Thường xuyên là đơn vị có nợ xấu cao nhất ngành ngân hàng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đang nỗ lực giải quyết vấn đề này.
Tài sản phát mãi giảm giá vẫn ế
Trong thời gian gần đây, các ngân hàng lớn liên tục công bố những đợt phát mãi tài sản với trị giá rất lớn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gây chú ý nhất khi khối tài sản có tổng trị giá lên đến 20.000 tỷ đồng được rao bán. Không gây sốc như Sacombank nhưng Agribank cũng nhận được sự quan tâm lớn từ giới đầu tư khi rao bán tài sản phát mãi trị giá hàng trăm tỷ đồng trong thời gian ngắn.
Hồi đầu tháng 10, Công ty Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng Agribank (Agribank AMC) thông báo sẽ bán đấu giá tài sản bảo đảm là tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ 129 A - 131 - 131 A - 133 - 135 A - 153/33 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Đây cũng chính là dự án cao ốc V-Ikon đã xây dựng dở dang từ nhiều năm nay.
Theo kế hoạch, phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 27/10 với giá khởi điểm 299,052 tỷ đồng, giảm 20% so với mức kỳ vọng ban đầu của ngân hàng. Điều đáng nói, đây là lần thứ 5 tài sản này được Agribank AMC thông báo đấu giá. Các phiên đấu giá trước đó dù được điều chỉnh giảm giá nhưng tài sản này vẫn ế ẩm.
Hồi đầu tháng 9, Agribank và Agribank AMC liên tiếp đấu giá tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền của 8 khoản nợ. Trong đó, 7/8 tài sản có tổng giá trị khởi điểm ước khoảng 200 tỷ đồng.
Cũng trong tháng 9, Agribank thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất gồm Nhà máy thủy điện Đăk Mek 3 với công suất 7,5MW và máy móc thiết bị tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum).
Giá chào bán lần này là 133,7 tỷ đồng. Đây là lần thứ 4 Agribank rao bán khối tài sản này. So với lần đầu chào bán hồi cuối năm ngoái, mức giá đã giảm gần 46 tỷ đồng, tương đương với 25%.
Ngay sau đó, Agribank gây bất ngờ khi tiếp tục thông báo phát mãi nhiều bất động sản tại Hà Nội. Giá trị khởi điểm đấu giá của 6 mảnh đất này dao động từ 2,5-17,1 tỷ đồng. Tổng giá khởi điểm là gần 66 tỷ đồng.
Hiện tại Agribank chưa công bố kết quả của các phiên đấu giá này nhưng diễn biến thời gian qua cho thấy khả năng tất cả các tài sản này được đổi chủ là điều khó xảy ra.
Các đợt phát mãi tài sản trị giá khủng của Agribank liên tục ế ẩm. |
Agribank nhìn nợ xấu tăng vọt
Do các đợt phát mãi tài sản khủng của Agribank chưa mang lại kết quả như mong đợi nên không có gì ngạc nhiên khi nợ xấu tại ngân hàng này tiếp tục đạt mức cao mới, cao vượt trội so với đa số đơn vị còn lại trên hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2018, tổng nợ xấu tại Agribank đạt 20.162 tỷ đồng, tăng 2.162 tỷ đồng, tương ứng 12% so với thời điểm cuối năm 2017. Nợ xấu chiếm 2,18% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, chỉ tiêu này đạt ngày 31/12/2017 là 2,05%. Có thể thấy, nợ xấu tại Agribank tăng cả về tỷ lệ và số tuyệt đối.
Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt từ 11.052 tỷ đồng lên 12.598 tỷ đồng. Ngoài ra, Agribank đang nắm giữ trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành trị giá tới 25.198 tỷ đồng, giảm mạnh so với 40.983 tỷ đồng.
Nợ xấu tại Agribank là con số khổng lồ, vượt xa cả vốn điều lệ của một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như Sacombank, MBBank, VPBank, Techcombank…
Nợ xấu lớn gây áp lực không nhỏ lên hoạt động của Agribank. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Agribank phải chi tới 10.403 tỷ đồng cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng mạnh so với 8.658 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Dù nợ xấu tại Agribank vẫn được ví như “quả bom nổ chậm” nhưng thời gian qua ngân hàng này đã có những nỗ lực đáng kể để giải quyết nợ xấu. Sau gần 1 năm (từ ngày 15/8/2017 đến 31/7/2018), xử lý và thu hồi nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Agribank đã đạt 57.922 tỷ đồng. Ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 254.308 khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ bán cho VAMC tại 153 chi nhánh.
Bảo Linh