Tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng

(CL&CS) - Hiện nay, cũng như đối với thuốc lá điếu truyền thống, ở các quốc gia trên thế giới đang áp dụng các çkhác nhau đối với sản phẩm thuốc lá làm nóng.

Ảnh minh hoạ.

Các mức độ kiểm soát bao gồm: (1) cấm hoàn toàn; (2) cho phép sử dụng nhưng hạn chế hơn thuốc lá điếu; (3) cho phép sử dụng và quản lý như thuốc lá điếu (đây là hình thức mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo); (4) cho phép sử dụng rộng rãi hơn thuốc lá điếu; (5) chưa có quy định quản lý sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá làm nóng. Sản phẩm thuốc lá làm nóng hiện được thương mại hóa tại 66 quốc gia, gần đây nhất là Hoa Kỳ sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) kết luận cho phép một số sản phẩm thuốc lá làm nóng được lưu thông hợp pháp tại Hoa Kỳ. 66 quốc gia nêu trên đều có chính sách quản lý cụ thể đối với thuốc lá làm nóng như cảnh báo sức khỏe, mức thuế suất. Tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Singapore cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá làm nóng) thì Philippines mới ban hành quy định về thuế suất đối với thuốc lá làm nóng, qua đó cho phép sản phẩm này lưu thông trên thị trường. 

Cần khẳng định không có sản phẩm thuốc lá nào là hoàn toàn không gây hại. Tuy nhiên, FDA đã công nhận là các sản phẩm thuốc lá khác nhau có nguy cơ gây hại khác nhau. Với một số chỉ số độc hại trong khí phát thải giảm tới hơn 90% so với thuốc lá truyền thống, nhu cầu sử dụng và sản xuất thuốc lá làm nóng ngày càng lớn. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật hoặc văn bản quy phạm pháp luật đối với thuốc lá làm nóng để quản lý, cho phép nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó, hiện nay sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng phân phối thông qua các kênh không chính thức tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến. Thực tế này không chỉ gây thất thu thuế cho nhà nước và tiềm ẩn nguy cơ sản phẩm giả, không được kiểm định, kém chất lượng, gây mất an toàn đối với sức khỏe người dùng, mà còn khiến người tiêu dùng (bao gồm người hút thuốc trưởng thành, những người không bỏ được thuốc lá điếu) chưa được tiếp cận với thông tin đầy đủ về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Đề án về quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng để trình Chính phủ xem xét. Để phục vụ Đề án, năm 2020, Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 126/SC 3 Thuốc lá thế hệ mới đã tiến hành xây dựng ba (03) tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về sản phẩm thuốc lá làm nóng, cụ thể:

- TCVN 13156:2020  Sản phẩm thuốc lá làm nóng - Các yêu cầu;

- TCVN 13154:2020  Sản phẩm thuốc lá làm nóng - Xác định hàm lượng các oxit nitơ;

- TCVN 13155:2020 Sản phẩm thuốc lá làm nóng - Xác định hàm lượng cacbon monoxit.

Việc xây dựng các tiêu chuẩn này dựa vào các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài như: ISO (Tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế), CORESTA (Tiêu chuẩn của Trung tâm hợp tác nghiên cứu khoa học về thuốc lá), PAS (Tiêu chuẩn Anh), GOSТ (Tiêu chuẩn Liên bang Nga), SТ RK (Tiêu chuẩn Kazakhstan)...

Về phần nội dung, TCVN về thuốc lá làm nóng chỉ đề cập đến các nội dung kỹ thuật, không đề cập đến vấn đề quản lý. Tuy nhiên, các khái niệm, định nghĩa, tiêu chí kỹ thuật nêu trong tiêu chuẩn sẽ là căn cứ quan trọng xác định đúng tên gọi cũng như bản chất sản phẩm, để các bộ, ngành tham khảo, đưa ra chính sách quản lý phù hợp.

Việc công bố tiêu chuẩn cũng nhằm mục đích hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng có cơ sở kỹ thuật để tham khảo trên tinh thần tự nguyện, không phải văn bản quy phạm pháp luật và không mang hàm ý là sản phẩm này được phép kinh doanh, lưu thông trên thị trường (khác với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc áp dụng).

Một số điểm khác biệt trong nội dung tiêu chuẩn về thuốc lá làm nóng so với thuốc lá điếu có thể kể đến như sau:

+ Thuốc lá điếu có quy định về độ ẩm sợi nhưng sản phẩm thuốc lá làm nóng lại quy định về hoạt độ nước của phần thuốc lá. Độ ẩm của thuốc lá làm nóng cao hơn nhiều so với độ ẩm của thuốc lá điếu, do sản phẩm thuốc lá làm nóng được đặc chế để tạo các sol khí (khí dung) mà không tạo khói như thuốc lá điếu. Với thuốc lá điếu, độ ẩm cao sẽ gây ẩm mốc, ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng; nhưng với thuốc lá làm nóng, cũng do quá trình đặc chế nên mặc dù độ ẩm cao nhưng hoạt độ nước (tương ứng với lượng nước tự do) vẫn thấp, nên vi sinh vật và nấm mốc bị ức chế.

+ Thuốc lá điếu có quy định về hàm lượng tar (nhựa thuốc lá) nhưng sản phẩm thuốc lá làm nóng lại không quy định: do bản chất của thuốc lá làm nóng đã qua quá trình đặc chế nên hàm lượng tar gần như không đáng kể. Đây là một trong những chất gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

+ Thuốc lá làm nóng có quy định về hàm lượng giới hạn cacbon monoxit và các oxit nitơ trong khi thuốc lá điếu không có quy định: các giới hạn này giúp nhận diện quá trình làm nóng mà không đốt cháy. Đối với thuốc lá điếu, do có sự cháy nên hàm lượng cacbon monoxit và các oxit nitơ trong khói thải cao hơn rất nhiều.

+  Sản phẩm thuốc lá làm nóng còn phải đáp ứng các quy định liên quan về điện.

Như vậy, cùng sử dụng nguyên liệu chủ yếu là lá của cây thuốc lá nhưng các chỉ tiêu chất lượng (về mặt kỹ thuật) của thuốc lá làm nóng khác nhiều so với thuốc lá điếu truyền thống. Thuốc lá thế hệ mới ra đời cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, giảm mức độ độc hại với người tiêu dùng, do đó nhiều quốc gia đã đưa ra quy định nới lỏng hơn so với quy định về thuốc lá truyền thống để áp dụng cho loại sản phẩm này. Ví dụ tại Nhật Bản, chính phủ nước này đang áp dụng một hướng tiếp cận kết hợp đối với các quy định về thuốc lá thế hệ mới. Thuốc lá điện tử có chứa nicotin được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản quy định và được xem như một loại dược phẩm. Trong khi đó, thuốc lá làm nóng được nhận định là một sản phẩm thuốc lá vì các nguyên liệu của chúng được làm từ cây thuốc lá và được Bộ Tài chính kiểm soát. Khung pháp lý quy định danh mục sản phẩm thuốc lá làm nóng ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy, bao gồm cả về việc áp thuế, cảnh báo sức khỏe và hạn chế sử dụng.

Tuy có nhiều khác biệt về mặt công nghệ sản xuất và chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm, nhưng do cùng bản chất nguyên liệu thuốc lá nên vấn đề về an toàn có nhiều điểm tương đồng, và WHO khuyến cáo các quốc gia tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá nên có các biện pháp quản lý sản phẩm thuốc lá làm nóng tương tự như các biện pháp mà từng quốc gia đưa ra để quản lý thuốc lá điếu truyền thống./.

TIN LIÊN QUAN