Tín dụng bất động sản tăng mạnh
Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2020. Tín dụng bất động sản là một trong những chỉ tiêu được quan tâm nhất. Bộ Xây dựng đã dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây.
Theo đó, đến thời điểm hiện tại tổng dư nợ tín dụng với toàn nền kinh tế là 8,3 triệu tỷ đồng, riêng đối với lĩnh vực bất động sản vào khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.
Quý I/2020 so với thời điểm cuối năm 2019, tổng dư nợ toàn ngành tăng 160,1 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên dư nợ tín dụng về bất động sản chỉ tăng 4,596 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng của dư nợ tín dụng là 0,88%, giảm 3,48% so với cuối năm 2019, nguyên nhân của việc dư nợ tín dụng bất động sản giảm chủ yếu là do quý I/2020 chính là khoảng thời gian đại dịch Covid 19 diễn ra phức tạp nhất, tình hình chung của thị trường bất động sản vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý II/2020 dư nợ tín dụng bất động sản của doanh nghiệp tăng đáng kể so với quý I và có giá trị tăng thêm là 53,772 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng là 10,21%, điều này cho thấy quý II/2020 thị trường bất động sản đã bắt đầu có sự cải thiện, nhất là sau khi giãn cách xã hội kết thúc vào ngày 23/4, các doanh nghiệp đã dần quay lại trạng thái làm việc bình thường.
Theo số liệu thống kê, bình quân dư nợ tín dụng trong 5 năm gần đây khoảng 7,3%, tuy nhiên, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019, giảm còn 6,3% trong quý I/2020 và quý II/2020 tăng nhẹ lên 6,48%. Dự báo trong quý III/2020 dư nợ tín dụng bất động sản vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế (khoảng 6,3%÷7%).
Tập trung vào Techcombank, VPBank
Tín dụng bất động sản tăng mạnh nhưng không dàn trải mà tập trung vào một số ngân hàng “chuyên” cho vay bất động sản. Đó là Techcombank, VPBank, NamA Bank, SHB…
Cụ thể, Công ty chứng khoán KB Securites (KBSV) trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank là doanh nghiệp có dư nợ cho vay bất động sản lớn nhất với chiến lược tập trung, mối quan hệ chặt chẽ với nhóm doanh nghiệp bất động sản lớn và uy tín như Vin group, Sun Group, Masterise…
Theo thống kê của KBSV, dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank (không tính các khoản cho vay thế chấp mua nhà cho cá nhân) tăng mạnh trong năm 2019 và tiếp tục tăng 37,8% trong 6 tháng đầu năm 2020 trong khi các ngành nghề kinh doanh khác đều giảm dư nợ do ảnh hưởng của Covid-19 . Tính đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ cho vay bất động sản/tổng dư nợ khách hàng tổ chức đạt 54%, tăng 14%.
VPBank cũng đã giải ngân hơn 36.033 tỷ đồng, tương đương 13% (chiếm tỷ trọng cao thứ hai trong cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành) để cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Cho vay cá nhân để mua nhà, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà là 31.931 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 11,49% tổng dư nợ cho vay.
Trong khi đó, tỷ trọng cho vay kinh doanh bất động sản trong năm 2018-2019 của VPBank nằm trong khoảng 9-10%. Cho vay cá nhân để mua nhà, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở cũng nằm trong khoảng 9-10%.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng căn hộ chào bán tại Hà Nội – TP Hồ Chí Minh giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, KBSV đánh giá triển vọng của ngành bất động sản vẫn còn rất lớn, theo ước tính của Savill, trong giai đoạn 2021-2023 trung bình chào bán 100.000 căn tại 2 thành phố cho thấy các ngân hàng nói chung và Techcombank nói riêng còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản cũng như cho vay thế chấp mua nhà trong các năm tới.
Đặc biệt, đối tác chiến lược mà Techcombank tài trợ vốn và bảo lãnh dự án là Masterise Group đang và sẽ triển khai nhiều dự án lớn như Masteri Waterfront, Masteri Centre Point, Masteri BASON, sẽ đóng góp đáng kể vào tăng trưởng tín dụng của TCB trong giai đoạn 2021-2023.
Theo quan điểm của KBSV, Techcombank không gặp nhiều áp lực tăng trích lập dự phòng trong quý IV/2020, tuy nhiên nhiều khả năng duy trì mức trích lập cao trong năm 2021 khi ảnh hưởng của Covid-19 sẽ phản ánh rõ ràng hơn vào chất lượng các khoản nợ, đặc biệt là các khoản vay mua nhà.