Quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001:2022 - Bảo vệ quyền riêng tư cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

(CL&CS) - Áp dụng tiêu chuẩn quản lý an toàn thông tin ISO/IEC 27001 giúp doanh nghiệp, tổ chức xác định, đánh giá và kiểm soát các rủi ro liên quan đến an toàn thông tin, từ đó bảo vệ thông tin một cách hiệu quả…

Kỷ nguyên số đã mang đến cho doanh nghiệp vô số cơ hội phát triển mới nhưng cũng đi kèm với những rủi ro an ninh mạng và quyền riêng tư ngày càng gia tăng. Thông tin trở thành tài sản chiến lược của doanh nghiệp, cần được bảo vệ một cách hiệu quả.

Bên cạnh những lợi ích, việc sử dụng dữ liệu thông tin cũng đi kèm với nhiều rủi ro về an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp như: gây mất mát dữ liệu, thiệt hại nặng nề về tài chính, mất uy tín thương hiệu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh… Do đó, việc xây dựng và áp dụng một hệ thống quản lý an toàn thông tin hiệu quả là điều cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp và tổ chức.

Chứng nhận ISO 27001 được quốc tế công nhận nhằm mục đích bảo vệ tính bảo mật, tính khả dụng và tính toàn vẹn của tài sản thông tin của bạn. Tổ chức đã được cập nhật và cập nhật để mới hơn và phù hợp hơn. ISO/IEC 27001:2022 phiên bản mới được xuất bản vào ngày 25 tháng 10 năm 2022.

Quản lý an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 27001:2022.

Bộ tiêu chuẩn ISO / IEC 27000, còn được gọi là bộ tiêu chuẩn ISMS, bao gồm một loạt các tiêu chuẩn an toàn thông tin được công bố bởi Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO hợp tác với Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế IEC. Bộ tiêu chuẩn này bao gồm một loạt các tiêu chuẩn an toàn thông tin hỗ trợ lẫn nhau có thể được kết hợp để cung cấp một khuôn khổ được công nhận trên toàn cầu về thực tiễn quản lý an ninh thông tin tốt nhất. Trong đó, ISO 27001:2022 là tiêu chuẩn trung tâm trong bộ ISO 27000, bao gồm các yêu cầu triển khai đối với ISMS. Đây cũng là tiêu chuẩn duy nhất trong bộ tiêu chuẩn ISO 27000 mà các tổ chức có thể được đánh giá và chứng nhận.

ISO/IEC 27001 có thể được áp dụng với mọi loại hình tổ chức, bao gồm doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại, cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ… ISO/IEC 27001 giúp các tổ chức sớm nhận thức được rủi ro và chủ động xác định, giải quyết các điểm yếu. Việc triển khai và áp dụng ISO/IEC 27001 thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện về bảo mật thông tin: kiểm tra con người, chính sách và công nghệ.

Việc sử dụng các quy trình chuẩn của ISO/IEC 27001 đem lại lợi ích như sau bảo mật thông tin dưới mọi hình thức, bao gồm dữ liệu trên giấy, trên nền tảng đám mây và kỹ thuật số, tăng khả năng phục hồi trước các cuộc tấn công mạng; Cung cấp khuôn khổ được quản lý tập trung để bảo mật tất cả thông tin ở một nơi; Đảm bảo tổ chức được bảo vệ tối đa, chống lại các rủi ro về công nghệ và các mối đe dọa khác; Ứng phó với mối đe dọa an ninh mạng; Giảm chi phí và thời gian khi phát sinh sự cố; Bảo vệ tính toàn vẹn, bảo mật và sẵn có của dữ liệu;  Tăng khả năng tin tưởng của khách hàng với các tổ chức, doanh nghiệp; Liên tục cải tiến và cập nhật để phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Ông Nguyễn Đức Chung, Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, cho biết: Chuyển đổi số đồng nghĩa với việc số hóa dữ liệu và sử dụng các hệ thống thông tin nhiều hơn. Điều này khiến cho các tổ chức dễ bị tấn công mạng và rò rỉ dữ liệu nếu không có biện pháp bảo mật. Tuân thủ các chuẩn về an toàn thông tin giúp thiết lập các biện pháp bảo mật cần thiết để bảo vệ dữ liệu và hệ thống khỏi các mối đe dọa… Từ đó, các tổ chức, đơn vị sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, khẳng định được giá trị cốt lõi, nâng cao vị thế và niềm tin yêu đối với khách hàng.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp lớn đã có chứng nhận ISO/IEC 27001 như CSC Việt Nam, FPT-IS, FPT Soft, ISB Corporation Vietnam…, đây chủ yếu là các tổ chức có vốn đầu tư hoặc đối tác là khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng các tổ chức áp dụng tiêu chuẩn này còn ít. Nguyên nhân chủ yếu là do: i) Chi phí áp dụng ISO/IEC 27001 tốn kém hơn nhiều so với việc áp dụng ISO/IEC 9001; ii) Nhận thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng còn chưa cao; iii) Chi phí để được cấp chứng chỉ ISO/IEC 27001 cao.

Hiện nay, theo thống kê, có 08 tổ chức đã đăng ký hoạt động chứng nhận hệ thông quản lý phù hợp tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 tại Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong đó có một số tổ chức chứng nhận đã được công nhận (ví dụ: Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) được công nhận bởi tổ chức chứng nhận JAS-ANZ; Công ty TNHH TUV NORD Việt Nam được công nhận bởi tổ chức chứng nhận DAkkS (Đức)).

Các tổ chức chứng nhận được công nhận sẽ là nền tảng hỗ trợ hoạt động thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các nước trong khu vực và quốc tế, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát huy tối đa lợi ích mà ISO/IEC 27001 đem lại cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Theo xu hướng chung của xã hội, ISO/IEC 27001 dự đoán sẽ được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam. Yêu cầu bảo mật thông tin trên không gian mạng, dự đoán và ứng phó các mối rủi ro về công nghệ… đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải áp dụng ISO/IEC 27001 để tăng cường sức cạnh tranh và nâng cao sự tin tưởng của khách hàng. Đồng thời, việc các tổ chức đánh giá sự phù hợp triển khai xây dựng hệ thống tài liệu, chứng nhận các tổ chức, doanh nghiệp ISO/IEC 27001 cũng sẽ góp phần phát triển kinh tế và hội nhập với thông lệ chung của hoạt động đánh giá sự phù hợp trong khu vực và trên thế giới.

Thực tế, các tiêu chuẩn về an toàn thông tin thời gian qua đã đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ dữ liệu và hệ thống thông tin của tổ chức. Tuy nhiên, việc tiếp cận và triển khai chuẩn ISO về an toàn thông tin được nhiều chuyên gia đánh giá là một quá trình đầy thách thức, đòi hỏi phải chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện bài bản; Đồng thời, còn có sự cam kết và nỗ lực không chỉ lãnh đạo doanh nghiệp, hay bộ phận phụ trách công nghệ thông tin mà còn có sự tham gia thực hiện của tất cả các bên liên quan trong tổ chức.

TIN LIÊN QUAN