Hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
(CL&CS)- Việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong Luật Tiêu chuẩn & Quy Chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Được ban hành vào năm 2006 đối với Luật Tiêu chuẩn & Quy Chuẩn kỹ thuật và năm 2007 đối Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong suốt khoảng thời gian triển khai thực hiện 02 Luật đã phát sinh một số vấn đề cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế, do đó nhu cầu bức thiết là phải thể chế hóa, nội luật hóa cam kết này, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, RCEP… tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp của Việt Nam.
Theo bà Hương, một số nội dung quy định tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài không còn phù hợp với cam kết trong các hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia. Bên cạnh đó, theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 17029, hoạt động đánh giá sự phù hợp còn mở rộng thêm sang hoạt động kiểm tra và xác nhận giá trị sử dụng, chính vì điều này chúng ta cần nghiên cứu để định nghĩa đánh giá sự phù hợp phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy.
Cũng theo bà Hương, hoạt động công nhận, hiện trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chỉ giới hạn nội dung đến việc công nhận năng lực cho thử nghiệm, chứng nhận, giám định và hiệu chuẩn. Tuy nhiên, hoạt động công nhận hiện nay cần xem xét để mở rộng ra đối với hoạt động công nhận cho các chương trình công nhận mới, ví dụ chương trình công nhận thử nghiệm thành thạo hoặc chương trình công nhận đối với tổ chức cung cấp chất chuẩn.
“Thực tế là chúng ta cũng đã triển khai các hoạt động này rồi, tuy nhiên quy định trong luật thì chưa có”, bà Mai Hương cho biết thêm.
Ngoài ra, một vấn đề cần đề cập là sự thiếu thống nhất giữa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật với Luật An toàn thực phẩm, Luật Dự trữ quốc gia hoặc Luật quy hoạch. Trong khi Luật An toàn thực phẩm đưa ra quy định công bố sản phẩm thì Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật lại quy định phải công bố hợp quy, đây được xem là sự chênh lệch giữa các luật mà buộc phải đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ.
TS. Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam
Theo TS. Vũ Văn Diện – Phó chủ tịch Hội KH&KT về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, để xác định những vấn đề cần chú trọng khi sửa đổi 02 Luật cần tập trung xem xét khi sửa đổi hai Luật một cách đầy đủ, chính xác, trước hết cần có đánh giá kết quả, hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng hai Luật. Việc này các bộ, ngành, địa phương và nếu được, cả các tổ chức, doanh nghiệp cùng phải vào cuộc một cách tích cực và nghiêm túc.
Chúng ta cũng cần rà soát các yêu cầu, khuyến nghị, thực hành tốt về tiêu chuẩn hóa, lập quy của các tổ chức quốc tế, cũng như các điều khoản về tiêu chuẩn, quy chuẩn, đánh giá sự phù hợp (thường là chương TBT) trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới gần đây mà Việt Nam là một bên tham gia.
“Trước đây, khi xây dựng hai Luật này chúng ta cũng đã làm những việc tương tự, nhưng hơn 15 năm qua chắc chắn yêu cầu, khuyến nghị, thực hành tốt đó cũng đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiên rồi. Chắc chắn phải bước thêm một bước mới xích lại gần hơn với khuyến nghị và thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn, chất lượng trên vị thế Việt Nam có tiềm lực và trách nhiệm cao hơn so với 15 năm trước”, ông nói.
Chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm hoạt động gần đây của các nước khác trong lĩnh vực này. Quan điểm tiếp cận trong quá trình sửa đổi hai Luật, theo TS Vũ Văn Diện, về cơ bản vẫn có thể áp dụng như khi xây dựng hai Luật này trước đây, nhưng ở mức tiếp cận cao hơn, tích cực hơn, cập nhật hơn, phù hợp hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong thời gian tới.
Một điều có thể nhận thấy là hai Luật trên đã phát huy tác dụng tích cực khi được áp dụng vào thực tiễn thời gian qua và phần lớn các nội dung cốt yếu đã trải qua thực tiễn áp dụng trên 15 năm vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề cơ bản hiện nay là cần điều chỉnh theo hướng cụ thể hóa, nâng cấp, cập nhật, bổ sung để hoàn thiện, đảm bảo khả thi hơn.
Theo TS Vũ Văn Diện, chúng ta có thể xem xét nghiên cứu để giải quyết tốt hơn một số vấn đề sau: Thứ nhất, về xây dựng, công bố/ ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cần xem xét quy định sao cho khả thi về xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm. Trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố/ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật cần rà soát, cập nhật cho phù hợp hơn.
Đồng thời cần lôi cuốn các bên liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật hiện nay có quy định quyền và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp. Việc áp dụng thì tương đối rõ hơn, nhất là đối với quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng.
Song việc tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, đặc biệt là tiêu chuẩn quốc tế và các quy chuẩn kỹ thuật thì chưa làm rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp, người chịu trách nhiệm áp dụng chính sau này. Nhìn chung cần có những quy định sao cho thúc đẩy được hoạt động tiêu chuẩn hóa tại cơ sở.
Bản thân hoạt động tiêu chuẩn hóa ban đầu phát sinh từ doanh nghiệp, để rồi sau này phát triền ngày một mở rộng, đến cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Thông thường ở các nước phát triển, doanh nghiệp chủ động tham gia tích cực vào các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và cả quốc tế. Họ coi đó là quyền lợi và mong muốn được chủ trì, tham gia soạn thảo tiêu chuẩn. Thực tế ở nước ta trước đây, Nhà nước đã ban hành những quy định rất chi tiết về hoạt động tiêu chuẩn hóa tại các xí nghiệp, trong đó nêu rất rõ nội dung và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Vấn đề hiện nay là nên quy định như thế nào cho phù hợp với cơ chế quản lý hiện hành. Về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật cần hoàn thiện theo hướng tinh gọn về số lượng. Ưu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật điều chỉnh theo nhóm các đối tượng tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý. Những quy chuẩn kỹ thuật đã được xây dựng cần xem xét gộp lại theo nhóm sản phẩm tương đồng về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý.
Thứ hai, về hoạt động đánh giá sự phù hợp cũng cần xem xét theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo môi trường phát triển lành mạnh, thống nhất. Xem xét mở rộng đối tượng công nhận (chuyên gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn, năng suất, chất lượng). Tăng cường năng lực các tổ chức đánh giá sự phù hợp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước. Nên có quy định về việc xây dựng và thực hiện quy hoạch/ kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp theo hướng tinh gọn, có năng lực, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý và nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thúc đẩy thương mại cho từng thời kỳ.
Thứ ba, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng trong sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Làm rõ việc phân công, phân cấp, phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh chồng chéo, tạo môi trường lành mạnh, thống nhất. Xem xét kiện toàn tổ chức hoạt động của đội ngũ kiểm soát viên chất lượng.
Thứ tư, về đào tạo nhân lực và hợp tác quốc tế, cần quan tâm đẩy mạnh đào tạo nhận thức, kiến thức về tiêu chuẩn, chất lượng. Đưa bộ môn/ học phần tiêu chuẩn, chất lượng vào các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Xem xét việc thành lập trường đào tạo chuyên sâu về tiêu chuẩn, chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia có trình độ cao về tiêu chuẩn, chất lượng.
Về hợp tác quốc tế, cần mở rộng hợp tác quốc tế trong các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng. Cần có phân công trách nhiệm rõ ràng trên cơ sở quản lý thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc tham gia các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng chuyên ngành. Ngoài ra còn nhiều nội dung khác nên được xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp hơn.
Cũng theo bà Lê Bích Ngọc - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục TCĐLCLCL) việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong 2 Luật sẽ tác động mạnh mẽ không chỉ trong công tác quản lý mà còn thay đổi nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tại Việt Nam, hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm theo dõi, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế chưa được quy định, làm rõ.
Việc tăng cường năng lực, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam là yêu cầu, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia sẽ là cơ sở để xác định các mục tiêu, định hướng phát triển trung, dài hạn của hệ thống tiêu chuẩn, làm nền tảng pháp lý cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn hóa của nước ta trong các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, việc bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm minh bạch hóa là hết sức cần thiết để đảm bảo việc tuân thủ các cam kết trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế, tăng cường thực thi các Hiệp định FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEPT...) về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật, cải tiến năng suất chất lượng, hỗ trợ hàng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Theo VietQ.vn
- ▪Đẩy mạnh mở cửa du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ
- ▪Việt Nam xây dựng vùng nguyên liệu gỗ chất lượng để phát triển ngành công nghiệp gỗ
- ▪Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89-90%
- ▪Đề xuất sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với xuồng (tàu) cao tốc dự trữ quốc gia
Bình luận
Nổi bật
Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với rễ ba kích
sự kiện🞄Thứ sáu, 29/11/2024, 14:53
(CL&CS) - Để rễ ba kích sấy khô đảm bảo chất lượng, an toàn khi sử dụng thì khi lựa chọn hay chế biến nên tuân theo các yêu cầu tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017.
Uỷ ban Codex thông qua nhiều tiêu chuẩn về thực phẩm mới
sự kiện🞄Thứ sáu, 29/11/2024, 13:58
(CL&CS) - Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm của Liên Hợp quốc, Ủy ban Codex Alimentarius (CAC), mới đây đã thông qua nhiều bản tiêu chuẩn mới và bản sửa đổi tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm.
Tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia phải dễ thực hiện, chi phí tuân thủ tối ưu
sự kiện🞄Thứ sáu, 29/11/2024, 08:54
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm là "thừa" và "hình thức", sẽ làm phát sinh thêm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp, tăng chi phí giá thành sản phẩm không cần thiết.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.