Tràn lan xe điện nhái nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ

Nhiều điểm kinh doanh xe điện trên địa bàn nhiều tỉnh thành vừa bị cơ quan chức năng phát hiện bán xe điện nhái nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Hiện nay, trên thị trường nhiều tỉnh thành xuất hiện loại xe điện có kiểu dáng công nghiệp và mẫu mã rất giống với thương hiệu HKbike Cap-A đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế kiểu dáng công nghiệp trước đó.

Hình ảnh loại xe điện nhái nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ảnh do HKbike cung cấp.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip của một khách hàng chia sẻ bị chủ hàng chửi mắng, dọa “đập chết ăn thịt” vì có ý định trả lại xe sau khi phát hiện xe bán tại cửa hàng này đã nhái sản phẩm thương hiệu.

“Lúc mua thì bà ấy ngon ngọt bảo đây là xe chính hãng, sổ bảo hành hãng đang gửi về. Thế nhưng, xe mới mua được 2 tuần giờ kêu long xòng xọc không thể nào đi nổi. Ai có ý định mua xe cần cẩn thận hơn chứ bỏ ra cả đống tiền xong ôm cục tức”, cô gái trong clip bức xúc.

Ngay sau khi clip được chia sẻ trên mạng xã hội, đại diện thương hiệu HKbike Cap-A khẳng định, loại xe bán tại cửa hàng trên đã nhái sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm luật Sở hữu trí tuệ nên yêu cầu cơ quan chức năng điều tra.

Tại Nghệ An, Chi cục phó cục Quản lý Thị trường Nguyễn Văn Thắng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra hàng loạt cửa hàng xe điện bày bán các sản phẩm hàng nhái tại TP Vinh và các huyện, bắt giữ hàng chục xe vi phạm.

Hàng loạt xe nhái thương hiệu bị cơ quan chức năng phát hiện.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cũng phát hiện nhiều cửa hàng xe điện trên địa bàn TP Tam Kỳ, huyện Đại Lộc, Quế Sơn, bày bán các dòng xe đạp điện nhái kiểu dáng công nghiệp của nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm này có các tên gọi khác nhau như: Kasubike Cap-A 2, HTK Cap-A,...

Ngoài ra, các dòng xe này không có tem hợp quy do Cục Đăng kiểm cấp, có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp sử dụng xe điện kém chất lượng, đang lưu hành thì bị gãy khung.

Đại diện thương hiệu xe HKbike Cap-A khuyến cáo, người tiêu dùng, nên chọn mua sản phẩm ở các đại lý chính hãng, để được đảm bảo về chất lượng và chế độ bảo hành. Phía doanh ngiệp không nên nhập các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tránh việc vừa "tiền mất, tật mang" vừa vi phạm pháp luật.

Theo Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức hình phạt nghiêm khắc lên tới 500 triệu đồng đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, đơn vị vi phạm còn phải thực hiện các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3 tháng; tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm; buộc cải chính công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cách nhận biết xe điện nhái thương hiệu

Dáng không cân đối, kết cấu phần trước hơi nhỏ, không đối xứng với phần thân sau. Màu sắc sơn có độ bóng nhưng chất liệu nhựa rất kém.

Bộ tem Captain America in sơn màu nhạt, ra sáng dễ bị bóng lóa, màu xanh tím than chuyển biến thành xanh da trời; cốp xe ngắn và bị phình sang hai bên. Logo đổi thành HTK Cap-A.

Mặt đồng hồ hiển thị bị ám màu xanh kể cả trong tối và ngoài sáng, thông số nhòe mờ. Vạch pin ở trên cùng và hiển thị 4 vạch khi sạc đầy. Bên dưới mặt hiển thị logo HTK-CAP-A.

Trên khung không có tem theo quy chuẩn pháp luật, dãy số bắt đầu bằng chữ DY. Dè chắn bùn biến đổi theo màu xe, chất liệu nhựa mỏng hơn nên dễ vỡ và gãy.

Các bộ phận nhựa làm từ tạp chất, mỏng, giòn, dễ vỡ; nhanh bị phai màu; không giữ được độ cứng và đàn hồi nên rất nhanh bị nứt mẻ.

Theo Minh Khuê (VietQ)