Trong buổi họp báo ngày 7/12/2021 của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) về Hội nghị tổng kết của hiệp hội năm 2021, ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019.
“Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh tốc độ phục hồi của kinh tế thế giới có xu hướng chậm lại”, ông Trương Văn Cẩm nói.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý 3, nhưng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã vượt lên khó khăn duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021.
Theo báo cáo của IMF vào tháng 10/2021, tổng sản phẩm xuất khẩu hàng hóa của Thế giới năm 2021 ước tính đạt 17,35 nghìn tỷ USD, giảm 1,3% so với mức 17,58 nghìn tỷ USD năm 2020 và giảm 8,75% so với năm 2019.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam vẫn diến biến rất phức tạp, khó lường. Song tín hiệu tích cực là các thị trường lớn như Mỹ, EU… đã mở cửa trở lại và nhất là Việt Nam đã thay đổi chính sách từ zero Covid-19 sang vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết 128/NQ-CP.
Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và sự triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất Nghị quyết 128/CP-NQ từ Trung ương đến địa phương, VITAS xây dựng mục tiêu cho năm 2022 theo 3 kịch bản:
Kịch bản tích cực nhất: phấn đấu đạt KNXK 42,5 – 43,5 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I/2022;
Kịch bản trung bình: đạt 40 – 41 tỷ USD, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát giữa năm;
Kịch bản thấp nhất: đạt 38 – 39 tỷ USD, trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, kéo dài đến cuối năm 2022.
Đây là các kịch bản với sự phấn đấu lớn đi kèm những giải pháp chống dịch phù hợp.
“Chắc chắn là việc đạt được hay không và theo kịch bản nào còn tùy thuộc vào việc chống dịch được như thế nào hay khi dịch bùng lại thì mỗi địa phương lại một kiểu như đã từng xảy ra, như thế thì sẽ khó khăn rất nhiều cho sản xuất kinh doanh. Điều doanh nghiệp cần nhất là sự thống nhất trong cả nước để chống dịch hiệu quả và sản xuất kinh doanh thông suốt”, vị Phó Chủ tịch của VITAS bày tỏ.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, Hội nghị Tổng kết năm 2021 sẽ diễn ra ngày 17/12/2021 dưới 2 hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh.
Sự kiện nhằm nhìn nhận, đánh giá các hoạt động của ngành và của VITAS trong năm 2021, chỉ ra các công việc và giải pháp cần thiết mà doanh nghiệp hội viên và VITAS cần tập trung thực hiện trong chiến lược phát triển của ngành giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn tới năm 2030.
Chương trình có sự tham gia của các lãnh đạo Bộ ngành, các học giả tên tuổi, các chuyên gia kinh tế và lao động hàng đầu đến từ các Tổ chức uy tín, hơn 500 doanh nghiệp hội viên Vitas và các cơ quan thông tấn báo chí.
Cùng ngày sẽ có phiên hội thảo vào buổi sáng với các báo cáo trình bày về “Tác động của đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đến doanh nghiệp và người lao động dệt may”, “Biến đổi khí hậu trong ngành thời trang”, “Thương mại bền vững” và “Chuyển đổi xanh ngành dệt nhuộm: các giải pháp nhân rộng và tăng tốc”. Hội thảo sẽ có phần đối thoại giữa các bên đại diện quản lý Nhà nước, Hiệp hội và doanh nghiệp dệt may, Công đoàn, nhãn hàng và đại diện tổ chức quốc tế.
Hội nghị Tổng kết vào phiên buổi chiều sẽ nghe báo cáo của VITAS và các bài tham luận đề cập đến tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, thị trường dệt may thế giới, xu thế tiêu thụ, chuyển dịch sản xuất, thời trang trong bối cảnh dịch Covid-19, sự phát triển của ngành trong năm 2021, những cơ hội và thách thức cho ngành trong điều kiện bình thường mới cũng như mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của ngành năm 2022.
Phó chủ tịch cũng cho biết: VITAS tự hào đã luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động.
VITAS đã và đang thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các DN trong nước với nhau và với các DN đầu tư nước ngoài hình thành chuỗi cung ứng; mở rộng thị trường xuất khẩu; tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may như ITMF, AFTEX, AFF…, kết nối các DN với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo về kỹ thuật, thiết kế, bán hàng, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các DN dệt may với Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước để phán ánh những vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, thuế, hải quan, lao động tiền lương, bảo hiểm…, đồng thời tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi thương mại cho DN, tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ về các hiệp định thương mại tự do.