Nhiều dự án chậm tiến độ tại Lương Sơn (Hòa Bình)
Tình trạng lãng phí tài nguyên, lãng phí thời gian do chậm tiến độ triển khai xây dựng của các dự án trên địa bàn huyện Lương Sơn tồn tại khá nhiều.
Trong kết luận số 14/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Hòa Bình chỉ ra 4 dự án liên quan về đất đai chưa triển khai thực hiện tại huyện Lương Sơn gồm: Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ tổng hợp của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại Hùng Thoa, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2011 (đến nay dự án vẫn chưa triển khai); Dự án xây dựng trụ sở và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại và Dịch vụ Phương Đông 2 được Nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2011 (dự án chậm tiến độ 10 năm); Dự án xây gạch block bằng bột đá và xi măng của Hợp tác xã Đại Dương được Nhà nước giao đất, cho thuê đất năm 2013, (dự án chậm tiến độ 9 năm); Dự án của Công ty Cổ phần Falcon Hồng Hà chưa triển khai (dự án chậm tiến độ 10 năm).
Tại huyện Lương Sơn, 4 dự án đã triển khai xây dựng nhưng chậm tiến độ bao gồm: Dự án khu nhà ở sinh thái tại xã Lâm Sơn của Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư đô thị Hòa Bình; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất keo dính vật liệu xây dựng của Công ty Cổ phần đầu tư GMC Group; Dự án xây dựng xưởng cơ khí và sản xuất bao bì của Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển thương mai và đầu tư Phương Anh và Dự án nhà ăn uống tại xóm Kẽm, xã lâm Sơn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Quý.
Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thực tế cho thấy, địa bàn huyện Lương Sơn đang có nhiều dự án “ôm đất” dù đã quá thời hạn triển khai xây dựng cả chục năm vẫn chưa bị thu hồi, trong đó, có những dự án chậm triển khai tiếp tục được gia hạn không chỉ một lần mà còn nhiều lần.
Xây dựng Hòa Bình muốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào hai dự án tại Úc và Canada?
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương đầu tư vào các dự án nước ngoài.
Cụ thể, công ty sẽ đầu tư vào dự án 88 James tại Canada do Elite Developments Group làm chủ đầu tư, tổng số vốn đầu tư 4 triệu CAD (tỷ giá tính tại thời điểm thực tế đầu tư) (tương đương khoảng 72 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Dự án thứ hai là Regent Street tại Úc do Công ty Brightlands Property Fund & Freedom Development Group làm chủ đầu tư, tổng số vốn đầu tư là 2 triệu CAD (tỷ giá tính tại thời điểm thực tế đầu tư) (tương đương khoảng 36 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại).
Tổng cộng số tiền Hòa Bình dự kiến bỏ ra để đầu tư hai dự án là 6 triệu CAD (tương đương 108 tỷ đồng). Nếu thực hiện được chiến lược nói trên, Hòa Bình dự kiến doanh thu và lãi sau thuế năm 2032 sẽ đạt 18,6 tỷ USD và gần 1 tỷ USD.
Theo Hòa Bình, trong 10 năm tới, công ty sẽ tăng vay vốn ngân hàng trong và ngoài nước, phát hành trái phiếu và cổ phiếu chủ yếu để tài trợ cho chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài.
Hiện, Hòa Bình có 10 dự án nhiều khả năng sẽ đầu tư và trúng thầu, trong đó có 4 dự án sẽ triển khai trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023; 2024.
Nhà đầu tư quay lại đầu tư chung cư
Giá căn hộ Hà Nội tăng mạnh đã kéo theo làn sóng đầu tư căn hộ chung cư vốn đã thoái trào trong khoảng 3 năm qua. Anh Phạm Văn Xuân, môi giới bất động sản chuyên bán căn hộ chung cư Hà Đông cho biết bên cạnh khách tìm mua căn hộ để ở, thì từ khoảng 2 năm nay, lượng khách mua căn hộ đầu tư đang tăng lên. Nhóm khách đầu tư mua với mục đích cho thuê trong ngắn hạn hoặc để đó và chỉ tầm khoảng một năm là đã rao bán để kiếm lời. Với tốc độ tăng giá của căn hộ Hà Nội trong những năm gần đây, một nhà đầu tư có thể lời chênh 100-500 triệu đồng/căn hộ trong 1 đến 2 năm.
Chị Lê Thị Thơ, môi giới bán căn hộ chung cư Cầu Giấy cũng thừa nhận thực tế này khi chỉ 2 năm qua, trong số các khách hàng chị làm việc, số lượng người mua với mục đích đầu tư đang tăng lên. “Có những nhà đầu tư có thông tin nên có tầm nhìn rất rõ ràng, ở thời điểm mua, họ nắm được thực trạng vài năm tới, nguồn cung chung cư mới của thị trường Hà Nội sẽ tiếp tục khan hiếm nên sẵn sàng mua gom một số căn hộ giá tốt ở một số dự án có vị trí đẹp rồi cho thuê tầm 1 năm, hoặc chỉ cần có khách trả giá cao, họ sẵn sàng phá hợp đồng thuê để bán nhà”, chị Thơ chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Phương Linh (Gốc Đề, Minh Khai, Hai Bà Trưng), một người chuyên đầu tư đất nền cũng đã bắt đầu chuyển sang đầu tư căn hộ trong hơn 2 năm nay. Cách thức đầu tư của bà Linh là “lướt ngắn” trong vài tháng, lâu nhất là 1-1,5 năm. Các căn hộ khi mua lại, bà sẽ tân trang, làm nội thất để bán được giá cao. Bà chấp nhận lãi ít mỗi căn chỉ tầm khoảng 70-100 triệu sau khi trừ tất cả chi phí. “Việc bán nhanh, lãi ít giúp tôi tiếp tục có vốn, xoay vòng đầu tư chỗ khác. Nhờ cách làm này mà 2 năm qua, lợi nhuận tôi thu về không thua kém việc đầu tư đất nền”, bà Linh cho biết.
Trà Vinh kêu gọi nhà đầu tư cho 9 dự án du lịch hơn 4.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành danh mục 9 dự án kêu gọi đầu tư du lịch năm 2022 với tổng vốn đầu tư dự kiến là 4.006 tỷ đồng, tổng diện tích 1324,06 ha.
Đầu tiên phải kể đến dự án Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, có diện tích 368ha tại xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải. Dự án có vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng kêu gọi đầu tư cho dự án Khu Du lịch Khoán nóng Duyên Hải có diện tích 30ha tại Khóm Long Thạnh, phường 1, thị xã Duyên Hải. Dự án có vốn đầu tư 600 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là mời gọi đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và khu vui chơi giải trí hiện đại đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước, các thương gia, chuyên gia đang làm việc tại tỉnh Trà Vinh, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hình thức đầu tư là liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư, vòng đời 50 năm.
Ngoài ra còn có dự án Khu du lịch biển Ba Động có diện tích 368ha nằm trong Khu kinh tế Định An, thuộc xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải với mục tiêu nhằm khai thác tồi đa tiềm năng du lịch sinh thái, tạo tuyến, điểm du lịch liên kết trong vùng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Dự án có vốn đầu tư 500 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư, vòng đời 50 năm.
Bên cạnh đó, dự án Khu du lịch sinh thái cù lao Long Trị có diện tích 50,28ha tại ấp Long Trị, xã Long Đức, TP. Trà Vinh đặt kỳ vọng trở thành khu du lịch vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản, khu dịch vụ du lịch, ăn uống, tham quan, nghỉ dưỡng,…
Dự án có vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Hình thức đầu tư là liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư, vòng đời 50 năm.
Dự án đầu tư khách sạn 4 – 5 sao tại trung tâm Tp.Trà Vinh có diện tích 368ha ngay trung tâm Tp.Trà Vinh. Trong đó, vị trí 1 nằm tại đường Phạm Ngũ Lão, phường 1, Tp.Trà Vinh (khu III Đại học Trà Vinh cũ); Vị trí 2 tại đường Bạch Đằng, phường 4, Tp.Trà Vinh (thu hồi của Công ty Phát triển nhà); Vị trí 3 tại đường Bách Đằng, phường 4, Tp.Trà Vinh (thu hồi của Công ty Cổ phần Xây lắp Xáng). Dự án có vốn đầu tư 300 tỷ đồng.
Mục tiêu của dự án là đầu tư khách sạn 4 – 5 sao đáp ứng nhu cầu phục vụ khách lưu trú. Về quy mô diện tích đất, vị trí 1 tại đường Phạm Ngũ Lão, phường 1, Tp.Trà Vinh có quy mô 4.582 m2; Vị trí 2 tại đường Bạch Đằng, phường 4, Tp.Trà Vinh quy mô 1.233 m2; Vị trí 3 tại đường Bạch Đằng, phường 4, Tp.Trà Vinh quy mô 11.486 m2.
Dự án có vốn đầu tư 300 tỷ đồng, vòng đời theo đề xuất của nhà đầu tư. Hình thức đầu tư: Liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư.
Các dự án còn lại là dự án Làng văn hóa – du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh có diện tích 5ha tại Phường 8, Tp.Trà Vinh và xã Lương Hòa, huyện Châu Thành. Dự án có vốn đầu tư 25,9 tỷ đồng, vòng đời 20 năm. Hình thức đầu tư là xã hội hóa với mô hình “xây dựng – sở hữu – kinh doanh”.
Tiếp theo là dự án Khu văn hóa – Du lịch Ao Bà Om có diện tích 64,78ha tại Ao Bà Om, phường 8, Tp.Trà Vinh. Dự án đặt mục tiêu trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí hiện đại đáp ứng nhu cầu phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước để liên kết với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến với tỉnh Trà Vinh.
Dự án có vốn đầu tư 250 tỷ đồng, vòng đời 50 năm. Hình thức đầu tư là liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư.
Tiếp theo đó là dự án Khu du lịch sinh thái Hàng Dương có diện tích 20ha tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang. Dự án có vốn đầu tư 80 tỷ đồng, vòng đời 50 năm. Hình thức đầu tư liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư.
Cuối cùng là dự án Khu du lịch sinh thái Cù lao Tân Qui có diện tích 50ha tại xã Mỹ An Phú Tân, huyện Cầu Kè. Dự án có vốn đầu tư 250 tỷ đồng, vòng đời 50 năm. Hình thức đầu tư là liên doanh hoặc 100% vốn nhà đầu tư.
Hà Nội ra dự thảo mới, hàng loạt trường hợp không được phân lô tách thửa
Theo dự thảo, UBND TP Hà Nội đề xuất, không cho phép tách thửa đối với các trường hợp thửa đất nằm trong các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch, các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (trừ các trường hợp đang sử dụng đất tại các dự án tái định cư, dự án giãn dân do Nhà nước thực hiện giao đất ở trước ngày Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố có hiệu lực thi hành, để người dân tự xây dựng nhà ở).
Thửa đất nằm trong khu vực có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt. Trường hợp quy hoạch này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, thì việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh và theo quyết định này.
Cụ thể: Thửa đất gắn liền với diện tích nhà đang thuê của Nhà nước, mà người đang thuê chưa hoàn thành thủ tục mua nhà, cấp Giấy chứng nhận theo quy định.
Thửa đất gắn liền với nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước đã bán, đã tư nhân hóa nhưng thuộc danh mục nhà biệt thự bảo tồn, tôn tạo theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố do UBND Thành phố phê duyệt.
Đất thuộc khu vực đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các thửa đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đất thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định pháp luật.
Cũng theo dự thảo, nếu người sử dụng đất xin tách thửa đất mà thửa đất được hình thành từ việc tách thửa không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này để hợp với thửa đất ở khác liền kề tạo thành thửa đất mới đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất mới. Trường hợp thửa đất còn lại sau khi tách thửa không đảm bảo các điều kiện quy định tại Khoản 1, 4 Điều này thì không được phép tách thửa.
Bên cạnh đó, thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày 10/4/2009 (ngày Quyết định số 58/2009/QĐ-UBND của UBND Thành phố có hiệu lực thi hành) có diện tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều này, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận. Việc xây dựng nhà ở, công trình trên thửa đất đó phải theo quy định của UBND TP Hà Nội.
Trường hợp không đảm bảo diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa theo quy định tại Khoản 1 Điều này, mà thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện; và trên Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, tài sản khác gắn liền với đất.
Dự thảo nêu rõ: Không cấp Giấy chứng nhận, không làm thủ tục thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất hoặc thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với trường hợp tự tách thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất trong đó có một hoặc nhiều thửa đất không đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1, 4 Điều này.
Nêu tại dự thảo này, Hà Nội cũng quy định điều kiện tách thửa đối với thửa đất ở, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất. Theo đó, thửa đất có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); không nhỏ hơn 40m2 đối với khu vực các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; không nhỏ hơn hạn giao đất ở mới (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 của UBND TP đối với các xã, thị trấn còn lại.
Trường hợp chia tách thửa đất có diện tích từ 500 m2 trở lên thành 5 thửa đất mới trở lên (kể cả các thửa đất đã được tách ra trước đó), thì người sử dụng đất phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 báo cáo UBND cấp huyện nơi có đất phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục chia tách thửa đất.