Chủ đầu tư mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì nhưng không thông báo cho Sở Xây dựng TP. Hà Nội
Dự án Khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ 136 Hồ Tùng Mậu có tên thương mại là Gold Mark City (136 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), do Công ty CP Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) làm chủ đầu tư. Dự án có 2 khu ký hiệu KO1(Ruby) và KO2 (Sapphire), được xây dựng trên tổng diện tích 54.850 m2; diện tích xây dựng hơn 17.000 m2; diện tích sàn xây dựng là hơn 671.000 m2; có tổng số 4.785 căn hộ, với quy mô dân số 12.300 người. Trong đó, khu KO1 (khu A) có 4 toà R1, R2, R3, R4; khu KO2 (khu B) có 5 toà S1, S2, S3, S4.
Dự án Gold Mark City dính nhiều sai phạm liên quan đến chủ đầu tư, ban quản trị, chính quyền địa phương
Sau quá trình thanh tra, ngày 11/5/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ rõ ra hàng loạt sau phạm nghiêm trọng về việc sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích làm dịch vụ, lấn chiếm không gian và các phần thuộc sỏ hữu chung, sử dụng phần diện tích thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung và sử dụng riêng... tại dự án Goldmark City.
Cụ thể, ngày 22/3/2017, Chủ đầu tư có văn bản số 83/2017/CV-VH đề nghị Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) mở tài khoản tại ngân hàng để thu hộ 2% kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung nhà chung cư thuộc dự án Khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ 136 Hồ Tùng Mậu.
Ngày 31/3/2017, Chủ đầu tư bắt đầu thu kinh phí bảo trì nhà chung cư khu KO1 và gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì. Tuy nhiên, thời điểm thanh tra tháng 11/2020, Chủ đầu tư vẫn chưa thông báo cho Sở Xây dựng TP. Hà Nội về việc mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì. Như vậy, Chủ đầu tư đã thực hiện không đúng theo khoản 1, Điều 109 Luật Nhà ở năm 2014. Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trách nhiệm này thuộc về Chủ đầu tư.
Thứ hai, trong thời gian từ tháng 02/2019 đến tháng 8/2019, 04 Ban quản trị đã có 06 văn bản gửi Chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị bàn giao hồ sơ nhà chung cư khu KO1.
Đến thời điểm thanh tra tháng 11/2020, Chủ đầu tư bàn giao hồ sơ nhà chung cư không đúng thời gian cho các Ban quản trị. Như vậy, Chủ đầu tư bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho 04 ban quản trị nhà chung cư khu KO1 theo quy định khi Ban quản trị nhà chung cư khu KO1 có văn bản yêu cầu bàn giao hồ sơ là vi phạm điểm a, khoản 3, Điều 5 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cứ ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng.
Bên cạnh đó, kinh phí bảo trì của khu dịch vụ được xác định gần 17,2 tỷ đồng. Trong đó, chủ sở hữu phần diện tích dịch vụ đã nộp hơn 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty Việt Hân chưa nộp hơn 15,2 tỷ đồng, vi phạm khoản 1 điều 108 luật Nhà ở 2014.
Kết luận thanh tra về dự án Goldmark City yêu cầu Công ty Việt Hân phải nộp hơn 15,2 tỷ đồng kinh phí bảo trì phần diện tích dịch vụ. Tiếp tục, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra chủ đầu tư bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho Ban quản trị nhà chung cư.
Lấy phần diện tích sử dụng chung, tự ý chuyển đổi công năng sai so với thiết kế ban đầu
Cụ thể, Tòa R1 Chủ đầu tư đã chuyển đổi khu sinh hoạt chung tại tầng 1 thành siêu thị và cửa hàng, diện tích 550 m². Tại thời điểm thanh tra, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra hiện trường 25/12/2020 tại tầng 1 nhà R1 Khu A, khu vực sân chơi, sinh hoạt cộng đồng cải tạo, sử dụng cho thu thương mại, hoạt động kinh doanh dịch vụ vẫn đang tiếp diễn.
Tòa R4 (104) tại sảnh B, phòng sinh hoạt cộng đồng, Chủ đầu tư đã chuyển đổi thành cửa hàng và ngân hàng với diện tích 525m². Kiểm tra hiện trường ngày 25/12/2020, Đoàn kiểm tra nhận thấy vẫn còn tồn tại: Tại trục 1,2 – K, M Chủ đầu tư mở thêm hiệu thuốc trên diện tích hành lang, có diện tích khoảng 25m²; tầng 3 trục C, D – 8, 9 Chủ đầu tư mở thêm 01 cửa không đúng theo thiết kế được duyệt, chuyển đổi phòng Sauna thành phòng sinh hoạt cộng đồng và chuyển phòng Kho nhân viên thành phòng làm việc của Ban quản trị.
Với việc vi phạm của Chủ đầu tư như trên, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định xử số 5789/QĐ-XPVPHC ngày 31/12/2020 đối với hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung tại Tòa R1, R4. Với hành vi này, Chủ đầu tư bị xử phạt 275.000.000 đồng và buộc Chủ đầu tư khôi lại phục lại hiện trạng ban đầu, công năng sử dụng theo thiết kế kiến trúc đã được coq quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian thực hiện là 10 ngày, nếu Chủ đầu tư không tự nguyện chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đến tháng 4/2021 Chủ đầu tư mới chỉ nộp phạt vi phạm hành chính (27/01/2021), chưa khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với vi phạm tại Tòa nhà R1, R4.
Ngoài ra, Tòa R2 tại tầng 1 trục 1, 4 – C, F, Chủ đầu tư tự chuyển đổi mục đích từ văn phòng làm việc thành Dịch vụ thương mại là vi phạm Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014.
Đối với khu KO2 Tòa S2, tại tầng 1 Nhà chung cư Sapphire, Tòa 202 (S2) vị trí trục 1-4, A-H đã chuyển đổi công năng sử dụng. Cụ thể, theo thiết kế được duyệt là sân chơi của tòa nhà chung cư khoảng 480 m², không gian này có chiều cao 8,3 m (tính từ tầng 1 cốt +0,000 đến tầng 2 cốt + 8,3 m). Thời điểm kiểm tra tháng 4/2021, diện tích trên là khu dịch vụ thương mại.
Với hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định xử phạt 275 triệu đồng. Đồng thời, chủ đầu tư phải khôi lại phục lại hiện trạng ban đầu, công năng sử dụng theo thiết kế kiến trúc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2021 chủ đầu tư mới chỉ nộp phạt vi phạm hành chính, chưa khôi phục lại hiện trạng ban đầu đối với khu vi phạm.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay toàn bộ những phần vi phạm về sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích làm dịch vụ, lấn chiếm không gian và các phần thuộc sỏ hữu chung, sử dụng phần diện tích thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung và sử dụng riêng tại dự án Goldmark City vẫn chưa được Công ty Việt Hân khắc phục.
Thông tin với báo chí, đại diện UBND phường Phú Diễn thông tin: “Hiện tại chúng tôi đang phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm lên phương án cưỡng chế những phần vi phạm mà Công ty Việt Hân không chịu khắc phục…”.
Bàn giao kinh phí bảo trì không đúng quy định
Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra việc Chủ đầu tư đóng chưa đầy đủ kinh phí bảo trì đối với khu dịch vụ đã bàn giao cho Chủ sở hữu (tại Hợp đồng số 01/GMC/2017 và 02/H ĐMB) là vi phạm điểm a khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở năm 2014.
Tiếp theo đó là việc Chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì khu căn hộ cho 05 Ban quản trị khi Chủ đầu tư chưa thực hiện quyết toán quỹ bảo trì và chưa xác định lãi tiền gửi quỹ bảo trì trong thời gian Chủ đầu tư quản lý quỹ.
Với nội dung trên, theo nhận xét của Thanh tra Bộ Xây dựng, việc Chủ đầu tư và 05 Ban quản trị chưa thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì nhưng Chủ đầu tư đã bàn giao và 05 Ban quản trị đã nhận bàn giao kinh phí bảo trì là thực hiện không đúng khoản 4, Điều 36 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính Phủ.
Cũng tại Kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ ra các vi phạm của Ban quản trị R1, R2, R3, R4 và Sapphire.
Với các vi phạm nêu trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hàng Quyết định số 43/QĐ-XPVPHC ngày 23/4/2021 xử phạt vi phạm hành chính đối với Chủ đầu tư do bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ nhà chung cư cho 04 Ban quản trị nhà chung cư (thuộc khu KO1) theo quy định.
Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện theo thẩm quyền, cụ thể: Chỉ đạo xử lý trách nhiệm Chủ đầu tư về hành vi không thực hiện Quyết định số 6201/QĐ-UBND này 03/11/2020 của UBND quận Bắc Từ Liêm; Thực hiện trách nhiệm tại Điều 3 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5789/QĐ-XPVPHC ngày 31/12/2020 của UBND thành phố Hà Nội; Thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở của địa phương theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 85 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.
UBND phường Phú Diễn: Phối hợp với các Ban quản trị nhà chung cư tại dự án Khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ 136 Hồ Tùng Mậu, theo dõi, kiểm tra giải quyết các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư theo thẩm quyền hoặc báo cáo UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét, giải quyết theo quy định; Thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 49 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng- Địa ốc Việt Hân: Tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý nghiêm đối với các phòng ban, cá nhân để xảy ra các tồn tại, thiếu soát trong công tác quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu nhà chung cư; bàn giao kinh phí bảo trì; quản lý sử dụng nhà tại chung cư.
Phải đóng kinh phí bảo trì khu dịch vụ, số tiền gốc là 15.267.181.818 đồng theo quy định; Phối hợp với Chủ sở hữu khu dịch vụ cùng Ban quản trị để bàn giao kinh phí bảo trì đối với các khu dịch vụ đã bán, số tiền gốc là 17.119.179.832 đồng và tiền lãi, tính đến ngày bàn giao cho Ban Quản trị.
TNR Holdings và Công ty Việt Hân có mối quan hệ gì?
Dự án Goldmark City do CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng - Địa ốc Việt Hân làm chủ đầu tư cùng với sự tham gia của CTCP Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings. Theo giới thiệu của công ty Việt Hân, TNR Holdings Việt Nam (công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG) là đối tác độc quyền quản lý, điều hành và phát triển dự án Goldmark City.
Việt Hân được thành lập vào năm 2006 tại TP.HCM, vốn điều lệ ban đầu là 320 tỷ đồng, sau đó tăng lên gấp 5 lần, đạt 1.600 tỷ đồng. Sau khi đại gia Đinh Trường Chinh rút lui khỏi ghế nóng, hiện một nữ doanh nhân sinh năm 1992 giữ chức Chủ tịch Việt Hân - chủ đầu tư dự án Goldmark City tai tiếng.
Cả 3 công ty này, đều nằm trong “hệ sinh thái” bất động sản của Công ty CP Đầu tư TNG Holdings Việt Nam được điều hành bởi bà Phạm Vân Hà – Phó Tổng Giám đốc TNG Holdings Việt Nam – phụ trách kinh doanh bất động sản.
Ngoài ra, bà Phạm Vân Hà còn được biết đến là Chủ tịch HĐQT của TNR Holdings. Theo tìm hiểu, bà Phạm Thị Vân Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TNR Holdings Việt Nam được biết đến là một người phụ nữ nổi tiếng trong giới địa ốc. Bà Hà học tiến sĩ tại trường Copenhagen Business School rồi làm ở một ngân hàng tại Đan Mạch về lĩnh vực quản lý danh mục đầu tư.
Từ những thông tin trên, hiện tại Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng- Địa ốc Việt Hân và 05 Ban quản trị, các tổ chức và cá nhân liên quan đã thực hiện ra sao và có những biện pháp nào khắc phục các sai phạm còn tồn tại theo các yêu cầu mà Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra? PV Chất lượng và cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở bài viết tiếp theo.
TNR Holdings là công ty thành viên của Tập đoàn Đầu tư TNG (TNG Holdings) do bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường làm Chủ tịch HĐQT. TNG Holdings tiền thân là Tập đoàn VID (VID Group) – một doanh nghiệp “đi lên” từ bất động sản công nghiệp. TNR Holdings trong nhiều năm qua cũng vướng phải không ít những lùm xùm đối với khách hàng tại một số dự án nhà ở.
Tại Dự án TNR Stars Đồng Văn, cuối năm 2020 khách hàng tố cáo chủ đầu tư đã ký hợp đồng mua bán và thực hiện đóng 95% giá trị hợp đồng chuyển nhượng nhưng vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở. Quá bức xúc, hàng trăm người dân đã tụ tập, căng băng rôn tại trụ sở Tập đoàn TNR (số 54 Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội) với khẩu hiệu “Tập đoàn TNR – Dự án Đồng Văn – lừa đảo dân cư”.
Các cư dân tại dự án TNR The GoldView cũng từng gửi kiến nghị đến chính quyền địa phương, chủ đầu tư và nhà phát triển dự án TNR Holdings bị “tố” nhiều vấn đề tồn tại của dự án cao cấp này, trong đó là các vấn đề về hệ thống PCCC, những vấn đề về trang thiết bị thiếu, sót so với hợp đồng…