Thực hiện truy xuất nguồn gốc, mô hình hay cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp sạch

(CL&CS) - Với chủ đề "Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP HCM tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quyết định 1039/QĐ-UBND", Tọa đàm "Điểm hẹn kiều bào số 1" năm 2024 đã gợi mở nhiều nội dung hữu ích, mô hình hay cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp sạch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhấn mạnh vai trò của truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong việc đảm bảo chất lượng, trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên thế giới. Cụ thể, người tiêu dùng luôn quan tâm đến sản phẩm không chỉ ở chất lượng, mẫu mã, mà còn quan tâm thông tin liên quan tới quá trình sản xuất, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Theo Sở KH & CN TP.HCM, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100).

Từ tinh thần này, sau 2 năm áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Đề án 100, TP.HCM đã thực hiện truy xuất nguồn gốc cho hơn 500 lượt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố do các sở, ban, ngành cung cấp.

Bên cạnh đó, Sở này tham mưu UBND TP.HCM ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn với 7 nhóm sản phẩm, hàng hóa, gồm: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau quả tươi, tôm, thủy sản sơ chế có bao gói (cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa), tổ yến.

Tính đến tháng 6/2024 đã có 61 đơn vị tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Riêng đối với sản phẩm rau quả tươi, thủy sản đã có 14 cơ sở trên địa bàn sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, truy xuất nguồn gốc chưa được triển khai rộng rãi trong doanh nghiệp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo CEO Eden Farm Nguyễn Văn Đức – Đơn vị sở hữu ứng dụng truy xuất nguồn gốc chuỗi nông sản Eden Hub, ứng dụng Eden Hub sẽ giúp người nông dân cùng quản trị hệ sinh thái nông nghiệp thông qua mô hình kết nối 4 nhà (Nhà nông - Nhà tiêu dùng - Nhà cung cấp vật tư nông nghiệp - Nhà đầu tư vốn): làm sao quản trị nông sản, giám sát từ vùng trồng cho tới truy xuất nguồn gốc, hay giảm chất thải, cân bằng môi trường đất, và đặc biệt có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn... từ đó tạo độ uy tín cho khách hàng khi chọn mua sản phẩm.

"Trong đó ứng dụng truy xuất nguồn gốc Eden Hub đang giúp cho Eden Farm trong trồng dưa lưới và ghi chép nhật ký sản xuất. Eden Farm có thể cung cấp cho bên nhận một tài khoản để họ vào xem nhật ký sản xuất của mình bất kỳ lúc nào. Từ những kết quả bước đầu mang lại, Eden Hub kỳ vọng sẽ một công cụ mang đến một cách tiếp cận mới cho người nông dân, giúp bà con giảm bớt gánh nặng một nắng hai sương và từng bước đạt được trình độ canh tác nông nghiệp kỹ thuật cao; đóng góp hữu ích và hướng tới một nông nghiệp sạch, bền vững.", CEO Nguyễn Văn Đức cho biết

Được biết, Đề án 100 đã giúp Sở KH & CN TP.HCM triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc và danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên truy xuất nguồn gốc trên địa bàn để tham mưu UBND Thành phố lập danh mục văn bản quy định, pháp luật về truy xuất nguồn gốc,...

TIN LIÊN QUAN