Siêu thị tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”

(CL&CS) - Nhằm từng bước loại bỏ những sản phẩm không đạt chuẩn khỏi thị trường, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, các doanh nghiệp bán lẻ đã “bắt tay” tuyên chiến với thực phẩm “bẩn”.

Khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị GO!, Big C. Ảnh: T.D

Kiểm soát chất lượng đầu vào

Thống kê từ Sở Công Thương TPHCM cho thấy, 8 hệ thống bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam tại TPHCM đang chiếm khoảng 60-70% mảng bán lẻ hiện đại, cung ứng lượng lớn hàng hóa cho người tiêu dùng TPHCM. Trong đó hàng Việt hiện chiếm 90-95% tổng sản phẩm tại các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh... nên vấn đề chất lượng hàng hóa tại kênh bán hàng hiện đại được đặt lên hàng đầu.

Hiện các nhà bán lẻ này đã ký thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa nhằm bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, phát huy năng lực kiểm soát chất lượng của từng hệ thống phân phối, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Ghi nhận tại hệ thống thị GO!, Big C, Tops Market của Tập đoàn Central Retail, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết, Central Retail luôn đề cao các yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt ngay từ đầu vào, cũng như suốt quá trình cung ứng hàng hóa tới tay người tiêu dùng, qua đó giúp doanh nghiệp đạt mục tiêu trở thành điểm đến mua sắm tin cậy của người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 8/3/2024, Central Retail Việt Nam cùng với các hệ thống phân phối hàng đầu Việt Nam ký thỏa thuận triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa; qua đó nhằm chung tay bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn sản phẩm không an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM. Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, việc các doanh nghiệp cùng chung tay phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa là sự khích lệ đối với những nhà cung cấp làm ăn minh bạch, nghiêm túc.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các nhà sản xuất và nhà cung cấp để bảo đảm chất lượng hàng hóa đưa vào hệ thống siêu thị phải đạt tiêu chuẩn như đã công bố, mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. Nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ ngay lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong hệ thống. Đồng thời, sẽ báo cáo đến Sở Công Thương TPHCM và thông tin đến các nhà phân phối khác để các đơn vị đồng thời tiến hành kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm tương tự tiếp tục được lưu thông, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Quá trình xử lý này rất nhanh chóng, chậm nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vấn đề.

Ông Vũ Dương Quân, Trưởng Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Satra cho biết, đơn vị đang khuyến khích các nhà cung cấp tự nguyện đăng ký tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm" và hiện đã có 4 nhà cung cấp hưởng ứng. Sự hợp tác này một mặt bảo đảm tất cả sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng, mặt khác tạo ra một chuẩn mực mới cho thị trường, nâng cao uy tín của các hệ thống bán lẻ.

Quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm

Là đơn vị đang cung ứng các loại rau gia vị cho một số hệ thống siêu thị, đại diện Hợp tác xã rau an toàn Việt (Long An) cho biết sự bắt tay này tốt cho người tiêu dùng, những nhà cung cấp làm ăn nghiêm chỉnh sẽ rất hoan nghênh. Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng tùy trường hợp, lỗi vi phạm, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của sự kết hợp này.

Đáng chú ý, mới đây, Saigon Co.op đã tiên phong xây dựng và thực hiện chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu, góp phần tạo nên hệ sinh thái bán lẻ vừa hỗ trợ cho các địa phương vừa kết nối các nhà sản xuất, xây dựng nên hệ thống cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần vào sự phát triển bền vững và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Theo đó, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu đến từ 6 tỉnh, thành phố (TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang) nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhấn mạnh, TPHCM dồi dào tiềm lực và điều kiện để phát triển vùng nguyên liệu một cách bền vững. Với sự quyết tâm và nỗ lực của chính quyền thành phố, doanh nghiệp và cộng đồng, tôi tin rằng chúng ta sẽ xây dựng được những vùng nguyên liệu chất lượng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Do đó, việc quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng không chỉ mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm mà còn có thêm nhiều sự lựa chọn với mức giá hợp lý. Đồng thời, giúp nhà sản xuất, đặc biệt là nông dân, ổn định đầu ra, tăng thu nhập và nâng cao đời sống.

Việc phát triển vùng nguyên liệu cũng là yếu tố then chốt giúp nhà phân phối đảm bảo nguồn cung ổn định, chất lượng cao, từ đó nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Song song đó, phát triển vùng nguyên liệu còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng tầm vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TIN LIÊN QUAN