Thị trường bất động sản hiện tại diến biến khó lường, nhà đầu tư nên thận trọng?

Trước hàng loạt các thông tin quy hoạch từ cơ quan chức năng đã tác động đến diễn biến của thị trường bất động sản. Trước tình trạng này, các chuyên gia đã cảnh báo nhà đầu tư và người dân cần giữ vững tâm lý, theo dõi sát các thông tin để tránh rủi ro từ các cơn sốt đất ảo.

Diễn biến khó lường

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam tiếp tục có sự khởi sắc trên nền tảng kinh tế có sự chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường bất động sản có những biến động mạnh đến từ kế hoạch sáp nhập tỉnh. Việc sáp nhập tỉnh được đánh giá sẽ mang lại tác động tích cực đến nền kinh tế và thị trường BĐS.

Nguồn: Batdongsan.com.vn.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm BĐS trong tháng 4//2025 tăng mạnh. Đặc biệt là các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh… có mức độ quan tâm tăng mạnh như: Hưng Yên tăng 36%, Thái Bình tăng 75%. Tại Ninh Bình, mức độ quan tâm tăng tới 95%.

Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, mức độ quan tâm BĐS Đà Nẵng tăng 39%, còn tại Quảng Nam tăng 96%.

Đáng chú ý, các tỉnh có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị” với 12,5 triệu dân, quy tụ cảng biển, sân bay, trung tâm tài chính, chứng kiến mức độ quan tâm BĐS tăng (TP.HCM tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 42%).

Theo thông tin cập nhật từ các thành viên Tổ Công tác nghiên cứu thị trường, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ sau vài tuần kể từ khi có thông tin đề xuất sáp nhập tỉnh, giá đất tại một số địa phương đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Thực tế ghi nhận, lượng giao dịch chỉ tăng trưởng tại các tỉnh, thành được dự đoán là trung tâm sáp nhập, có mặt bằng giá chưa quá cao.

Còn theo báo cáo thị trường Batdongsan.com.vn, Hưng Yên là một trong những tỉnh nằm trong các khu vực có lượng người tìm kiếm bất động sản nhiều nhất trên nền tảng này. Trong đó, huyện Văn Giang là nơi tập trung nhiều dự án quy mô lớn là nơi đất nền có mức giá đắt đỏ bậc nhất Hưng Yên, cao hơn cả giá đất khu vực thành phố.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến nghị khi đánh giá cơ hội từ sáp nhập tỉnh, nhà đầu tư cần phân tích kỹ các yếu tố về kinh tế, văn hóa, hạ tầng và quản lý. Giá trị BĐS chỉ thực sự được tác động tích cực khi hưởng đòn bẩy tăng trưởng kinh tế địa phương và cải thiện môi trường đầu tư. Người mua nên tránh tâm lý “lướt sóng” theo kỳ vọng tăng giá ngắn hạn. Nhà đầu tư cần đầu tư có chọn lọc, dựa trên phân tích dữ liệu và tính tương thích vùng sẽ là chìa khóa để tránh rủi ro.

Cẩn trọng để tránh rủi ro

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan, nhận định thông tin sáp nhập tỉnh đã khiến nhiều người kỳ vọng vào sự phát triển hạ tầng và kinh tế, dẫn đến xuất hiện làn sóng tranh nhau mua đất dù giá bán tăng cao. Tuy nhiên, sau các cảnh báo từ cơ quan chức năng, nhà đầu tư có xu hướng thận trọng, chờ thêm thông tin rõ ràng về pháp lý, quy hoạch hành chính sau sáp nhập. Điều này khiến giao dịch và giá đất có xu hướng điều chỉnh giảm.

Ngoài ra, một số nhà đầu tư phán đoán sai diễn biến thị trường, vội vàng thoát hàng cũng tạo ra làn sóng bán tháo, bỏ cọc khiến thị trường diễn biến tiêu cực.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6, cho biết, tùy theo tốc độ phát triển, nhà đầu tư quan tâm đến các bất động sản có giá trị khác nhau.

Đơn cử, tại các đô thị, những mảnh đất có giá 2-3 tỷ đồng được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất. Nhưng tại các đô thị mới phát triển, vùng ven, nhà đầu tư lại thích lựa chọn những sản phẩm giá chỉ 1-2 tỷ đồng. Còn với những sản phẩm trên 5 tỷ, nhà đầu tư cân nhắc vì tính thanh khoản thấp.

So với các phân khúc khác, ông Nguyễn Anh Quê đánh giá đất nền vẫn là “kênh đầu tư vua” nhờ vào tính thanh khoản cao, tổng giá trị đầu tư nhỏ, khả năng tăng giá và mức lợi nhuận lớn nhất.

Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của phân khúc đất nền chính là vấn đề quy hoạch và pháp lý. Do đó, ông Quê cho rằng, nhà đầu tư không nên quá sợ bỏ lỡ cơ hội khi giá tăng nóng.

“Khi lựa chọn đầu tư bất động sản, cần đặc biệt lưu ý đến yếu tố quy hoạch và pháp lý. Ngoài ra, không nên lạm dụng đòn bẩy tài chính, tránh trường hợp phải bán tháo khi thị trường đi xuống.

Những khu vực đã tăng giá trên 30% trong 15 tháng qua, hoặc có vị trí đặc biệt tiềm năng nhưng giá đã tăng trên 50%, sẽ không phù hợp với nhà đầu tư theo kiểu ‘lướt sóng’. Tuy nhiên, nếu đầu tư dài hạn, vẫn có thể xem xét cân nhắc”, ông Quê chia sẻ.