Trung Quốc cấm nhập tiểu ngạch, trái cây Việt xuất khẩu điêu đứng

(NTD) - Kể từ tháng 5/2019, Trung Quốc cấm nhập tiểu ngạch đối với mặt hàng trái cây từ nhiều nước Đông Nam Á, đồng thời siết chặt quy định về kiểm dịch. Chuyện này đã được báo trước một năm, nhưng nông dân vẫn “ỷ lại” chưa phản ứng kịp, khiến tình trạng đổ bỏ trái cây diễn ra tràn lan.

Cấm “tiểu ngạch”, tăng kiểm dịch

Cuối tháng 5/2019, huyện Sông Mã (Sơn La) đã xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch. Toàn bộ số xoài này do CTCP Rau quả sạch Việt Nam thu mua xuất khẩu. Đáng nói, đây là lô xoài đầu tiên của huyện này xuất sang Trung Quốc.

Trái ngược với niềm vui của huyện Sông Mã, nông dân ở nhiều địa phương khác trên cả nước phải cay đắng nhìn rau củ quả chín rục ngoài đồng hoặc phải đem đổ bỏ. Đầu tháng 6/2019, tại thủ phủ khóm của tỉnh Thanh Hóa là huyện Hà Trung, nông dân ngậm ngùi nhìn khóm chín rục ngoài đồng vì thương lái Trung Quốc không mua dù giá giảm hơn phân nửa. Trước đó, nông dân trồng khóm ở nhiều tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang) cũng cùng chung cảnh ngộ.

Cùng thời điểm này, nông dân trồng mít Thái tại nhiều tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long cũng bấm bụng bán ra giá rẻ. Giá mít Thái đang dao động quanh mức 8.000-15.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức 60.000-65.000 đồng/kg của những tháng đầu năm nay. Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản đánh giá, giá mít Thái rớt mạnh vì thương lái Trung Quốc không thu mua, trong khi các nhà máy chế biến trái cây đã có kế hoạch sản xuất riêng.

Theo chu kỳ hàng năm, khoảng tháng 6-9 thì vào mùa thuận, trái cây Trung Quốc cũng nhiều thì trái cây Việt Nam lại đi vào giai đoạn rớt giá. Đồng thời, giai đoạn này mưa nhiều khiến chất lượng trái cây giảm, sâu bệnh tăng cao, khiến giá rớt thê thảm. Ngoài nguyên nhân trên, trái cây Việt lao đao trong thời gian qua còn bị ảnh hưởng từ chính sách mới của Trung Quốc: cấm tiểu ngạch và tăng kiểm dịch.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit) cho biết Trung Quốc đã siết các yêu cầu nhập khẩu trái cây từ Việt Nam và một số nước Đông Nam Á từ tháng 5/2018. Tuy nhiên do cần thời gian chuẩn bị nên Việt Nam yêu cầu dời lại đến tháng 6/2019. Đến nay, Việt Nam nhập sang Trung Quốc được 8 loại rau quả theo đường chính ngạch (thanh long, xoài, chôm chôm, mít, chuối, vải, nhãn và dưa hấu), trong tổng số 22 loại hàng hóa rau củ quả xuất khẩu.

Theo yêu cầu kiểm dịch, các xe chở trái cây của Việt Nam dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót, bảo quản sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc. Đồng thời, doanh nghiệp xuất khẩu phải đăng ký mã số doanh nghiệp, thương hiệu, vùng trồng, nơi đóng gói... để truy xuất nguồn gốc. Những lô hàng không đáp ứng các yêu cầu trên sẽ bị trả về hoặc bị tiêu hủy.

Theo ông Nguyên, những quy định này là xu hướng chung của thế giới, cũng không có gì lạ. “Những năm gần đây, đời sống người dân Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Nói theo kiểu chúng ta là ‘phú quý sinh lễ nghĩa’, do đó, đòi hỏi về chất lượng và tính an toàn thực phẩm cũng tăng theo” - ông Nguyên lý giải.

Những nông dân trồng theo quy mô nhỏ lẻ hiện nay buộc phải liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để hợp lý hóa vùng nguyên liệu, hoặc phải tham gia vào chuỗi liên kết của hợp tác xã để được chứng nhận chất lượng.

Nhà xuất khẩu và nông dân phải thay đổi tư duy

Tăng trưởng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam trong vài năm gần đây luôn đạt 30-40% mỗi năm, có đến ba phần tư sản lượng là xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, các quy định mới của Trung Quốc khiến tăng trưởng xuất khẩu trái cây trong những tháng đầu năm 2019 bị ảnh hưởng không nhỏ. Tính trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau củ quả sang Trung Quốc đạt trên 1,3 tỷ USD, chỉ tăng 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Còn tình trạng đổ bỏ rau củ quả, theo ông Nguyên, do việc triển khai hướng dẫn cho nông dân còn chậm, chủ yếu do ở Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh. Tuy nhiên cũng có một số nơi phản ứng nhanh nhạy, giúp nông dân thay đổi kịp thời. Điển hình như ở tỉnh Sơn La. Sở Nông nghiệp tỉnh Sơn La đã triển khai rất rốt ráo, đưa nông dân vào các hợp tác xã, phổ biến các tiêu chuẩn chất lượng. Nhờ vậy, nhiều loại rau củ quả của Sơn La (nhãn, vải, xoài...) đã xuất khẩu đi được nhiều thị trường khó tính hơn Trung Quốc như Mỹ hoặc châu Âu.

Những tổn thất do bị trả hàng về hoặc phải đổ bỏ là tiêu cực, nhưng nếu xem đó là áp lực của thị trường thì lại là điều tích cực. Áp lực này buộc nông dân phải suy nghĩ lại và thay đổi cách sản xuất, khiến nông dân và nhà xuất khẩu phải liên kết chặt chẽ hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Những nông dân trồng theo quy mô nhỏ lẻ hiện nay buộc phải liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu để hợp lý hóa vùng nguyên liệu, hoặc phải tham gia vào chuỗi liên kết của hợp tác xã để được chứng nhận chất lượng. Vì nếu tự làm, sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian cho các chứng nhận chất lượng (Global GAP, Viet GAP...). “Sản xuất nhỏ lẻ rất khó bán. Các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc muốn tìm những đối tác lớn để mua mỗi lần hàng ngàn tấn chứ không ai lại đi gom mỗi nơi vài tấn cho tốn công sức và rắc rối giấy tờ”, ông Nguyên lý giải.

Nếu không bán được trái cây tươi cho Trung Quốc, nông dân chỉ còn nước bán nội địa. Vì giả sử có xuất khẩu sang các nước khác cũng phải đáp ứng các quy trình kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn về chất lượng. Hoặc nông dân phải bán cho các nhà máy chế biến trái cây, nhưng số này không nhiều.

Dương Nguyễn

Nên đọc