Ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc của HSC: “Trong TTCK phái sinh, cơ chế giao dịch, bù trừ thanh toán phức tạp. Do đó, các thành viên thị trường và nhà đầu tư khi tham gia cần có kiến thức vững chắc về quản lý rủi ro cũng như năng lực tài chính.” (Ảnh: Ánh Hoa) |
Tính đến thời điểm ngày 12/7, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận cho 6 công ty chứng khoán gồm CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng và CTCP Chứng khoán VNDirect tham gia và kết nối hệ thống giao dịch chứng khoán với các thành viên này.
Thị trường đã sẵn sàng
Tham gia thị trường này, ngoài các yếu tố về nhân sự, kỹ thuật thì các công ty chứng khoán phải có vốn điều lệ từ 800 tỷ đồng trở lên. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng để bảo đảm cho TTCK phái sinh vận hành. Do đó, “vé” dành cho các công ty tham gia thị trường này khá ít.
Về phía ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK phái sinh, tháng 5/2017, thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã chính thức được ký kết. Tại đây, Chủ tịch Vietinbank Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, ngân hàng sẵn sàng thực hiện chức năng ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK phái sinh Việt Nam.
Được biết, trong giai đoạn đầu thị trường chỉ có 2 sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu VN30-Index và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc của HSC, việc lựa chọn hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số cổ phiếu VN30-Index làm 1 trong 2 sản phẩm đầu tiên khi mở cửa thị trường phái sinh nhằm tạo nền tảng tốt nhất cho thị trường. Bởi, VN30 hiểu là 30 mã chứng khoán tốt nhất trên sàn đáp ứng đủ các tiêu chí cơ bản về vốn hóa và tính thanh khoản cao.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, hai yếu tố quan trọng nhất đối với thị trường phái sinh là hệ thống pháp lý và hệ thống giao dịch đã hoàn chỉnh và sẵn sàng cho việc khởi động thị trường chứng khoán phái sinh vào tháng 8 tới đây.
Chứng khoán phái sinh sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 8 tới đây. (Ảnh: minh họa) |
Kỳ vọng lớn
Theo ông Giang, không chỉ riêng ông mà có lẽ toàn thị trường đang kỳ vọng vào thị trường mới này bởi nhiều yếu tố tích cực của nó. Việc giao dịch các sản phẩm cũng khá dễ dàng và thuận tiện. Nhà đầu tư có thể liên tục mở và đóng vị thế trong phiên để tìm kiếm lợi nhuận trên mọi biến động của thị trường thay vì phải chờ 2 ngày để cổ phiếu về tài khoản mới có thể bán như ở trong giao dịch cổ phiếu. Đây là sức hấp dẫn lớn nhất của TTCK phái sinh đối với nhà đầu tư.
Ngoài ra, theo ông Giang, đây là một sản phẩm mà khi tham gia nhà đầu tư sẽ chỉ bỏ ra chi phí vốn thấp. Đồng thời, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 sẽ là một trong những sản phẩm thu hút nhà đầu tư mở rộng danh mục, giúp tăng thanh khoản cho toàn thị trường. Ông Giang cũng chia sẻ thêm, tại thị trường Thái Lan, hiện nay tổng giá trị giao dịch mỗi ngày của thị trường phái sinh đã cao gấp 4-5 lần thị trường cơ sở, đạt 10 tỷ USD/ngày, số lượng hợp đồng đạt gần 300.000 hợp đồng/ngày.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chứng khoán phái sinh cũng khiến nhà đầu tư dễ gặp rủi ro. Bởi yếu tố đòn bẩy cao, sự lựa chọn lớn cũng dễ khiến nhà đầu tư gặp rủi ro trong việc dự đoán sai hướng đi của giá.
Ông Trịnh Hoài Giang cho biết, dù kỳ vọng rất lớn vào thị trường mới này nhưng trong khoảng 3 năm tới thị trường sẽ hơi vất vả vì vẫn cần thời gian điều chỉnh nhiều thứ cho phù hợp.
Ánh Hoa