Trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân

(CL&CS) - Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực của người dân tỉnh Thái Nguyên và là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Việc đưa các giống mới thay thế giống cũ và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất cây chè tăng từ 6 - 7%, đồng thời thay đổi ý thức người dân.

Tập trung đầu tư thâm canh bằng các giống năng suất, chất lượng cao

Xác định chè là cây trồng chính trong phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đầu tư thâm canh bằng các giống năng suất, chất lượng cao, thay thế dần những giống chè già cỗi năng suất thấp và thực hiện việc sản xuất theo đúng quy trình VietGAP, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó tạo ra sản phẩm chè an toàn.

Trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập của người dân

Địa phương cũng tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể ủy thác với ngân hàng cho người dân vay vốn phát triển kinh tế...

Việc trồng và chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP giúp tăng hiệu quả kinh tế của các hộ dân tham gia mô hình từ 15 - 20% so với trồng chè đại trà, giảm số lần phun thuốc từ 2 - 3 lần, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, giữ cân bằng hệ sinh thái.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trọng Thuận, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Bòng, xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cho biết, với đặc thù là xóm thuần nông, những năm qua, Chi bộ đã chỉ đạo, khuyến khích nhân dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó thúc đẩy sản phẩm mũi nhọn là chè để nâng cao thu nhập cho bà con.

Từ năm 2004, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã Yên Lạc về phát triển kinh tế, địa phương đã có chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện để bà con nhân dân san lấp những diện tích ruộng dốc hoặc sình lầy, cấy lúa kém hiệu quả để trồng chè giống mới.

Niềm vui đến với người làm chè xóm Đồng Bòng khi cuối năm 2014, xóm được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống. Đây cũng là xóm đầu tiên, làng nghề chè đầu tiên ở xã Yên Lạc có 100% diện tích trồng chè được người dân chuyển sang trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân.

Được sự lãnh đạo của Chi bộ, cùng với sự nhanh nhạy thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ngoài việc phát triển 200ha rừng trồng, người dân Đồng Bòng đã mở rộng diện tích trồng chè giống mới. Trong 45ha chè ở xóm hiện nay có 30ha chè giống mới (như Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, TRI 777…). Không chỉ mở rộng diện tích thâm canh cây chè, chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao, bà con còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Gia đình anh Vũ Văn Bảy là hộ đầu tiên sản xuất chè đen trong xóm. Ngoài chế biến các loại chè xanh truyền thống, những năm gần đây, anh Bảy sản xuất thêm chè đen theo công nghệ của Thái Lan để cung cấp ra thị trường.

Anh Bảy cho biết, nguyên liệu đầu vào vẫn là chè xanh ở địa phương, nhưng khi thu hái không áp dụng cách thức hái "một tôm, hai lá" như thông thường mà có thể thu hoạch búp dài hơn, mang về hong cho héo, cho vào máy sao khoảng 30 phút, rồi lại cho ra hong tiếp khoảng 3-5 giờ để cho chè lên men, sau đó mới cho vào máy sao chè thành phẩm. Cách chế biến này nhằm khử hết vị chát của chè, để dành cho những thực khách không thích vị chát của chè xanh truyền thống.

Với sự quan tâm đặc biệt và triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển cây trồng chủ lực nên đời sống của người dân trên địa bàn xóm Đồng Bòng xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên ngày càng nâng lên. Thu nhập bình quân hiện nay đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng - là một trong những xóm có thu nhập cao nhất trên địa bàn.

Phát triển vùng nguyên liệu chè bền vững, có liên kết đã làm thay đổi nhận thức của người dân về phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với thị trường. Ngoài ra, việc ứng dụng các quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch đã góp phần thúc đẩy các vùng sản xuất chè quy mô và bền vững.

 Đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu, chất lượng

Là vùng đất “Đệ nhất danh trà” của Việt Nam, từ nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên xác định chè là cây trồng chủ lực, nhiều sản phẩm chè của địa phương đã khẳng định thương hiệu và chinh phục được thị trường thế giới. Để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển bền vững ngành chè, cơ quan chức năng và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ từ tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ công nghệ, chuyển đổi cơ cấu giống gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại.

Thông tin với báo chí, bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Hội đồng quản trị Công ty CP chè Hà Thái, thông tin, để tạo sản phẩm tốt nhất xuất khẩu ra các thị trường khó tính, chúng tôi không ngừng cải tiến dây chuyền sản xuất, liên kết với người dân để đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe về nguyên liệu, chất lượng.

Bước đầu là tiêu chuẩn VietGAP của Việt Nam, sau đó là các tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ... Việc nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” tiếp tục được đăng ký bảo hộ thành công tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc giúp chúng tôi có thêm "biển lớn" để xuất khẩu sản phẩm chè tiêu chuẩn của mình. 

Với điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, cùng kinh nghiệm trong trồng, chế biến của người dân, những năm qua, chè Thái Nguyên ngày càng được ưa chuộng tại thị trường trong nước và quốc tế. Hiện, toàn tỉnh có gần 22,5 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng/năm. 

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 38 doanh nghiệp, 163 HTX, 251 làng nghề truyền thống, với trên 91.000 hộ chế biến chè xanh. Mặc dù tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất chè tập trung, song sản xuất vẫn ở quy mô hộ là chủ yếu, quy mô các HTX còn nhỏ, số lượng hộ tham gia HTX chưa nhiều, chiếm khoảng 7,2% số hộ làm chè trong tỉnh. Mặt khác, diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ còn thấp. 

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam: Hạn chế lớn nhất của Thái Nguyên là vùng nguyên liệu manh mún, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, dẫn tới việc quản lý chất lượng chè gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày một cao và khắt khe hơn.

Do đó, việc xây dựng các mô hình HTX, liên kết sản xuất giữa các hộ gia đình là hết sức cần thiết. Để cây chè phát triển bền vững, tỉnh cần rà soát, quy hoạch tổng thể trồng và chế biến chè theo chuỗi giá trị từ hạ tầng kỹ thuật đến các hoạt động phụ trợ, dịch vụ, thương mại, kết hợp du lịch sinh thái vùng chè, đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến an toàn tiến tới sản xuất theo hướng hữu cơ. 

Để phát triển thương hiệu chè bền vững, cần nâng cao hơn nữa ý thức của người trồng, chế biến chè trong việc tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng; các cấp, ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người trồng chè mở rộng diện tích chè VietGap, hữu cơ.

TIN LIÊN QUAN