Nhiều nhà đầu tư chật vật thoát hàng, thu hồi vốn
Thị trường từ cuối năm 2021 đến nay có nhiều biến động khi chứng kiến những cơn sốt đất tại nhiều địa phương khi giá đất liên tục nhảy múa, nhiều nơi tăng giá mạnh, thậm chỉ xảy ra tình trạng sốt đất ảo, tăng gấp 2, gấp 3 chỉ trong thời gian ngắn. Nhiều nhà đầu cơ, lướt sóng dễ dàng kiếm tiền tỷ nếu đầu cơ đúng chỗ và biết thời điểm mua bán nhưng cũng có không ít người tìm hiểu không kỹ, chạy theo cơn sốt ảo và đầu tư vào khu vực nóng sốt đến lúc thoái hàng, rút vốn không khịp khi thị trường “trở mặt” giảm nhiệt mạnh mẽ.
Trước thực trạng phân lô, bán đất nền tràn lan, nhiều địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Bình Phước, Lâm Đồng… đã có các động thái “siết” phân lô tách thửa, tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạm dừng các giao dịch đất đai, tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, thanh tra, kiểm tra các sàn giao dịch bất động sản… khiến thị trường chững lại rõ rệt. Nhiều nơi trên thị trường dần vắng bóng người mua, thanh khoản thấp.
Khi thị trường hạ nhiệt cũng là lúc nhiều nhà đầu cơ chấp nhận lỗ và giao bán hạ giá, cắt lỗ để thu hồi vốn. Những thông báo rao bán đất cắt lỗ được đăng tải dày đặc. Dù phải chịu lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thì nhiều chủ đất cũng muốn bán nhanh để trả nợ nhưng vẫn khó tìm người.
Đánh giá về tình hình thị trường bất động sản nói chung, nhiều môi giới tại Hà Nội cho biết: “sau khi "lệnh" siết phân lô tách thửa được ban hành tại Hà Nội, không còn cảnh dàn xe tấp nập, nối đuôi nhau đi xem, mua bán đất nữa. Thị trường đã xuất hiện tình trạng “cắt lỗ" đến từ những nhà đầu tư mua lại trước đó”.
Nhiều địa phương xuất hiện tình trạng bỏ cọc
Thị trường bất động sản chững lại là dấu hiệu rõ rệt cho thấy hiệu quả trong công tác quản lý của Nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra một làn sóng tiêu cực trên thị trường khi tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng bỏ cọc. Nhiều nhà đầu tư lướt sóng sau khi “chốt lời” thành công đã nhanh chóng rời khỏi thị trường. Tuy nhiên cũng không ít những nhà đầu tư trót cọc hàng trăm triệu đồng phải bỏ cọc hoặc những người mua đất ở “đỉnh sóng” bị “kẹp hàng” đang tìm các bán tháo, cắt lỗ nhưng vẫn rất khó chốt được giao dịch.
Tại Hà Tĩnh, nhà đầu tư Lê Văn Thịnh cho biết, anh đã mua 2 lô đất nền tại các xã ven TP Hà Tĩnh. Khi thị trường có dấu hiệu giảm nhiệt, anh đã rao bán với mức giá tương đương nhưng không có ai hỏi mua. Anh quyết định cắt lỗ 200 triệu mỗi lô để tìm người mua nhưng cũng không chốt được giao dịch nào. Dòng tiền đổ vào đất nền không rút lại được.
Tại Nghệ An, xuất hiện nhiều giao dịch bị “bỏ cọc”, một số phiên đấu giá đất có ít người tham gia. Một nhà môi giới tại Nghệ An cho biết, gần đây, số lượng nhà đầu tư liên hệ, hỏi đi xem đất giảm manh, thậm chí có nhiều khách bỏ cọc, chấp nhận mất tiền cọc, không tiếp tục giao dịch nữa.
Tại Thái Bình, nhiều nhà đầu cơ cũng chầy chật rao bán đất nhưng không có người hỏi mua. Anh Thanh nhà đầu tư cá nhân chuyên mua đất nền khu vực Kiến Xương cho biết, khi cụm công nghiệp Kiến Xương bắt đầu xây dựng, anh đã mua lô đất nền của người dân gần đấy từ đầu năm 2022 nhưng thị trường giảm nhiệt, anh rao bán cắt lỗ đến vài trăm triệu nhưng cũng không chốt được giao dịch nào.
Đối với khu vực Tây Nguyên, một số huyện thuộc các tỉnh như Lâm Đồng, Đắk Lắk thời gian qua đã trở thành “điểm nóng” của thị trường bất động sản khu vực, các nhà đầu tư từ nhiều nơi đã rầm rộ kéo về tìm hiểu, mua đất khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt.
Tuy nhiên đến nay, giá nhà đất cũng như giao dịch bất động sản khu vực này đã có dấu hiệu “hạ nhiệt”, thậm chí giá bán một số nơi “lao dốc không phanh”. Điển hình tại xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những nơi "nóng" sốt nhất thời gian qua. Trong khoảng 2 tháng trở lại đây thị trường đã lắng xuống rất nhiều, lượng nhà đầu tư cũng như môi giới" không còn xuất hiện nhộn nhịp như trước. Giá bán theo đó cũng giảm mạnh.
Thị trường hạ nhiệt là tất yếu
Trước những dấu hiệu giảm nhiệt mạnh mẽ tại nhiều địa phương trong thời gian vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng đây là điều tất yếu bởi các Bộ, ngành và cơ quan chức năng một số địa phương “siết” chặt các hoạt động phân lô, tách thửa, các giao dịch chuyển nhượng đất đai, “siết” tín dụng cho lĩnh vực bất động sản…
Đánh giá tác động đến thị trường đất nền của việc siết phân lô tách thửa, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng đây là điều cần thiết để giảm cơn "khát" đất nền của giới đầu cơ, đồng thời giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn, tránh tình trạng "sốt" ảo. Tuy nhiên về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể, rõ ràng với đất đai để ngăn chặn tình trạng "bong bóng" bất động sản.
Mặt khác, trong bối cảnh hiện tại, khi các ngân hàng đang đồng loạt tăng lãi suất không chỉ gây bất lợi cho các doanh nghiệp bất động sản mà nhà đầu tư cũng sẽ gặp khó khăn. Chưa kể trước đó đã xuất hiện nhiều tín hiệu không tốt từ thị trường chứng khoán, việc siết thanh tra dự án, siết thuế chuyển nhượng bất động sản khiến thị trường từ từ chững lại và rơi vào thời điểm khó khăn. Theo các chuyên gia, dù hiện tại, giá bất động sản nhiều nơi chưa giảm vì kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư còn lớn, nhưng khi đứng trước tình trạng khó khăn chung, thị trường gặp khó, giá nhà đất khi đó buộc phải giảm…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản TP HCM nhận định, khi nguồn vốn vào bất động sản bị co hẹp, các doanh nghiệp bất động sản sẽ phải tập trung vào những dự án có tính khả thi hơn. Thị trường địa ốc vì vậy chắc chắn sẽ hạ nhiệt.