hóa toàn cầu. Lạm phát gia tăng cũng khiến giá cả các loại hàng hóa trở thành mối bận tâm cho người tiêu dùng. Hoạt động nhập khẩu thủy sản cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng do các khó khăn về chi phí hay vận chuyển hàng hóa.

Minh chứng là từ tháng 11, ảnh hưởng của các yếu tố bất ổn trên thị trường hàng hóa toàn cầu đã phản ánh lên kết quả xuất khẩu ngành hàng thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng, khiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản chững lại và rơi xuống mức âm, chỉ đạt khoảng 780 triệu USD, tạo ra nhiều lo ngại cho mục tiêu tăng trưởng của năm 2023.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, về dài hạn, với đặc điểm của thị trường và nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng với các mặt hàng thủy sản, Vương quốc Anh vẫn sẽ là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cũng đã dần thích nghi với những cam kết, khả năng tận dụng những ưu đãi tăng lên sẽ nâng cao tính cạnh tranh tại thị trường UK. Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tập trung vào các nhóm hàng chủ lực là tôm, cá tra, cá ngừ.

“Dự báo xuất khẩu tôm sang thị trường Vương quốc Anh giai đoạn 2022-2025 có thể hồi phục và duy trì tăng trưởng dương trung bình khoảng trên 10%/năm”- nhận định của Cục xuất nhập khẩu.

TIN LIÊN QUAN