Tin bất động sản hôm nay ngày 24/8: Bỏ khung giá đất liệu có ảnh hưởng đến giá bất động sản?

(CL&CS) - Bỏ khung giá đất sẽ không ảnh hưởng đến giá bất động sản; Sơn La kiến nghị xây cầu 1.200 tỉ đồng bắc qua sông Đà; Hà Nội lập đoàn kiểm tra nâng cấp ba công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất; Nhiều khu dân cư không người, vắng nhà, đầy cỏ dại tại Đà Nẵng; TP HCM tạm dừng đầu tư dự án nhà hát ngàn tỷ ở Thủ Thiêm là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 24/8.

Bỏ khung giá đất liệu có ảnh hưởng đến giá bất động sản?

Thông tin về vấn đề bỏ khung giá đất và áp dụng quy định tính giá đất theo giá thị trường thì giá bất động sản có tăng không? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, giá sản phẩm bất động sản do nhà đầu tư đưa ra trong đó đã gồm giá đất, chi phí đầu tư và các chi phí khác của họ. Việc thay đổi cách tính giá đất thì ở lần sửa đổi Luật Đất đai này sẽ minh bạch hơn và không phải yếu tố làm thay đổi giá trị sản phẩm bất động sản.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, một sản phẩm bất động sản bán ra còn có nhiều giá trị khác, ngoài giá đất. Khi xác định giá đất chính xác sẽ là giá trị đầu vào và được hạch toán vào giá đầu tư của nhà đầu tư dự án bất động sản.

Tuy nhiên, giá bất động sản tăng hay không và tăng ở mức độ nào... sẽ phụ thuộc vào cung - cầu, chứ không hẳn do thay đổi, bỏ khung giá đất và áp dụng quy định tính giá đất theo giá thị trường.

Có ý kiến cho rằng, nên sử dụng công cụ thuế để người mua giám sát giá bán đất của người bán? Làm như vậy Nhà nước sẽ thu được nguồn lợi rất lớn, người tham gia giao dịch sẽ tự điều chỉnh thái độ mua bán để phù hợp với pháp luật tránh liên lụy về sau? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đánh giá rất cao sáng kiến này. Tất nhiên hiện nay để có được giá đất theo thị trường, áp dụng phương pháp định giá theo vùng giá trị thì cần thu thập các thông tin, làm sao người dân giao dịch thông qua sàn giao dịch; giá hợp đồng đảm bảo đúng nhưng không liên quan đến tính thuế thu nhập, gia tăng trong mua bán đất.

Bỏ khung giá đất, Nhà nước và người dân sẽ đều có lợi khi thực hiện đền bù và các việc liên quan giá đất tại thời điểm đền bù.  

Đồng thời cần có chế tài với người cung cấp thông tin giá không đúng. Chúng ta sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai, trong 5 năm nếu làm tốt thì sẽ chuyển sang phương pháp định giá đất mới. Hoặc nhiều quận, huyện có thể áp dụng phương pháp định giá mới sớm hơn./.

Sơn La kiến nghị xây cầu 1.200 tỉ đồng bắc qua sông Đà

Trong văn bản gửi lên Bộ GTVT, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La trình bày, các xã vùng lòng hồ Thủy điện Hòa Bình đã di dân, tái định cư hơn 30 năm nhưng đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. Vì vậy, việc sớm đầu tư xây dựng công trình cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên (thuộc bản Liếm, xã Tân Phong, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) mang ý nghĩa rất lớn.

Công trình vừa thúc đẩy phát triến kinh tế - xã hội khu vực các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, Mộc Châu của tỉnh Sơn La, vừa giúp cho các xã vùng lòng hồ sông Đà có cơ hội, điều kiện phát triển tốt hơn, giảm nghèo nhanh và bền vững, theo kịp được sự phát triển chung của tỉnh, đồng thời đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân.

Tiếp thu ý kiến của cử tri tỉnh Sơn La, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của cử tri về sự cần thiết nghiên cứu đầu tư công trình cầu qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên do lưu thông trên Quốc lộ 43 đoạn vượt sông Đà vẫn đang phải sử dụng phà.

Tuy nhiên, dự án đầu tư có một số vương mắc bao gồm: vị trí xây dựng cầu nằm trong lòng hồ thủy điện Hòa Bình có mực nước lên xuống không ổn định, tổng mức đầu tư xây dựng công trình lớn (dự kiến khoảng hơn 1.200 tỷ đồng) trong khi lưu lượng lưu thông trên tuyến hiện tại còn thấp (<200 xe ô tô/ ngày đêm).

Hà Nội lập đoàn kiểm tra nâng cấp ba công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất

Để triển khai kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021- 2025, Sở Xây dựng Hà Nội vừa có quyết định thành lập đoàn kiểm tra đôn đốc việc thực hiện đầu tư xây dựng một số công viên trên địa bàn thành phố.

Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ đôn đốc việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư; kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, trật tự xây dựng của các chủ đầu tư và của chính quyền địa phương đối với các dự án công viên trên địa bàn thành phố; chỉ đạo các đơn vị chức năng xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời, xác định nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất phương án giải quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án công viên; báo cáo UBND thành phố xem xét quyết định các vấn đề vượt thẩm quyền.

Công viên Bách Thảo.  

Theo Kế hoạch số 332/KH-UBND ban hành vào cuối tháng 12/2021, đến năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có theo 2 cấp độ tùy vào vị trí, quy mô công trình và mức độ xuống cấp. Trong đó, 3 công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp theo mức độ 1.

Để triển khai kế hoạch hiệu quả và sớm hoàn thành, UBND thành phố đã thực hiện việc phân cấp triệt để, giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành Thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách thành phố, còn lại giao UBND các quận làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách quận.

Các công viên, vườn hoa sau khi được hoàn thành cải tạo, nâng cấp sẽ bàn giao cho đơn vị quản lý, duy tu, duy trì theo phân cấp. Các công viên này sẽ được cải tạo đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan; thiết kế tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh, cơ sở vật chất đồng bộ; kế thừa các hạng mục mới được đầu tư sửa chữa; trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh; nâng cấp, sửa chữa, bổ sung hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác, hệ thống cấp thoát nước, bể phun…

Đáng chú ý, thành phố định hướng nâng cấp công viên Thống Nhất chuyển từ công viên “đóng” sang công viên mở, hạ thấp hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế, nghĩa là không thu vé vào để người dân dễ tiếp cận. Đồng thời với đó là việc tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông, từ đó sẽ nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của công viên Thống Nhất, trong đó có việc khai thác không gian, kinh tế đêm.

Nhiều khu dân cư không người, vắng nhà, đầy cỏ dại tại Đà Nẵng

Tại Đà Nẵng, hàng loạt dự án trên 10 năm nằm trên khu đất vàng ngay trung tâm được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên đất. Có thể kể đến: Dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp và khách sạn 5 sao Đà Nẵng Center 08 Phan Châu Trinh; dự án trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian Tower nằm ở số 84 đường Hùng Vương (quận Hải Châu); khu đất phía Nam Công viên 29 Tháng 3 rộng 6.600 m2, nằm ngay tại cửa ngõ sân bay Đà Nẵng…

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square dù vừa đổi tên, sang chủ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu triển khai trở lại.  

Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian Tower, với 3 mặt tiền đường Yên Bái - Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu), do Công ty CP Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ Viễn Đông làm chủ đầu tư, được cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2008, có diện tích đất sử dụng 11.170 m2 với số vốn dự kiến 2.880 tỉ đồng - hiện vẫn "đứng bánh" sau 14 năm triển khai.

Cùng chung số phận, khu đất phía Nam Công viên 29 Tháng 3 rộng 6.600 m2, có 2 mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, trước cổng sân bay Đà Nẵng đang "án binh bất động" thời gian dài.

Về giải pháp, ông Hùng cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản khuyến cáo chủ đầu tư cùng các sở, ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa đất vào sử dụng. Trong trường hợp chủ đầu tư chây ì hoặc không đủ năng lực, đơn vị sẽ tham mưu UBND TP Đà Nẵng có quyết định thu hồi.

TP HCM tạm dừng đầu tư dự án nhà hát ngàn tỷ ở Thủ Thiêm

Sở Kế hoạch-Đầu Tư TP.HCM (KH-ĐT) vừa có báo cáo gửi Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn và hiệu quả, tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách TP.

Theo Sở KH-ĐT, qua rà soát từ năm 2015 đến nay, có 678 dự án chậm triển khai, trong đó có 2 dự án sẽ tạm ngừng thực hiện, gồm: dự án nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (gọi tắt là nhà hát Thủ Thiêm) và dự án xây dựng tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình dân dụng công nghiệp TP.HCM (chủ đầu tư nhà hát Thủ Thiêm), xét về nhu cầu thì cần có nhà hát. Tuy nhiên, trong bối cảnh TP vừa chịu tác động của dịch Covid-19 thì chưa xem xét đầu tư dự án này, mà cần ưu tiên cho các vấn đề an sinh xã hội và kích thích các ngành nghề phát triển.

Ban đầu, nhà hát Thủ Thiêm có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỉ đồng, dự kiến khởi công năm 2018 và hoàn thành vào năm 2022, nguồn vốn từ ngân sách thành phố là khoản tiền bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1). Sau đó, chủ đầu tư dự án đề xuất tăng tổng mức đầu tư dự án lên 1.988 tỉ đồng và điều chỉnh thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2024.

Nhà hát Thủ Thiêm có quy mô 1.700 chỗ ngồi, gồm 1 khán phòng lớn 1.200 chỗ và 1 khán phòng nhỏ 500 chỗ. Cuối năm 2021, chủ đầu tư đã trao 2 giải nhì (không có giải nhất) cho 2 đơn vị tham gia cuộc thi ý tưởng phương án thiết kế kiến trúc công trình nhà hát.