Tỷ giá được dự báo có thể tăng 3% trong năm nay. |
Từ đầu năm 2018, đồng USD đã rục rịch tăng trở lại sau thời gian dài “ngủ đông”. Dù vậy, sự biến động quá lớn của thị trường chứng khoán đã làm lu mờ các thị trường còn lại, trong đó có ngoại tệ. Nhưng tới cuối tháng 5, nhà đầu tư mới giật mình trước đà tăng, giảm giật cục của đồng đô la mỹ.
Tăng, giảm giật cục
Từ 1/1/2018 đến tháng 5, tỷ giá USD/VND đã trải qua nhiều thăng trầm. Phải tới ngày 29/5, đồng đô la mới đạt “đỉnh” 22.880 đồng/USD ở Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cụ thể, trong ngày 29/5, tại Vietcombank, tỷ giá giao dịch ở mức 22.810-22.880 đồng/USD, tăng 145 đồng/USD, tương ứng 0,64% ở cả 2 chiều mua vào và bán ra.
Tuy nhiên, sau khi đạt “đỉnh”, đồng USD bất ngờ đảo chiều. Trong 2 phiên cuối cùng của tháng 5, đồng USD giảm rất mạnh. Chốt tháng 5, tỷ giá niêm yết ở mức 22.765-22.835 đồng/USD. Như vậy, tỷ giá “suýt” về mức khởi động của năm 2018.
Giải thích cho những diễn biến này của đồng USD, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đồng USD “nóng” lên là điều mà ông đã dự báo trước cách đây 2 tháng. Nhưng đà tăng này mạnh hơn ông nghĩ.
Ông Hiếu đã chỉ ra các nguyên nhân khiến USD tăng giá. Thứ nhất, hiện tại, chỉ số lạm phát trong tháng 5 đã tăng. Nếu tình hình lạm phát diễn tiến trong xu thế tăng, dĩ nhiên đẩy tỷ giá lên. Lạm phát tăng ảnh hưởng tới giá trị tiền VNĐ.
Thứ hai, trong tháng 5, Việt Nam bắt đầu nhập siêu. Tình hình nhập siêu làm tăng nhu cầu về ngoại tệ, từ đó làm tăng tỷ giá.
Bên cạnh đó, thời gian qua, VN-Index giảm sâu do động thái bán ròng của khối ngoại. Để có thể rút tiền khỏi Việt Nam, họ đã mua USD, từ đó làm tăng nhu cầu về ngoại tệ.
Sẽ tăng tới 3%?
Hiện tại, tỷ giá đang giảm khá mạnh nhưng theo ông Hiếu đây chỉ là mức điều chỉnh tạm thời. Về lâu dài, tới cuối năm nay ông Hiếu dự báo tỷ giá có thể tăng tới 3%. Rất nhiều yếu tố đang chực chờ đẩy đồng USD “nóng” lên.
Ông Hiếu phân tích, trong tất cả các thị trường hiện tại, vàng và dầu cũng biến động mạnh làm tăng giá trị đồng USD trên thị trường thế giới. Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất trong các tháng tới, tỷ giá tại Việt Nam sẽ bị đẩy lên.
“Tỷ giá có thể tăng đến 3% chỉ là dự báo, không ai chắc chắn nhưng có lẽ tăng nhiều hơn Ngân hàng Nhà nước mong muốn” - ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu cũng nhấn mạnh nguy cơ lạm phát từ tỷ giá. Tỷ giá tăng mạnh như thế sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu. Tỷ giá tăng hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng lại bất lợi cho nhập khẩu vì mua USD với giá cao trả cho hàng nhập khẩu. Khi hàng nhập vào bị đẩy giá cao sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, ảnh hưởng đến lạm phát tức là ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó có lãi suất.
Thêm vào đó, ông Hiếu dự báo khối ngoại tiếp tục bán ròng và rút tiền ra khỏi Việt Nam như các tháng đầu năm nay. Tình hình có thể tệ hơn khi ông Hiếu cho rằng VN-Index là 900 điểm.
Trong năm nay, thị trường chứng khoán bất ổn, khủng hoảng chính trị lan rộng, ngoài bán đảo Triều Tiên, Trung Đông cũng nổi sóng… tạo ra khủng hoảng mới, từ đó ảnh hưởng đến Việt Nam. Kinh tế Việt Nam trong năm nay chịu bất ổn có thể nhiều hơn năm ngoái. Đó là nguyên nhân khiến VN-Index đi xuống.
“Theo tôi, VN-Index sẽ đạt ngưỡng bình quân ở khoảng 900 điểm do khối ngoại tiếp tục bán ròng và rút vốn. Vì vậy, từ đây cho đến cuối năm tỷ giá tiếp tục tăng trong khoảng từ 1 cho đến 3%” - ông Hiếu dự báo.
Để kiềm chế được đà tăng của tỷ giá, theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước cần tăng dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng cần xem lại những chính sách thực hiện trong năm nay, trong đó có việc cho vay ngoại tệ với các nhà xuất khẩu.
Trong khi, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, lại lạc quan hơn. Ông Thỏa dự báo trong các tháng cuối năm tỷ giá sẽ tăng nhưng tăng ở mức hợp lý, chứ không cao tới 3%. Nguyên nhân là Ngân hàng Nhà nước có đủ dự trữ ngoại tệ để tác động thị trường.
Thanh Hà