Lăng phun bọt là một thiết bị chữa cháy sử dụng bọt để dập tắt ngọn lửa từ các đám cháy chất lỏng. Vì được sản xuất để cho người có thể cầm nắm dễ dàng nên loại lăng phun này có đường kính miệng nhỏ gọn. Dựa vào đặc điểm của từng loại đám cháy khác nhau mà lăng phun chữa cháy được chế tạo phun các chất chữa cháy phù hợp để chữa cháy bao gồm nước sạch, nước có phụ gia, nước có tạo bọt,…
Do được thiết kế rất đơn giản nên khá thuận tiện cho việc lắp đặt, cũng như có thể bảo quản dễ dàng. Do đó, lăng phun bọt chữa cháy có thể khống chế và dập tắt được đám cháy một cách nhanh chóng.
Với sự đa dạng về mẫu mã cũng như cấu tạo, chất liệu và giá thành trên thị trường hiện nay, việc chọn mua một sản phẩm lăng phun rất dễ dàng. Tuy nhiên, để lựa chọn được một loại sản phẩm phù hợp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thì ngoài tránh ham rẻ thì việc lựa chọn đơn vị cung cấp cũng rất quan trọng. Vì đối với các đơn vị uy tín thường cho ra những sản phẩm đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Cụ thể, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13418:2022 Phòng cháy chữa cháy - Lăng phun bọt chữa cháy cầm tay – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nhằm đưa ra các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử đối với lăng phun bọt chữa cháy cầm tay độ nở thấp và độ nở trung bình. Yêu cầu kỹ thuật chung Lăng phun bọt cầm tay được cấu tạo gồm thân lăng, khớp nối, loa phun, lưới (nếu có), khóa (nếu có) và các chi tiết khác (tay cầm; đồng hồ đo áp suất...).
Lăng phun chữa cháy nên đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật cơ bản. Ảnh minh họa
Theo các yêu cầu của tiêu chuẩn này đưa ra thì các thông số của lăng phun bọt cầm tay phải có các giá trị phù hợp theo thông số kỹ thuật cơ bản của lăng phun bọt cầm tay theo tiêu chuẩn này. Giá trị các thông số kỹ thuật cơ bản của lăng phun bọt cầm tay phải phù hợp với các giá trị được quy định của nhà sản xuất và được thể hiện trong tài liệu kỹ thuật của các loại lăng đó, sai số không quá 2%.
Mặt ngoài của toàn bộ lăng không có các góc, cạnh sắc nhọn. Vật liệu chế tạo các chi tiết của lăng và lớp phủ bảo vệ bảo đảm độ bền và khả năng làm việc với chất tạo bọt và nước. Trên các bộ phận của lăng phun bọt cầm tay không có dấu vết ăn mòn, vết mẻ, vết lõm, vết nứt và các hư hỏng, khiếm khuyết cơ học khác. Các bộ phận, chi tiết liên kết của lăng phun bọt cầm tay phải bảo đảm chắc chắn, không tự nới lỏng trong quá trình hoạt động.
Lưới của lăng phun bọt cầm tay (nếu có) phải có độ căng đồng đều. Chỗ võng của lưới sau khi thử nghiệm ở áp suất thủy lực bằng 1,5 lần áp suất làm việc của lăng không vượt quá 5 mm. Khớp nối của lăng phun bọt cầm tay phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo TCVN 5739:1993. Khóa của lăng phun bọt cầm tay (nếu có) phải bảo đảm độ kín ở áp suất làm việc của lăng, dễ điều khiển và phải mở được hoàn toàn khi phun. Dòng bọt được tạo thành từ lăng phun bọt cầm tay phải phân bố đồng đều theo viền của miệng loa phun.
Độ bền của thân lăng phun bọt cầm tay phải bảo đảm độ bền ở áp suất thủy lực lớn hơn hoặc bằng 1,5 lần áp suất làm việc của lăng. Thời gian hoạt động của lăng phun bọt cầm tay không ít hơn 554 chu kỳ 1.
Việc ghi nhãn sản phẩm phải theo quy định hiện hành, thể hiện đủ các nội dung kỹ thuật được nêu tại TCVN 13418:2022 và các yêu cầu về định lượng; ngày sản xuất; thành phần; thông số kỹ thuật; thông tin cảnh báo; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.