Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phan Tâm cho biết, trong thời đại CMCN 4.0, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đo lường là yếu tố then chốt để đảm bảo sản phẩm, hàng hóa mới và ứng dụng CNTT đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, an toàn và chất lượng, tạo niềm tin cho thị trường và người tiêu dùng.
Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, việc áp dụng tiêu chuẩn và hoạt động tiêu chuẩn hoá nói chung sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của DN. Việc tiêu chuẩn hóa góp phần hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của DN và lợi ích của cộng đồng.
Trên thực tế, Bộ TT&TT đã xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn bao trùm trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình và một số văn bản quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, trong năm 2023-2024, Bộ TT&TT đã tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến thiết bị trạm gốc, thiết bị đầu cuối và dịch vụ 5G, cũng như đang xem xét ban hành các Tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến IoT, AI.... Đây là những quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ TT&TT cho hay, khi công nghệ đang thay đổi từng ngày, việc xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đo lường chính xác là yếu tố then chốt nhằm đảm bảo các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, an toàn và chất lượng của người tiêu dùng, tạo niềm tin cho thị trường, cho xã hội.
Để mở rộng không gian phát triển ngành TT&TT, Bộ TT&TT đặt mục tiêu nâng thứ hạng của Việt Nam về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ CNTT ở top đầu các nước phát triển khu vực châu Á và thế giới.
"Quy chuẩn cho sản phẩm Make in Viet Nam phải có các yêu cầu kỹ thuật và yêu cầu chất lượng tiên tiến. Các Quy chuẩn Việt Nam cho dịch vụ phải có chỉ tiêu ngang tầm các nước phát triển, với lộ trình thực hiện phù hợp", Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Vì ý nghĩa to lớn đó, trong công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng Bộ TT&TT luôn lấy yêu cầu của thị trường làm mục tiêu phát triển; lấy DN là trung tâm của hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Trước yêu cầu phổ cập hạ tầng số an toàn tin cậy, phổ cập dịch vụ số đa dạng cho 100 triệu dân và chuyển đổi số hàng triệu cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, việc nâng tầm hoạt động tiêu chuẩn hóa ngày càng quan trọng. Do vậy, thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường nhận thức, năng lực đo kiểm, công tác giám sát, kiểm tra và sớm phát triển, đưa vào sử dụng một số phần mềm, nền tảng dùng chung về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phan Tâm chỉ đạo cần tập trung làm tốt một số vấn đề, cụ thể:
Thứ nhất, nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn hóa, từ đó đề xuất các giải pháp đột phá, đổi mới tư duy để nâng tầm tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng chuyên ngành, nhằm thúc đẩy phát triển ngành TT&TT bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ CNTT-TT make in Việt Nam.
Thứ hai, nhận thức và thực hiện mạnh mẽ hơn nữa về chức trách, phạm vi quản lý của cơ quan quản lý, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, tập trung vào triển khai công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng, đánh giá sự phù hợp, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để bảo vệ người tiêu dùng và thị trường phát triển lành mạnh.
Thứ ba, tăng cường hơn nữa năng lực đo kiểm thử nghiệm, chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành TTTT, tập trung phát triển, nâng cấp các phòng lab trong nước để đạt tầm khu vực, châu lục thu hút được các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu nước ngoài đến đo kiểm, thử nghiệm, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phòng đo không đủ năng lực, có dấu hiệu vi phạm.
Thứ tư, các Sở TT&TT tăng cường thực hiện tốt hơn công tác giám sát, kiểm tra bảo đảm phục vụ công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông, quản lý hạ tầng viễn thông thụ động, xây dựng trạm BTS, ngầm hóa, lắp đặt mạng cáp tại địa phương.
Thứ năm, phát triển, đưa vào sử dụng một số phần mềm ứng dụng hoặc một nền tảng số chung về công tác TC-ĐL-CL chuyên ngành TT&TT để thông tin nhanh, đầy đủ, tạo sự liên kết, kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cán bộ, chuyên viên thực hiện công tác này, qua đó cùng nhau giải quyết nhanh hơn, tốt hơn để đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp thực tiễn.
Thứ sáu, cùng nhau trao đổi thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, kinh nghiệm hay, bài học thành công, xác định nguyên nhân và giải pháp xử lý các vấn đề TC-ĐL-CL vẫn còn đang tồn tại, dự báo các rủi ro và các vấn đề sẽ phát sinh trong tương lai để chủ động giải quyết theo tinh thần từ sớm, từ xa, nâng cao thực chất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chuyên ngành TT&TT, phát triển sáng tạo, dẫn dắt công nghệ mới, công nghệ nền tảng phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Thứ bảy, giải quyết, khắc phục một số khó khăn, vướng mắc của các Sở TT&TT thời gian qua như chất lượng dịch vụ viễn thông, internet ở vùng lõm sóng, sóng yếu ở vùng sâu, vùng xa, dùng chung cơ sở hạ tầng trạm BTS trên địa bàn còn hạn chế, tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp viễn thông vẫn còn thấp, hạ tầng cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn, công tác phối hợp giữa các đơn vị chức năng của Bộ với Sở Thông tin và Truyền thông.
Thứ tám, Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Cục VT, các Sở, Doanh nghiệp khẩn trương rà soát các quy định quản lý chất lượng, các quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin để báo cáo, tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản, hướng dẫn.
Thứ chín, Các doanh nghiệp viễn thông, các phòng đo kiểm/thử nghiệm tăng cường công tác đo kiểm thử nghiệm chất lượng dịch vụ phục vụ công bố chất lượng, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trong việc kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng hoặc không an toàn, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ xã hội.