Vốn FDI chảy mạnh vào bất động sản, dòng tiền sẽ “rẽ” sang phân khúc nào?

Trong 11 tháng năm 2024, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư FDI đăng ký mới khi đạt gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong khi đó, theo đánh giá, bên cạnh căn hộ thì dòng tiền được cho là sẽ hướng đến các sản phẩm thấp tầng của các chủ đầu tư uy tín, đã đủ điều kiện bán hàng hoặc đã bàn giao, có sổ trên thị trường thứ cấp...

Bất động sản đón dòng vốn FDI lớn

Theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là ngành bán buôn, bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD.

Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch mua phần vốn góp (chiếm 42,4%). Trong khi đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 64,4%).

Thống kê cho thấy, có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm nay.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản…

Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 22,4%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 25%).

Nguồn vốn FDI chảy vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng qua. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ.

TP.HCM đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Các vị trí kế tiếp lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương…

Còn nếu xét về số dự án, TP.HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,3%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,7%) và góp vốn mua cổ phần (chiếm 70,9%).

Sau 11 tháng, vốn thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Dòng tiền “rẽ” vào đâu?

Theo nhận định của VARS, trong bối cảnh thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, nguồn cung vẫn còn khan hiếm, phân khúc căn hộ vẫn sẽ tiếp tục là lựa chọn hấp dẫn, ít rủi ro cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trên cơ sở cân nhắc kỹ những yếu tố vĩ mô, dòng tiền sẽ dần “rẽ" hướng sang các loại hình khác bởi nhiều yếu tố. Đầu tiên là vị trí - yếu tố quyết định giá trị và tiềm năng tăng giá của bất động sản. Theo đó, xu hướng đầu tư có thể hướng đến các sản phẩm gần trung tâm, tại các địa phương có tăng trưởng kinh tế tốt, phát triển gắn liền với các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ; có hạ tầng giao thông thuận lợi, gần các tiện ích như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và khu vui chơi giải trí.

Tiếp đến là tiềm năng phát triển. Các bất động sản ở khu vực có chủ trương phát triển và quy hoạch hiệu quả, có chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông đô thị sẽ có tiềm năng tăng giá rõ ràng. Cùng với đó, các sản phẩm bất động sản có pháp lý sạch, đã có sổ đỏ/sổ hồng hoặc các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp... cũng có khả năng thu hút dòng tiền.

VARS cho rằng, nhu cầu đầu tư vẫn đang trong xu hướng phục hồi bởi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.8. Tuy nhiên, thị trường sẽ cần thời gian để “thẩm thấu" hoàn toàn nội dung của các luật này. Vì vậy, ngoài phân khúc căn hộ, trong ngắn hạn, dòng tiền sẽ dần "rẽ" đến các sản phẩm "sẵn sàng" giao dịch và sở hữu các yếu tố nói trên.

Đầu tiên phải phải kể đến các sản phẩm thấp tầng của các chủ đầu tư uy tín, đã đủ điều kiện bán hàng hoặc đã bàn giao, có sổ trên thị trường thứ cấp. Tiếp theo, là loại hình đất nền với lợi nhuận hấp dẫn. Các lô đất đã tách thửa, ở các khu vực phát triển gắn liền với công nghiệp, thương mại dịch vụ, có hạ tầng hoàn thiện, mặt bằng giá chưa quá cao sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư “săn đón”.

Hấp dẫn nhất là loại hình đất đấu giá, tại các khu đô thị, khu dân cư bởi đây là loại hình đất sạch, không dính đến tranh chấp, kiện tụng, không bị lấn chiếm và không có cho thuê, đặc biệt là có sổ đỏ, hạ tầng sẵn. Nhà đầu tư có thể dễ dàng xây nhà tại các mảnh đất này để cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng.

VARS nhận định, việc lựa chọn “đúng", không những giúp nhà đầu tư “giữ” tài sản, tạo ra lợi nhuận, tạo giá trị gia tăng cho xã hội mà còn giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn, hiệu quả hơn về lâu dài, thay vì các cơn sốt đất, nhiễu loạn giá.

“rẽ” sang phân khúc nào?

TIN LIÊN QUAN