Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (sau đây gọi là “Luật TC&QCKT”) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua năm 2006 (Luật số 68/2006/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Qua hơn 15 năm thực hiện quy định của Luật TC&QCKT và các văn bản hướng dẫn, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chặt chẽ hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật TC&QCKT được ban hành đầy đủ.
Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và động bộ cho việc triển khai công tác lập kế hoạch, xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn/ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cũng như hoạt động áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất kinh doanh.
Định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn thể hiện tầm nhìn, kế hoạch hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững...
Tuy nhiên, thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.
Theo Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), việc sửa đổi Luật TC&QCKT cũng sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng, triển khai chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia. Bởi trên thực tế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các giao dịch quốc tế về hàng hoá và dịch vụ đang mở rộng, việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế (ISO, IEC…) nhằm loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại quốc tế được WTO đặc biệt quan tâm và là yêu cầu tối thiểu đối với hàng hóa của các nước khi thâm nhập vào thị trường toàn cầu, vì vậy các quốc gia cần đặt ra tầm nhìn chiến lược trong phát triển tiêu chuẩn để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe và an toàn của quốc gia mình, cũng như tăng cường thương mại toàn cầu, đưa ra các định hướng phát triển, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.
Nói cách khác, tiêu chuẩn hóa quốc tế có giá trị chiến lược trong chính sách kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018 (APEC), Tiểu ban Tiêu chuẩn và Đánh giá sự phù hợp (APEC/SCSC1) cũng khuyến khích các quốc gia thành viên xây dựng Chiến lược tiêu chuẩn hóa và tại Hội nghị này đã thông qua “Hướng dẫn của APEC về Cấu trúc hạ tầng Tiêu chuẩn” (APEC Guidelines on Standards Infrastructure) nhận định mục tiêu của chiến lược tiêu chuẩn hoá quốc gia nằm trong việc cung cấp điều kiện cần thiết cho các ngành công nghiệp để tối ưu hóa việc sử dụng tiêu chuẩn. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cần có tầm nhìn, định hướng, mục tiêu cũng như quan điểm chỉ đạo rõ ràng để hoạch định, điều chỉnh, thực thi và đánh giá các hoạt động tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc gia cũng như cấp ngành.
Kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Zămbia, Indonesia… đã ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa nhằm xác định nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.
Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã công bố Chiến lược ISO 2030, trong đó thiết lập tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức nhằm làm cho cuộc sống dễ dàng, an toàn và tốt hơn - được hỗ trợ bởi một loạt mục tiêu và ưu tiên có thể hành động. Với nỗ lực hợp tác, các thành viên từ 165 quốc gia đã đóng góp vào việc phát triển, hoàn thiện và công bố tiêu chuẩn.
Chiến lược ISO 2030 xác định bốn "động lực chính của sự thay đổi" là các lĩnh vực mà Tiêu chuẩn quốc tế có tác động và có mức độ liên quan nhiều nhất trên toàn cầu, đó là: kinh tế, công nghệ, xã hội và môi trường. Chiến lược kết hợp sáu hành động ưu tiên của ISO để đạt được mục tiêu và tối đa hóa tác động của nó. Bằng tầm nhìn đến năm 2030, chiến lược này cho phép ISO áp dụng cách tiếp cận dài hạn đối với các vấn đề toàn cầu mà quy mô “không thể giải quyết một cách thực tế” trong khoảng thời gian 5 năm. Chiến lược ISO 2030 cũng tạo cơ hội cho ISO cam kết tập trung nhất quán vào sự phát triển của chính hệ thống tiêu chuẩn hóa trên cơ sở đồng thuận và tiến bộ.
Ảnh minh hoạ
Tại Hoa Kỳ, Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Hoa Kỳ (USSS), tiền thân là Chiến lược Tiêu chuẩn hóa Quốc gia (NSS), được soạn thảo bởi Viện Tiêu chuẩn Quốc gia Hoa Kỳ (ANSI) và phê duyệt lần đầu vào tháng 8 năm 2000. Chiến lược là thành quả của nỗ lực phối hợp giữa các bên liên quan trong ngành, các tổ chức tiêu chuẩn, tập đoàn, nhóm người tiêu dùng, chính phủ và các viện nghiên cứu.
USSS đặt ra tầm nhìn chiến lược để hỗ trợ khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, cải thiện sức khỏe. an toàn của Hoa Kỳ và thương mại toàn cầu, hướng dẫn cách Hoa Kỳ phát triển và sử dụng các tiêu chuẩn, đồng thời tham gia vào quá trình phát triển tiêu chuẩn quốc tế. USSS được cập nhật 5 năm một lần để đảm bảo việc tiếp tục đáp ứng các nhu cầu, lợi ích đa dạng của Hoa Kỳ, phản ánh những tiến bộ về công nghệ, các lĩnh vực tăng trưởng của ngành, ưu tiên quốc gia và quốc tế, cũng như cập nhật những chính sách liên quan của chính phủ Hoa Kỳ.
Chiến lược khẳng định Hoa Kỳ cam kết thực hiện hoạt động tiêu chuẩn hóa tự nguyện qua hình thức tiếp cận dựa trên lĩnh vực, trên phạm vi cả nước và toàn cầu. USSS thiết lập một khung tiêu chuẩn hóa được xây dựng dựa trên những điểm mạnh truyền thống của hệ thống Hoa Kỳ tính đồng thuận, cởi mở và minh bạch.
Một ví dụ điển hình là Trung Quốc, ngay sau khi gia nhập WTO đã bắt tay xây dựng và triển khai chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia. Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia của Trung Quốc đã thay đổi mạnh mẽ toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Trung Quốc đã xây dựng các tiêu chuẩn của mình trở thành công cụ hữu ích để không những hỗ trợ hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nước mà còn đưa hàng hóa, dịch vụ vươn tầm hàng đầu thế giới trong một số lĩnh vực then chốt như hàng không, công nghiệp chế tạo, điện-điện tử, công nghệ bán dẫn, y dược cổ truyền...
Trung Quốc đã rà soát và thay đổi khoảng 85% tiêu chuẩn quốc gia để đảm bảo hài hòa với quốc tế và khu vực. Với định hướng đặt ra các tiêu chuẩn kỹ thuật phải cao để doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, phương thức quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, tạo đòn bẩy cho hàng hóa Trung Quốc vươn ra thế giới. Đồng thời, đưa các chuyên gia Trung Quốc tham gia sâu vào hầu hết ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế; hiện nay họ giữ nhiều vị trí quan trọng như chủ tịch, trưởng ban kỹ thuật, điều phối chương trình... trong các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC, ITU.
Trong thời gian ngắn, Trung Quốc tiếp cận, khai thác hiệu quả thành tựu KH&CN quốc tế, đạt được thành tựu to lớn, đưa nước này từ một quốc gia làm thuê, gia công, được ví như công xưởng cho các tập đoàn quốc tế, trở thành nước đi tiên phong và làm chủ về công nghệ mới với những tập đoàn hàng đầu thế giới, đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Từ một quốc gia thu nhập thấp trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao và theo tiêu chuẩn mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc hy vọng chính thức đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao vào năm 2025.
Tuy nhiên, Điều 6 Luật TC&QCKT về nguyên tắc, chính sách cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật chưa thể hiện được tính chủ đạo của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật vào hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể: việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật theo nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thời gian qua chưa được hoạch định và thực hiện một cách tổng thể đủ tầm chiến lược. Các bộ ngành hiện nay xây dựng TCVN, QCVN theo kiểu thiếu đâu thì bù đó, hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN. Vì vậy, dẫn đến tình trạng có một số bộ, kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch TCVN hằng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng đối tượng TCVN, QCVN. Hiện nay, ngoài Bộ KH&CN đã xây dựng Quy hoạch xây dựng TCVN, chưa có bộ, ngành nào xây dựng kế hoạch TCVN, QCVN trong thời gian 5 năm, chưa nói đến là kế hoạch dài hạn 10, 20 năm.
Trong khi đó, các Nghị quyết, Quyết định gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đều nêu rõ mục tiêu, định hướng của các ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy định của các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, công nghiệp 4.0... Ví dụ: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 định hướng: Phát triển nhiệt điện than ở mức hợp lý theo hướng ưu tiên những tổ máy công suất lớn, hiệu suất cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại như công nghệ siêu tới hạn trở lên; bảo đảm thực hiện đầy đủ pháp luật về an toàn môi trường sinh thái, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; Hoàn thiện khung chính sách, xây dựng và bổ sung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về khí thải và chất thải trong ngành năng lượng theo hướng tiệm cận với những tiêu chuẩn của các nước phát triển.
Như vậy, có thể thấy hoạt động tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội do phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn căn cứ theo nhu cầu thực tại. Theo kinh nghiệm quốc tế, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu CEN/CENELIC hoặc các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… thì việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia.
Ngoài ra, hiện nay, trong lĩnh vực khác như tài nguyên, môi trường, trồng trọt… thì các chiến lược đã được quy định cụ thể trong Luật để làm căn cứ xây dựng, triển khai áp dụng chiến lược trong các giai đoạn tới (ví dụ: Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường quy định về Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia; Điều 5 Luật Trồng trọt quy định về Chiến lược phát triển trồng trọt).
Do vậy, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là nền tảng mang tính chủ đạo, định hướng phát triển lĩnh vực tiêu chuẩn, đảm bảo hoạt động tiêu chuẩn thể hiện tầm nhìn, kế hoạch tổng thể rõ ràng, xuyên suốt, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, tuân thủ cam kết hội nhập quốc tế, phù hợp xu thế phát triển tiêu chuẩn quốc tế và các nước tiên tiến trong khu vực.
Về định hướng sửa đổi, bổ sung Luật TC&QCKT hướng tới việc khẳng định chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là cơ sở cho xác định mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống tiêu chuẩn, làm nền tảng pháp lý cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn hóa của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, sẽ bổ sung Điều 8b quy định về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia như sau: Quy định về vai trò của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; Quy định về nội dung cơ bản và giai đoạn của chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; Quy định cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.