Giai đoạn 2005-2021 đánh dấu bước phát triển thần tốc của thị trường Trái phiếu doanh nghiệp khi đạt mức tăng trưởng bình quân lên tới 30%/năm. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ và nóng trong giai đoạn từ 2019-2021.
Theo báo cáo thị trường Trái phiếu doanh nghiệp của Chứng khoán KB Việt Nam, quy mô thị trường tính đến đầu quý 3 năm nay đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tương ứng gần 18,3% GDP. Con số này cũng được so sánh tương đương khoảng 14,2% dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng.
Khối lượng Trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 lên mức 659.323 tỷ đồng đã đạt mức tăng vọt so với đỉnh cao năm 2020. Điều đáng nói là, chỉ tính riêng trái phiếu mảng bất động sản thôi thì áp lực đáo hạn cho năm 2020-2021 trong năm nay và năm sau (2023) lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo đánh giá tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP với thị trường trái phiếu doanh nghiệp của FiinRatings, áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 và 2023 lần lượt là 35.56 nghìn tỷ đồng và 61.37 nghìn tỷ đồng.
Trong thời gian tới đây sẽ khá nhiều khoản trái phiếu mà 100% nhà đầu tư là nhà đầu cá nhân sẽ đáo hạn. Các doanh nghiệp như: Địa ốc Phương Đông, Đầu tư xây dựng Châu Á, Địa ốc Sacom… Không chỉ có nhà đầu tư cá nhân mà thị trường trái phiếu cũng phát hành cho nhà đầu tư tổ chức cũng khá nhiều. Trong đó phải kể đến Đô thị Kinh Bắc (KBC) phát hành cho công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân trong-ngoài nước lên đến 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3 năm sau.
Nhiều doanh nghiệp dự kiến có trái phiếu đáo hạn vào năm sau lên đến hàng nghìn tỷ đồng, đơn cử như Kinh Bắc (KBC) phát hành cho công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, nhà đầu tư cá nhân trong-ngoài nước lên đến 1.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3 năm sau.
Với quy định mới ở nghị định 65, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để phát hành mới trái phiếu đáo hạn nợ cũ. Và như vậy là, doanh nghiệp sẽ hẹp đi một cửa để trả nợ cho trái chủ. Bởi, các ngân hàng hiện đều đã tăng lãi suất huy động, nếu doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng mà cửa đảo nợ lại hẹp dễ dẫn tới tình trạng tiến thoái lưỡng nam. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư cá nhân đứng trước nguy cơ rủi ro lớn trong trường hợp doanh nghiệp đó không xoay được tiền để trả nợ.
Thực tế, sau vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh, các nhà đầu tư cho đến nay vẫn chưa nhận được tiền. Nỗi lo này có thể xảy ra đối với các nhà đầu tư khác với những trái phiếu phát hành có tên vô cùng mới trên thị trường bất động sản mà huy động với giá trị cao.
Đánh giá về tác động của Nghị định 65, các chuyên gia phân tích, với tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng qua, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ tháo gỡ nút thắt huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng.
Tuy nhiên, Nghị định 65 cũng tạo ra không ít khó khăn với các doanh nghiệp nhỏ, thiếu năng lực. Đối với các Tổ chức phát hành chưa phải là công ty đại chúng, niêm yết trên sàn, thời điểm này thực sự là giai đoạn khó khăn với rủi ro vỡ nợ trái phiếu lớn. Tổ chức phát hành sẽ phải tìm mọi cách thanh lý tài sản, thanh lý dự án để trả nợ nhà đầu tư hoặc chấp nhận chi phí vốn huy động cao để đảm bảo dòng tiền trả lãi hoặc mạnh dạn phát hành tiếp một đợt trái phiếu nữa để đáo hạn.
Đối với các Tổ chức phát hành là các công ty đại chúng, đã niêm yết trên sàn chứng khoán, có thể cân nhắc tới các phương án huy động nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường vốn như: phát hành cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP), huy động vốn ngắn hạn qua hình thức thuê tài chính, thuê hoạt động v.v. Tuy nhiên, sự èo uột của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến hoạt động này cũng không dễ dàng.