Theo đánh giá, tiêu chuẩn mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế và xã hội.
Với người tiêu dùng, tiêu chuẩn sẽ giúp giảm bớt tốn kém về thời gian và tiền bạc khi quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; sẽ là công cụ bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm khi mua phải sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ kém chất lượng. Khi sản phẩm và dịch vụ tuân thủ tiêu chuẩn, người tiêu dùng có thể tin tưởng rằng sản phẩm và dịch vụ được thụ hưởng có tính an toàn, tin cậy và có chất lượng cao, nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hình minh họa
Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn không chỉ mang lại các lợi ích nội tại như: giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu, giảm tỷ lệ sản phẩm phi tiêu chuẩn và mức độ rủi ro, tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin,... mà còn mang lại những lợi ích về cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp, nâng cao vị thế cạnh tranh, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết trong sản xuất - kinh doanh; đảm bảo với khách hàng về sự phù hợp của sản phẩm với yêu cầu chất lượng... Tiêu chuẩn là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp các công ty giải quyết trong những thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.
Theo ông Phùng Mạnh Trường - Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hoạt động trong tiêu chuẩn hóa đã đem lại hiệu quả và hiệu lực rõ rệt, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã thực sự đi vào nề nếp, chặt chẽ hơn; việc phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan đã rõ ràng và minh bạch hơn, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa đến năm 2030 cũng đã nêu rõ rằng: Phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa toàn diện, đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, huy động sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ đối với ngành Khoa học và Công nghệ một số nội dung như: Xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội đến 2030; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động tiêu chuẩn, gắn chặt với Doanh nghiệp, lấy Doanh nghiệp làm trung tâm;
Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng xây dựng dự thảo nếu được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, nâng cao trình độ quốc tế hóa tiêu chuẩn, đồng thời đẩy nhanh quá trình hình thành hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu thị trường đang thay đổi không ngừng và nhanh chóng, đảm bảo các yêu cầu đặt ra tại Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của Chính phủ.