Xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho sản phẩm thạch dừa

(CL&CS) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã đề xuất xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP) “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP”, nhằm đảm bảo ATTP và nâng cao chất lượng, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm thạch dừa tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre đã đề xuất xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCKTĐP) “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP”, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) và nâng cao chất lượng, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm thạch dừa tỉnh.

Căn cứ các quy định hiện hành, ngày 29/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng QCKTĐP “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP”. Mục đích là góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống QCKTĐP về ATTP trên địa bàn tỉnh; tạo cơ sở pháp lý để quản lý nhà nước về ATTP. Từ đó, nâng cao chất lượng và thương hiệu cho sản phẩm thạch dừa tỉnh; góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Quá trình xây dựng và ban hành QCKTĐP “Sản phẩm thạch dừa Bến Tre - Yêu cầu về ATTP” gồm 9 bước, được thực hiện từ quý III-2022 và dự kiến ban hành QCKTĐP vào quý III-2024. Đáng chú ý là bước “Khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất, kinh doanh; lấy mẫu phân tích chất lượng và ATTP sản phẩm thạch dừa”.

Ảnh minh hoạ

Từ các mẫu lấy làm xét nghiệm, gồm: thạch dừa thô 64 mẫu, thạch dừa thành phẩm 4 mẫu và phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến 24 mẫu, cơ quan chức năng tiến hành đánh giá chỉ tiêu kiểm nghiệm. Thực hiện phân tích mẫu thạch dừa thô theo các chỉ tiêu: kim loại nặng, vi sinh vật, độc tố nấm. Thực hiện phân tích mẫu thạch dừa thành phẩm theo các chỉ tiêu: kim loại nặng; vi sinh vật (8 chỉ tiêu); dư lượng phụ gia.

Thực hiện phân tích mẫu phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến theo các chỉ tiêu: Kim loại nặng: Pb, Cd, As (QCVN 8-2:2011/BYT). Đồng thời, xem xét công tác nội kiểm, ngoại kiểm và quy trình sản xuất thạch dừa để xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thạch dừa của cơ sở.

Được biết, bên cạnh việc lấy ý kiến về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật đối với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Sở Y tế, UBND các huyện và TP. Bến Tre, các cơ sở tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm thạch dừa trên địa bàn tỉnh; tỉnh dự kiến một số cơ quan quản lý có liên quan bắt buộc phải lấy ý kiến về dự thảo quy chuẩn kỹ thuật gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Thông báo và Hỏi đáp quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Văn phòng TBT Việt Nam).

Tính đến cuối tháng 3-2024, toàn tỉnh có khoảng 259 cơ sở sản xuất thạch dừa tập trung chủ yếu tại các huyện: Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm và TP. Bến Tre. Trong đó, đa số các cơ sở sản xuất thạch dừa thô (sản phẩm này chưa ăn được) quy mô hộ gia đình. Khoảng 10 cơ sở sản xuất, kinh doanh thạch dừa thành phẩm (ăn liền). Sản lượng thạch dừa thô hàng năm của tỉnh ước đạt hơn 100 ngàn tấn.

TIN LIÊN QUAN