Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 yêu cầu đối với vỏ thân mộc hoa trắng dược liệu

(CL&CS) - Cây mộc hoa trắng từ lâu đã được dùng làm cây dược liệu hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác nhau tại Việt Nam. Xong để làm dược liệu cần tuân thủ những yêu cầu về chế biến, bảo quản theo tiêu chuẩn.

Mộc hoa trắng còn có tên gọi khác là mức hoa trắng, mức lá to, mộc vài, thừng mực lá to, tên khoa học là Holarrhena antidysenteria Wall thuộc họ trúc đào (Apocynaceae). Mộc hoa trắng là một cây thuốc nam quý với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe. Dược liệu này có thể được tìm thấy ở nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan,… Tại Việt Nam, mộc hoa trắng mọc hoang ở nhiều nơi mà phổ biến là các tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Phú Thọ,…

Từ những bài thuốc dân gian trị viêm đại tràng, kiết lỵ,…, cây mộc hoa trắng đã được nghiên cứu rộng rãi và ứng dụng làm thuốc điều trị các bệnh đại tràng, tiêu chảy. 

Từ vỏ và hạt cây người ta đã chiết xuất các alkaloid có nhiều công dụng có ích như conessin, conesinidin, conkurchin, holarhenin, kurchine, holarrhemine… Trong vỏ cây chứa 2% các alkaloid trong có consenin. Conessin là alkaloid gây tác dụng dược lý chính của cây và chiếm 2% hoạt chất trong vỏ cây. Trong hạt có từ 36-40% dầu và 0,025% alkaloid.

Theo y học cổ truyền, mộc hoa trắng thường được sử dụng trong các bệnh lý về đường tiêu hóa như tiêu chảy, chữa lỵ đặc biệt là lỵ amip, viêm đại tràng và dùng để tăng cường chức năng tiêu hóa. Ở Ayurveda và Ấn Độ, loại cây này còn được sử dụng để chữa các bệnh liên quan đến rối loạn máu, rối loạn da cụ thể là sốt, vàng da, thiếu máu và đái tháo đường. 

Chiết xuất ethanol của mộc hoa trắng cũng đã cho thấy khả năng chống lại các tế bào ung thư phổi, đại tràng, gan, buồng trứng, cổ tử cung, miệng và thần kinh. Ngoài ra, mộc hoa trắng còn được nghiên cứu những hoạt tính như chống co thắt, gây độc tế bào, chống lại gốc tự do, làm hạ huyết áp, chậm nhịp tim,…Tuy nhiên để chế biến và bảo quản vỏ thân mộc hoa trắng làm dược liệu đảm bảo chất lượng tốt nhất tới tay người tiêu dùng nên tuân theo tiêu chuẩn hướng dẫn.

Cây mộc hoa trắng dùng làm dược liệu rất tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Căn cứ tại Tiêu chuẩn quốc gia sửa đổi 1:2024 TCVN I-4:2017 bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu và thuốc từ dược liệu- yêu cầu đối với vỏ thân mộc hoa trắng. Vỏ thân được bỏ lớp bần đã làm khô của cây Mộc hoa trắng [Holarrhena pubescens Wall, ex G. Don., syn. Holarrhena antidysenterica (Roxb. ex Flem.) A. DC., Echites antidysenterica Roxb. ex Flem.], họ Trúc đào (Apocynaceae). Khai thác vỏ thân vào mùa thu, khi tiết trời khô ráo, dùng dao tách lấy một phần vỏ của thân cây, sau đó đẽo bỏ lớp ngoài (bần), cắt phiến dài 3 - 5 cm, phơi hoặc sấy khô.

Miếng vỏ hơi cong, dài khoảng 3 - 5 cm, dày 0,2 - 1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu sẫm, rải rác có những đám màu trắng xám. Mặt trong nhẵn, màu vàng nhạt hay vàng nâu. Dễ bẻ gãy, mặt bẻ lởm chởm, nhìn thấy rỗ nhiều lớp chồng lên nhau. Mặt cắt có mô mềm mỏng, màu nâu đỏ thẫm, libe dày màu vàng nhạt, có nhiều lớp và lổn nhổn như có sạn. Không mùi, vị rất đắng.

Mảnh mô mềm gồm những tế bào hình đa giác thành mỏng. Mảnh bần còn sót lại màu nâu nhạt. Tế bào mô cứng đứng rời hay xếp thành từng đám có màu vàng nhạt, hình nhiều cạnh, thành dày, khoang rộng có ống trao đổi rõ. Tinh thể calci oxalat hình khối chữ nhật dài khoảng 40 μm, rộng khoảng 30 μm. Mảnh mạch. Hạt tinh bột hình trứng dài có rốn rõ.

Khi tiến hành thử nghiệm nên sử dụng phương pháp sắc ký lỏng, yêu cầu độ ẩm không quá 13,0%, tro toàn phần không quá 9,0%, tro không tan trong acid hydrocloric không quá 5,5%, kim loại nặng không quá 30 phần triệu. Dùng dung dịch đệm kali dihydrophosphat 25 mM - methanol hòa tan 3,4g kali dihydrophosphat trong 1000ml nước, thêm 3ml triethylamin điều chỉnh đến pH 3,0 bằng acid phosphoric. Dung dịch chuẩn hòa tan conessin chuẩn trong dung dịch acid hydrocloric 0,1N để được dung dịch có nồng độ chính xác khoảng 0,35 mg/ml.

Bảo quản dược liệu phải để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh mốc mọt. Sau khi hoàn thành dược liệu từ vỏ thân mộc hoa trắng có vị đắng the, tính bình, hơi có độc. Vào kinh đại trường, tiểu trường. Công dụng là sát trùng, chỉ tả, chỉ lỵ, trừ giun, hạ sốt, lợi tiêu hóa. Chủ trị: Tiêu chảy, lỵ amip, sốt, viêm gan. Dùng ngoài trị ngứa, ghẻ lở. Ngày dùng 10 g, dạng thuốc sắc, hoặc bột. Phải phơi khô mới dùng, không dùng tươi. Liều lượng thích hợp, nấu lấy nước để tắm hoặc có thể giã giập ngâm rượu cùng với vỏ rễ cây Hòe để dùng bôi, hoặc dạng cồn thuốc.

ĐỂ BIẾT THÊM NỘI DUNG TOÀN VĂN CỦA TIÊU CHUẨN TCVN SỬA ĐỔI 1:2024 TCVN I-4:2017 VỀ VỎ THÂN MỘC HOA TRẮNG

VUI LÒNG LIÊN HỆ:

Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Đ/c: Số 8, đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Điện thoại: (024) 37562608/ 37564268

Email: ismq@tcvn.gov.vn

TIN LIÊN QUAN