Sở hữu trí tuệ là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo

(CL&CS) - Sở hữu trí tuệ hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Việc sử dụng các tài sản trí tuệ một cách có chiến lược sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ

Trong thời đại hội nhập toàn diện như hiện nay, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh, góp phần hoàn thiện chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là một đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế.

Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT tuệ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - cuộc cách mạng dựa trên sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội của thế giới như hiện nay.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài sản hữu hình của doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là, giá trị tài sản vô hình hay giá trị thương hiệu chiếm đến 3/4 tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc tạo lập và phát triển các quyền sở hữu trí tuệ sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu bỏ qua hoặc không đầu tư đúng mức thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh.

Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, vấn đề sở hữu trí tuệ hiện mang tính "sống còn" đối với doanh nghiệp và là tài sản của doanh nghiệp.

Do vậy, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp không tạo ra quyền sở hữu trí tuệ, không thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong kinh doanh thì không thể tồn tại và phát triển bền vững cũng như không thể khẳng định được vị thế trên thị trường.

Sở hữu trí tuệ là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Theo ông Hồng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đã "phá vỡ" các mô hình hoạt động và kinh doanh cũ của doanh nghiệp. Thay vào đó là việc ứng dụng những công nghệ mới hay buộc doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Sự thay đổi mô hình kinh doanh do chuyển đổi số sẽ tạo ra hiệu quả theo cấp số nhân cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng được những lợi thế để vươn cao, vươn xa trong nền kinh tế thị trường mở hiện nay.

Nhận thức được vai trò của sở hữu trí tuệ, thời gian qua, Cục Sở hữu trí tuệ đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ và hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong việc sở hữu tài sản trí tuệ.

Điển hình, thông qua Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, đến nay cả nước có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ, trong đó 21 sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của Trung ương, 271 sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của các địa phương và hơn 200 sản phẩm được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác và xã hội hóa...

Chiến lược kinh doanh phải gắn với sở hữu trí tuệ

Để xây dựng một chiến lược kinh doanh phù hợp, ông Hồng cho biết, chiến lược kinh doanh này phải gắn với sở hữu trí tuệ bởi đó chính là tài sản để doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Trong quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp đều phải huy động các nguồn lực, nghiên cứu, sáng tạo ra hoặc sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ (hoạt động sáng tạo, bảo hộ, quản lý, thực thi quyền sở hữu trí tuệ...) để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành một loại tài sản đặc biệt góp phần nâng cao giá trị và tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, loại tài sản này cần phải được quản lý và sử dụng có chiến lược.

Doanh nghiệp nào ý thức và đánh giá đúng giá trị sở hữu trí tuệ là tài sản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó có bước đi vững chắc.

Từ thực tiễn tại Bắc Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho hay, trong thời gian qua, hoạt động sở hữu trí tuệ đóng vai trò rất tích cực, giúp nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong tạo lập, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, tăng sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, trong nông nghiệp, Bắc Giang đã xây dựng được 766 mô hình xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao tạo ra chuỗi giá trị như: Vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế, vùng chăn nuôi và tiêu thu lợn sạch Tân Yên…

Bắc Giang cũng đang hình thành vùng cây ăn quả trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quy mô gần 50.000 ha, với các sản phẩm chủ lực như vải thiều, cam, bưởi, ổi, táo... được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap...

Đến nay, Bắc Giang đã đăng ký bảo hộ được 3 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Nhiều sản phẩm của tỉnh được bảo hộ thành công tại nước ngoài như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia... Đặc biệt, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã có 2.288 đơn đăng ký và được Cục SHTT cấp 1.180 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ – được xem là nhiều nhất cả nước.

Về vai trò của SHTT đối với doanh nghiệp, các chuyên gia nhận định SHTT là chìa khoá để tạo động lực đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, tăng cường nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới phù hợp với xu hướng thị trường, tiếp nhận các thành tựu kỹ thuật có sẵn thông qua chuyển giao công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ trong kinh doanh để khẳng định vị thế doanh nghiệp, nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng quyết định việc xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược sở hữu tài sản trí tuệ.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải định hướng, xác định chiến lược và nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển giá trị tài sản doanh nghiệp thông qua thúc đẩy tài sản sở hữu trí tuệ.

Trong những năm qua, làn sóng đổi mới sáng tạo đang tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên mọi nơi trong nhiều lĩnh vực, và cùng với phong trào “khởi nghiệp”, “đổi mới sáng tạo”, thuật ngữ “sở hữu trí tuệ” được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Do vậy, về cơ bản công chúng đã thấy và hiểu được vai trò của sở hữu trí tuệ là chìa khoá hội nhập thời kỳ mới.

Thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới và đa dạng cách tiếp cận các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, cần có các giải pháp triển khai đồng bộ và sáng tạo hơn để đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội.

Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT quốc gia đến năm 2030 đã được ban hành kèm theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép SHTT trong từng lĩnh vực kinh tế-xã hội nhằm xây dựng và phát triển được một số ngành kinh tế thâm dụng tài sản trí tuệ. Quản lý nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình thực hiện mục tiêu đó. Để hoạt động này ngày càng có hiệu quả và phát huy vai trò thì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và định hướng phát triển cho những năm tiếp theo là việc làm hết sức cần thiết.

TIN LIÊN QUAN