Ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất ngành điều

(CL&CS) - Để tăng năng suất điều, Viện Khoa học Nông nghiệp Nam Duyên hải miền Trung Việt Nam (ASISOV) đã thử nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng, chăm sóc và chế biến điều, lựa chọn giống trên nhiều loại điều, với sản lượng thử nghiệm cho năng suất cao.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều 5 tháng đầu năm 2024 đạt 285.102 tấn, tương đương gần 1,54 tỷ USD, giá trung bình 5.387,5 USD/tấn, tăng 29,7% về khối lượng, tăng 18,8% về kim ngạch nhưng giảm 8,4% về giá so với 5 tháng đầu năm 2023.

Tháng 5/2024 ước đạt 67.711 tấn, tương đương 370,34 triệu USD, giá trung bình 5.469 USD/tấn, tăng 1% về lượng, tăng 3,3% kim ngạch và tăng 2,2% về giá so với tháng 4/2024; còn so với tháng 5/2023 thì tăng 17,9% về lượng, tăng 8,8% kim ngạch nhưng giảm 7,7% về giá.

Hạt điều xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm trên 26% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 75.072 tấn, tương đương gần 400 triệu USD, tăng 30,2% về lượng và tăng 19,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023, giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 8,4%, đạt trung bình 5.328 USD/tấn.

Riêng tháng 5 năm 2024 xuất khẩu sang Trung Quốc 17.967 tấn hạt điều, tương đương 96,14 triệu USD, giảm 0,3% về lượng, giảm 0,03% về kim ngạch so với tháng 4/2024; so với tháng 5/2023 thì tăng 21,2% về lượng, tăng 12,8% về kim ngạch nhưng giảm 7% về giá.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất ngành điều.

Việt Nam hiện là quốc gia giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều. Trong năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hạt điều đạt mức kỷ lục 3,8 tỷ USD (cao hơn khoảng 200 triệu USD so với năm 2023).

Mặt khác, dù là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới, nhưng do sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được từ 20 đến 25% nguồn nguyên liệu chế biến, nên ngành điều Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nguồn điều thô nhập khẩu từ các nước, ngày càng phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia châu Phi, Campuchia... Sự lệ thuộc này đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chế biến mỗi khi nguồn cung điều thô thế giới biến động giảm và là một thách thức lớn đối với ngành chế biến và xuất khẩu điều của cả nước. Vì vậy, việc mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, tái cơ cấu ngành điều để đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với ngành điều trong thời gian tới.

Để tăng năng suất điều, Viện Khoa học Nông nghiệp Nam Duyên hải miền Trung Việt Nam (ASISOV) đã thử nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong trồng, chăm sóc và chế biến điều, lựa chọn giống trên nhiều loại điều, với sản lượng thử nghiệm cho năng suất cao.

Các giống này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đưa vào sản xuất hàng loạt. Các mô hình áp dụng công nghệ sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh sạch trong quá trình canh tác cây điều, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, các kỹ thuật về thâm canh cũng được nông dân sử dụng, từ đó đảm bảo năng suất và chất lượng của hạt điều, tiến tới phát triển hiệu quả bền vững.

Gần đây, Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) còn tích cực nghiên cứu, ứng dụng phân bón lá nano trong trồng điều ở Bình Phước. Kết quả thử nghiệm cho thấy những hiệu quả rõ rệt. 

Tại tỉnh Bình Phước, công nghệ mới được lựa chọn trong chế biến hạt điều là dây chuyền máy đóng hũ tự động công suất 2.000 hũ/giờ, đáp ứng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bảo vệ môi trường. Dây chuyền công nghệ mới đã hoàn thành hệ thống các tiêu chí, được cấp chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm: BRC, ISO 22000, HACCP, HALAL.

Việc định hướng thành lập các hợp tác xã sản xuất điều nguyên liệu, cụm ngành chế biến điều, chế biến sâu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để tự động hóa chế biến hạt điều và chế biến chuyên sâu đem lại giá trị cao cũng là mục tiêu mà ngành chế biến điều hướng tới.

TIN LIÊN QUAN