Dự thảo quy định về yêu cầu kỹ thuật về mức hấp thụ; phương pháp đo (phép thử nghiệm, quy trình thử nghiệm, xử lý dữ liệu, giá trị SAR, thử nghiệm sử dụng với cảm biến, phương pháp rút ngắn thời gian thử nghiệm); trách nhiệm của các bên liên quan. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và khai thác điện thoại di động và các tổ chức đánh giá sự phù hợp thiết bị nêu trên.
Mức hấp thụ riêng (Specific Absoprtion Rate – SAR) là chỉ số dùng để đo mức độ hấp thụ năng lượng sóng vô tuyến điện vào cơ thể con người, có đơn vị là W/kg. Tổ chức Y tế thế giới (World Health Organization - WHO) đã chỉ ra rằng: Khi con người sử dụng điện thoại di động, các mô trên cơ thể sẽ chịu hiệu ứng tăng nhiệt do ảnh hưởng từ năng lượng sóng vô tuyến điện từ điện thoại di động; trường hợp tiếp xúc liên tục trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.
Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union – ITU) có báo cáo. SAR liên quan đến hiện tượng tăng nhiệt trên cơ thể con người do tiếp xúc gần với năng lượng sóng vô tuyến điện từ các thiết bị cầm tay, điển hình là điện thoại di động.
Tình hình chuẩn hóa về mức hấp thụ riêng SAR trên thế giới
Do SAR có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người nên nhiều tổ chức quốc tế đã quan tâm nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn nhằm hạn chế ảnh hưởng của SAR đến sức khỏe con người. Tiêu chuẩn về SAR đầu tiên được ban hành năm 1982 bởi Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers - IEEE). Sau đó, Ủy ban quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (International Commission on Non-Ionizing Radiation Protection - ICNIRP), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (International Electrotechnical Commission - IEC), ITU,… đều có nghiên cứu ban hành các tài liệu nghiên cứu, các tiêu chuẩn về SAR.
Các tổ chức quốc tế như Viện Kỹ thuật Điện và Điện tử (Institute of Electrical and Electronics Engineers - IEEE), Ủy ban quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (International Commission on Non-Ionizing Radiation Protection - ICNIRP), Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (International Electrotechnical Commission - IEC), ITU đã có nghiên cứu và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật về SAR:
Ủy ban quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa ICNIRP mới đây vào năm 2020 đã công bố phiên bản cập nhật hướng dẫn áp dụng giới hạn phơi nhiệm trường điện từ dải tần 100 kHz đến 300 GHz đối với các ứng dụng vô tuyến, trong đó bao gồm thiết bị đầu cuối thông tin di động (điện thoại di động). Tháng 12 năm 2021, ITU-T đã ban hành khuyến nghị ITU-T - Supplement 13 về các mức phơi nhiễm trường điện từ gây ra bởi thiết bị di động và cầm tay ở các điều kiện sử dụng khác nhau.
IEC ban hành họ tiêu chuẩn IEC 62209 (IEC 62209-1 về thử nghiệm SAR từ các thiết bị cầm tay và thiết bị gắn trên người sử dụng gần vùng tai hoạt động từ tần số 300 MHz đến 6 GHz; IEC 62209-2 về thử nghiệm SAR từ các thiết bị không dây sử dụng gần cơ thể người hoạt động từ tần số 300 MHz đến 6 GHz ; IEC 62209-3 về đánh giá SAR bằng phương pháp ma trận vector). Tương tự IEC, IEEE cũng ban hành tiêu chuẩn IEEE Std 1528:2013 về thử nghiệm SAR từ các thiết bị không dây đối với vùng đầu của cơ thể người.
Vào năm 2020, tiêu chuẩn IEC/IEEE 62209-1528:2020 được ban hành nhằm đồng bộ phương pháp đo của hai tiêu chuẩn do IEC và IEEE công bố để áp dụng thống nhất cho thử nghiệm SAR. Đây cũng là tiêu chuẩn được các quốc gia châu Âu, Mỹ, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia sử dụng cho phương pháp thử nghiệm SAR.
Ảnh minh hoạ
Tình hình quản lý về mức hấp thụ riêng của một số quốc gia trên thế giới
Qua nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm của 52 nước trên thế giới thuộc các khu vực châu Âu, châu Mỹ, khu vực ASEAN/châu Á, châu Úc, châu Phi cho thấy: (1) Có 43 nước khảo sát bắt buộc quản lý SAR (Trong đó, khu vực ASEAN có 09/10 nước đã bắt buộc quản lý SAR), (2) Có 09 nước khảo sát, mặc dù Đơn vị dự thảo đã cố gắng tìm hiểu thông tin nhưng vẫn chưa xác định rõ có bắt buộc quản lý SAR hay không. Trong 43 nước bắt buộc quản lý SAR, có quy định như sau:
Về mức giới hạn SAR: Tất cả 43 nước đều áp dụng mức giới hạn là 4 W/kg (đối với các chi) và 0,08 W/kg (đối với toàn bộ cơ thể). Mức giới hạn đối với vùng đầu và thân có khác nhau: 39 nước áp dụng mức giới hạn là 2 W/kg, 4 nước (Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ) áp dụng mức giới hạn 1,6 W/kg (theo giới hạn của Ủy ban truyền thông liên bang Hoa Kỳ - FCC).
Về đối tượng quản lý: Thông thường là các thiết bị vô tuyến điện sử dụng gần với cơ thể con người, nhất là ở khoảng cách dưới 20 cm5. Tất cả 43 nước đều quản lý điện thoại di động, một số nước áp dụng quản lý thêm với các thiết bị như: Bộ đàm, máy tính bảng, máy tính xách tay, bộ phát WIFI di động, đồng hồ thông minh,... Một số nước áp dụng quy định miễn trừ đối với thiết bị vô tuyến điện có công suất phát thấp.
Qua trao đổi làm việc trực tiếp với Cục Tần số vô tuyến điện Pháp (ANFR) thì được biết trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa vào năm 2021, cơ quan này đã phát hiện 13/141 điện thoại di động không đạt yêu cầu về mức giới hạn SAR cho phép. Hầu hết các quốc gia khảo sát đều sử dụng tiêu chuẩn phương pháp đo do IEC ban hành với dải tần đo thấp nhất từ 4 MHz đến cao nhất là 10 GHz.
Cụ thể, Châu Âu áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEC 62209-1 và IEC 62209-2 (hiện 02 tiêu chuẩn này được thay thế bằng IEC/IEEE 62209-1528:2020). Dải tần đo từ 300 MHz đến 6 GHz. Mỹ áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEEE Std 1528:2013. Hiện nay tiêu chuẩn này được thay thế bằng tiêu chuẩn IEC/IEEE 62209-1528:2020. Dải tần đo từ 300 MHz đến 6 GHz.
Canada áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEC 62209-1528:2020. Dải tần đo từ 4 MHz đến 6 GHz. Indonesia: áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEC 62209-1528:2020. Dải tần đo từ 300 MHz đến 6 GHz cho thiết bị 3G và LTE băng tần 450 MHz, dải tần đo từ 10 MHz đến 10 GHz cho thiết bị LTE băng tần khác và 5G.
Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEC 62209-1/-2 (hiện nay hai tiêu chuẩn này được IEC thay thế bằng IEC/IEEE 62209-1528:2020). Dải tần đo từ 300 MHz đến 6 GHz (Nhật Bản). Đài Loan áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEC 62209-1 (hiện nay tiêu chuẩn này được IEC thay thế bằng IEC/IEEE 62209-1528:2020). Dải tần đo từ 100 MHz đến 6 GHz.
Ấn Độ áp dụng phương pháp đo theo tiêu chuẩn IEC 62209-1/-2 (hiện nay hai tiêu chuẩn này được IEC thay thế bằng IEC/IEEE 62209-1528:2020). Dải tần đo từ 100 MHz đến 6 GHz. Malaysia, Singapore sử dụng tiêu chuẩn IEC/EN 62209-1 (hiện nay tiêu chuẩn này được IEC thay thế bằng IEC/IEEE 62209-1528:2020). Dải tần đo từ 300 MHz đến 6 GHz.
Tình hình chuẩn hóa trong nước
Điều 14 Luật Tần số vô tuyến điện đã quy định quản lý an toàn bức xạ đối với thiết bị vô tuyến điện trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường hoặc sử dụng. Quản lý SAR là một trong những nội dung quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện. Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay chưa quy định bắt buộc quản lý.
Thực tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 “Quản lý an toàn trong bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dải tần từ 3 kHz đến 300 GHz” (Tiêu chuẩn này đã được ban hành từ năm 2005, chưa được cập nhật. Hơn nữa, vì là tiêu chuẩn nên không bắt buộc áp dụng): Về mức giới hạn SAR: Áp dụng mức giới hạn 1,6 W/kg (đối với vùng đầu và thân), 4 W/kg (đối với các chi) và 0,08 W/kg (đối với toàn bộ cơ thể). Về đối tượng quản lý: Thiết bị di động và xách tay dải tần 0,1 MHz đến 2500 MHz.
Đề xuất quản lý và lựa chọn tài liệu tham chiếu
Về đối tượng và hình thức quản lý: Đơn vị dự thảo đề xuất trước mắt quản lý SAR đối với điện thoại di động và áp dụng hình thức công bố hợp quy về SAR đối với điện thoại di động.
Về mức giới hạn: giữ nguyên mức giới hạn SAR theo TCVN 3718-1:2005 (1,6 W/kg đánh giá trên 1g mô (đối với vùng đầu và thân), 4 W/kg (đối với các chi) và 0,08 W/kg (đối với toàn bộ cơ thể)). Mức giới hạn này là chặt chẽ nhất, tương đồng với quy định của Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Ấn Độ và được đo trong dải tần từ 4 MHz đến 10 GHz theo tiêu chuẩn IEC/IEEE 62209-1528:2020.
Về phương pháp đo: Tham chiếu theo phiên bản phương pháp đo mới nhất được thống nhất bởi châu Âu (IEC) và Bắc Mỹ (IEEE): IEC/IEEE 62209-1528:2020 Measurement procedure for the assessment of specific absorption rate of human exposure to radio frequency fields from hand-held and body-worn wireless communication devices - Human models, instrumentation and procedures (Frequency range of 4 MHz to 10 GHz).