Truy xuất nguồn gốc: Từ lựa chọn đến tiêu chuẩn bắt buộc

(CL&CS) - Trong xu hướng tiêu dùng hiện nay, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn có nhu cầu nắm bắt những thông tin liên quan đến nguyên liệu sản xuất, quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, hàm lượng dinh dưỡng, hạn sử dụng, đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.

Thời gian qua, việc tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hoá, nhất là nông sản luôn được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Hà Nam quan tâm triển khai, thực hiện. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mà còn giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm OCOP, nông sản sạch, an toàn của tỉnh, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Điển hình, Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân) là một trong số nhiều đơn vị đã và đang thực hiện tốt việc dán tem QR Code để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản sạch. Mỗi năm, ngoài trực tiếp sản xuất, hợp tác xã còn thu mua hàng chục tấn sản phẩm rau, củ, quả các loại từ các hợp tác xã, hộ sản xuất trong khu vực. Hợp tác xã có hợp đồng ký kết với bên cung cấp, trong đó yêu cầu toàn bộ nguyên liệu không còn tồn dư chất bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu. 

Tương tự, Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (thành phố Phủ Lý) cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm bún, phở, miến, bánh tráng… chùm ngây. Đây là những sản phẩm đã được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP.

Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam, thời gian qua, công ty chú trọng thiết kế logo, bao bì, đăng ký mã vạch, mã QR Code, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn. Qua đó, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xem thông tin hướng dẫn sử dụng, bảo quản, hàm lượng dinh dưỡng... của sản phẩm.

Việc thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần tạo dựng vị thế, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm trên thị trường. Ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng nên các sản phẩm của công ty đã có mặt trên kệ hàng của các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và nhà hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đồng thời được đăng bán trên các sàn thương mại điện tử lớn.

Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh Hà Nam về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thông qua website, tem truy xuất nguồn gốc dán trực tiếp trên từng sản phẩm.

Đến nay, Sở đã hỗ trợ 275.000 tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ hơn 100 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản trên với hơn 500 sản phẩm an toàn được đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản, thực phẩm.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, Sở đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa quy trình sản xuất, minh bạch thông tin, mã hóa, dán tem QR Code truy xuất nguồn gốc, thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, uy tín doanh nghiệp, phục vụ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích, hiệu quả truy xuất nguồn gốc. Qua đó giúp doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ảnh minh họa.

Trong xu hướng tiêu dùng hiện nay, bên cạnh yêu cầu ngày càng cao về chất lượng hàng hóa, người tiêu dùng còn có nhu cầu nắm bắt thông tin liên quan đến nguyên liệu sản xuất, quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, hàm lượng dinh dưỡng, hạn sử dụng, đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Do vậy, việc truy xuất nguồn gốc dần trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chú trọng phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã về tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc hàng nông sản; đẩy mạnh hỗ trợ, tư vấn để các tổ chức, cá nhân xây dựng chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm an toàn có ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm tỉnh Hà Nam.

Theo chuyên gia, Việt Nam hiện được xem là cường quốc xuất khẩu trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Do đó, tất yếu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều yêu cầu của các thị trường, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu như trước đây yêu cầu truy xuất hàng hóa chỉ với một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, đồ gỗ… thì hiện nay, yêu cầu này đã mở rộng sang rất nhiều mặt hàng. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc đặt ra với toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến bán thành phẩm và thành phẩm.

Mặt khác, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Ví dụ, Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu sản phẩm dệt may phải dùng sợi dệt vải sản xuất ở Việt Nam hoặc các nước trong nội khối. Không chỉ các FTA thế hệ mới, hiện hầu hết các FTA đều bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ quy định này mới mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

TIN LIÊN QUAN